THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 08:13

Quảng Bình: Hỗ trợ sinh kế nạn nhân bom mìn, chất độc hóa học

 

Lực lượng công binh xử lý bom

Quảng Bình hiện đang là một trong những địa phương bị ô nhiễm bom mìn nặng nề nhất trên cả nước với 100% xã, phường đều bị phơi nhiễm. Ước tính, mỗi 1m2 đất bị nhiễm khoảng 29kg vật liệu chưa nổ gây nguy hiểm cho người dân. Cùng với các vật liệu nổ còn sót lại là hậu quả của nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC). Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh có khoảng 18.000 người nhiễm chất độc da cam; hầu hết những nạn nhân chất độc da cam đều có điều kiện sống rất thấp... Do vậy, công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Quảng Bình là vô cùng cần thiết. Dựa trên nền tảng hoạt động ở Quảng Bình trong lĩnh vực hỗ trợ nạn nhân bom mìn từ năm 2003 đến nay, Hội Vì sự phát triển của người khuyết tật tỉnh Quảng Bình (AEPD) được giao nhiệm vụ trở thành Chi hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam tại Quảng Bình.

Là một trong những nạn nhân chất độc da cam được AEPD hỗ trợ sinh kế, bà Mai Thị Lợi (sinh năm 1959) hiện đang sống tại Thôn Thanh Lạng, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa cho biết, chồng bà đi bộ đội từ năm 1972 đến năm 1976, bị phơi nhiễm chất độc dioxin trực tiếp. Năm 1989, chồng bà Lợi mất vì bệnh tật do chất độc da cam gây ra, để lại cho bà Lợi 5 đứa con nhỏ (3 trai, 2 gái. Một phụ nữ góa chồng lúc 39 tuổi, nuôi 5 người con, 3 người con bị bệnh tâm thần. Không việc làm, không thu nhập và không có thời gian để làm bất cứ việc gì khác ngoại trừ chăm sóc 3 đứa con trai bị bệnh, mà lúc nào cũng có khả năng gây thương tích cho mình.

Trước khi được AEPD hỗ trợ, thu nhập chính của gia đình bà Lợi là từ trợ cấp xã hội hàng tháng 2.500.000đ (cho cả 3 người con bị khuyết tật). Đây là trợ cấp xã hội dành cho người khuyết tật (NKT), không phải nạn nhân chất độc da cam, bởi vì dù chồng bà bị nhiễm độc dioxin khi đi bộ đội nhưng sau khi về lại làm mất giấy tờ, hồ sơ. Do đó gia đình bà vẫn chưa thể làm được chế độ cho người có công với cách mạng bị nhiễm chất độc hóa học. Năm 2016, AEPD với nguồn tài trợ từ tổ chức Advocacy Project – một tổ chức nhân đạo ở Mỹ, đã hỗ trợ cho gia đình bà Lợi một con trâu sinh sản trị giá 25.000.000 đồng.

Năm 2017, sau khi con trâu cái sinh được một con nghé, bà Lợi đã bán con trâu mẹ với giá 15,000,000 đồng và giữ lại con nghé đực để nuôi. Mỗi tháng bà lại kiếm được 1- 2 triệu đồng/tháng nhờ cho thuê trâu cày kéo và bán phân bón. Đặc biệt, nhờ số tiền kiếm được từ bán trâu và cho thuê cày kéo đã giúp bà có cơ hội đưa Cường – người con trai thứ hai vào Đồng Hới chữa bệnh. Sau đợt điều trị đó, Cường được uống thuốc đều đặn hàng tháng. Dần dần bệnh tình của Cường cũng khá lên.

Chủ tịch Hội AEPD Nguyễn Thị Thanh Hồng cho biết, tại Quảng Bình, từ năm 2015 đến nay, trung bình mỗi năm xảy ra 10 vụ tai nạn bom mìn, số lượng nạn nhân bom mìn hiện nay khoảng hơn 10.000 người, nạn nhân chất độc da cam/dioxin cũng hơn 10.000 người.

Phần lớn nạn nhân chiến tranh (NNCT) là những người nghèo nhất trong xã hội, cuộc sống còn bấp bênh và gặp nhiều khó khăn. Tuy Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ đối với người khuyết tật, NNCT nhưng việc đưa chính sách vào cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại, mức hỗ trợ nhìn chung còn thấp, nhiều đối tượng chưa tiếp cận được với các chính sách, hỗ trợ của Nhà nước.

 

Chủ thịch Hội Vì sự phát triển của người khuyết tật tỉnh Quảng Bình (AEPD) Nguyễn Thị Thanh Hồng ngoài cùng (bên trái) trao tiền hỗ trợ cho các nạn nhân bom, mìn. 

 

Do vậy, công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Quảng Bình là vô cùng cần thiết. Dựa trên nền tảng hoạt động ở Quảng Bình trong lĩnh vực hỗ trợ nạn nhân bom mìn từ năm 2003 đến nay, AEPD Quảng Bình được giao nhiệm vụ trở thành Chi hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam tại Quảng Bình. AEPD đã triển khai các hoạt động trên 87 xã/phường tại 8 huyện/thành phố/thị xã, bao gồm: TP. Đồng Hới, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa và thị xã Ba Đồn.

Năm 2018, AEPD đã tiếp cận được với hơn 3.000 người khuyết tật (NKT) bao gồm nạn nhân chiến tranh (NNCT); hỗ trợ sinh kế cho hơn 1.500 hộ gia đình có NKT/NNCT; hỗ trợ cho khoảng 35 nhóm sản xuất/kinh doanh với gần 300 thành viên; thành lập 45 câu lạc bộ NKT cấp xã và 8 CLB thanh niên khuyết tật với hơn 1.400 hội viên; nâng cấp trang thiết bị y tế cho 17 trạm y tế xã…

Phát huy những kết quả đạt được, năm 2019, hội tiếp tục thúc đẩy thành lập các CLB tự chủ (hoặc chi hội NKT) ở các xã còn lại nhằm tạo cho NKT/NNCT một diễn đàn, nơi họ cảm thấy tự tin nhất để tham gia, giúp NKT/NNCT hòa nhập xã hội; huy động sự tham gia của chính quyền địa phương trong quá trình hỗ trợ để có sự hậu thuẫn và hỗ trợ nguồn lực kịp thời và mọi lúc mọi nơi…

PHƯƠNG ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh