Công đoàn tham gia bảo vệ người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài
- Bài thuốc hay
- 14:30 - 04/05/2018
Theo số liệu thống kê, từ năm 2014-2017, Việt Nam luôn duy trì số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ở con số trên 100.000 lao động/năm. Riêng năm 2017, số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 137.751 lao động, vượt chỉ tiêu đề ra 28,3%. Ước tính, mỗi năm, người lao động thực tập và làm việc ở nước ngoài gửi về cho gia đình trên 2 tỉ USD.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng còn có nguy cơ rủi ro trong quá trình đi làm do thiếu thông tin khi tiếp cận dịch vụ đi lao động ngoài nước. Họ thường đi qua khâu trung gian nên thông tin không chính xác, phải trả chi phí cao.
Tuyên truyền, hướng dẫn người lao động đăng ký đi làm việc ở nước ngoài.
Chia sẻ về những giải pháp nhằm trợ giúp lao động đi làm việc ở nước ngoài và người lao động làm việc ở nước ngoài trở về hội nhập với thị trường lao động Việt Nam, đại diện Trung tâm dịch vụ việc làm tại nhiều địa phương cho rằng, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của tổ chức công đoàn, nhất là cấp cơ sở. Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng xuất khẩu lao động ngày càng nhiều, nhất là những thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)... Công đoàn cơ sở cần tăng cường công tác tuyên tuyền, cung cấp thông tin đến nhân dân, đặc biệt là lực lượng lao động trẻ chưa có việc làm ổn định, để hiểu biết đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác xuất khẩu lao động. Đặc biệt, tổ chức Công đoàn cần phối hợp với các tổ chức xã hội ở địa phương, công khai danh sách, địa chỉ các doanh nghiệp đang tuyển chọn lao động xuất khẩu chính thống, uy tín; cung cấp thông tin về điều kiện làm việc, mức lương, quyền lợi và trách nhiệm của lao động.
Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Phú Thọ Nguyễn Văn Thịnh cho rằng, để người lao động đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài được thuận lợi, đúng pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các đối tác tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các văn bản pháp quy, chính sách hỗ trợ đầy đủ, phù hợp hơn với từng nước tiếp nhận lao động Việt Nam, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để làm căn cứ pháp lý thực hiện. Tổ chức Công đoàn Việt Nam cần mở rộng hợp tác với Công đoàn các nước, các tổ chức quốc tế để tạo điều kiện, phối hợp hỗ trợ người lao động Việt Nam đến làm việc tại các nước tiếp nhận.
Người lao động đi làm việc tại nước ngoài trở về thường có tâm lý ngại đi làm xa một lần nữa, nhưng lại muốn có thu nhập cao trong khi mức thu nhập trong nước còn hạn chế, chưa tạo được động lực thu hút lao động. Do vậy, Công đoàn các cấp cần phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội đẩy mạnh công tác truyền thông, định hướng tư tưởng giúp người lao động hiểu về thị trường lao động trong nước; đồng thời kết nối, giới thiệu lao động tiếp cận với các dịch vụ việc làm, doanh nghiệp uy tín đang hoạt động trên địa bàn lao động cư trú.
Ông Nguyễn Thành Thật, Chủ tịch công đoàn cơ sở xã Tịnh Kỳ (LĐLĐ TP.Quảng Ngãi) cho biết, công đoàn cơ sở thường xuyên cung cấp danh sách, địa chỉ các doanh nghiệp đang tuyển chọn lao động có uy tín, tiêu chuẩn tuyển chọn, các khoản phí phải nộp. Đồng thời, người lao động được cũng cấp những thông tin về quyền lợi và trách nhiệm khi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, các rủi ro mà người lao động phải đối mặt khi làm việc hoặc cư trú bất hợp pháp tại các nước. Vận động người lao động đi xuất khẩu lao động chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật Việt Nam cũng như nước sở tại. Qua đó, xã Tịnh Kỳ được đánh giá là một trong những xã ít có lao động vi phạm các chính sách xuất khẩu lao động của Việt Nam.
Từ kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, ông Thật kiến nghị, các cơ quan chức năng cần thông tin rộng rãi danh sách các doanh nghiệp có chức năng hoạt động xuất khẩu lao động, tránh tình trạng người lao động bị lừa. Kiên quyết xử lý các vi phạm của cá nhân và doanh nghiệp để chấn chỉnh hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhằm hạn chế nạn cò mồi, lừa đảo, giảm chi phí cho người lao động. Đặc biệt, thiết lập “đường dây nóng” để tổ chức công đoàn có điều kiện tuyên truyền tới người lao động ở nước ngoài để giảm thiểu tình trạng lao động hết hạn hợp đồng không về nước, cũng như tiếp nhận phản ánh để bảo vệ kịp thời quyền lợi của người lao động.