THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:00

Quan tâm chất lượng nhân lực, kỹ năng lao động thì kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế mới hiệu quả và thực chất

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung (đại biểu Quốc hội đoàn Thanh Hóa) tại Hội trường Diên Hồng sáng 30/10 - Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung (đại biểu Quốc hội đoàn Thanh Hóa) tại Hội trường Diên Hồng sáng 30/10 - Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025

Sáng nay 30/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, nhiều đại biểu tham gia thảo luận dành sự quan tâm đến thị trường lao động trong tái cơ cấu nền kinh tế. Song song đó, các đại biểu cũng ghi nhận, giai đoạn 2016 - 2021, kỹ năng lao động, tốc độ năng suất lao động tăng.

Năng suất lao động tăng, đạt kế hoạch

Tham gia thảo luận, đại biểu Đinh Ngọc Quý (đoàn Gia Lai) nhấn mạnh, cần phải quan tâm hơn nữa đến chất lượng nguồn nhân lực, kỹ năng nghề của người lao động để không chỉ đồng hành mà phải chủ động hơn với các thị trường khác “thì kế hoạch cơ cấu mới đạt được hiệu quả và thực chất”.

Ghi nhận năng suất lao động có tốc độ tăng, đạt kế hoạch nhưng ông Quý cho rằng, giá trị tuyệt đối chưa cao, tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2021 hiện nay chúng ta đã đạt khoảng 67% nhưng tỷ lệ đào tạo sơ cấp chiếm tỷ trọng cao. Tỷ lệ đào tạo có bằng cấp chứng chỉ ở mức khoảng độ 26,1% cho đến thời điểm này.

Cũng theo đại biểu đoàn Gia Lai, các chuyên gia quốc tế đánh giá và nhận định nền kinh tế Việt Nam có hưởng lợi từ quá trình số hóa nhanh chóng đến mức độ nào là phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển của thị trường lao động.

“Chính vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm đầu tư hơn, chú trọng hơn đến các biện pháp cụ thể để thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu phản ánh được cơ cấu lại thị trường lao động về chất lượng. Tận dụng những năm còn lại của cơ hội dân số vàng - vốn chỉ đến với mỗi quốc gia có một lần”, đại biểu nói và nhấn mạnh, chúng ta chỉ còn khoảng 20 năm cho dư lợi dân số này nữa thôi.

Đại biểu Đinh Ngọc Quý - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai, thảo luận tại hội trường Diên Hồng

Đại biểu Đinh Ngọc Quý - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai, thảo luận tại hội trường Diên Hồng

Cũng liên quan đến tác động của giá hóa dân số đến thị trường lao động, từ điểm cầu Thừa Thiên Huế, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên Huế) cho biết, theo số liệu Tổng cục Thống kê điều tra lao động việc làm qua các năm 2019 - 2020,) cho biết, quy mô lao động tăng nhưng tốc độ tăng giảm dần, “chủ yếu do tác động của già hóa dân số”.

Đưa ra số liệu cụ thể để thấy già hóa dân số đang gây áp lực lên phát triển kinh tế xã hội thời gian tới, đại biểu nêu: “Giai đoạn 2011 - 2015 bình quân mỗi năm quy mô lực lượng lao động tăng trên 560.000 người, nhưng giai đoạn từ năm 2015 trở lại đây, bình quân mỗi năm tăng chưa đến 400.000 người. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động rất cao, nhưng bắt đầu có xu hướng giảm trong 3 năm trở lại đây”.

Cụ thể, năm 2011 là 77,07%; 2015 là 77,4%; 2016 là 77,27% đến năm 2020 còn 74,4%. “Những đặc điểm này của lực lượng lao động đặt ra thách thức cho phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ tới”, đại biểu này tỏ quan ngại, đặc biệt là việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, để góp phần tăng năng suất lao động và giải quyết việc làm cho phù hợp cũng như đảm bảo an sinh xã hội cho người cao tuổi.

Vì vậy, cần phải phát huy lợi thế con người của đất nước, đảm bảo người lao động, nhân dân là chủ thể của quá trình phát triển, đổi mới mô hình đào tạo, hướng đào tạo nghề nghiệp, phát triển kinh tế, dịch vụ nhanh chóng toàn dụng lực lượng lao động với năng suất cao và thu nhập thỏa đáng.

“Để đến khi cửa sổ vàng, kết cấu tuổi dân số đóng lại, chuyển nhanh lao động phi chính thức thành chính thức, từ sản xuất nông nghiệp sang phi nông nghiệp, từ nông thôn sang thành thị v.v..”, đại biểu “hiến kế” trước tốc độ già hóa dân số.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế, thảo luận trực tuyến tại điểm cầu Thừa Thiên Huế

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế, thảo luận trực tuyến tại điểm cầu Thừa Thiên Huế

Cần có chính sách phát triển kinh tế vùng, thu hút lao động, giải quyết việc làm

Đề cập đến việc để thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 thích ứng với trạng thái bình thường mới nhiều vấn đề đang đặt ra, đại biểu Trần Văn Sáu (đoàn Đồng Tháp) đề nghị Chính phủ cần có chính sách đầu tư hợp lý để phát triển kinh tế vùng, thu hút lao động, giải quyết việc làm, tổ chức đào tạo, đào tạo lại, dạy nghề phù hợp để tạo cơ hội việc làm cho người lao động, nhất là nông dân, lực lượng dễ bị tổn thương trong điều kiện kinh tế thị trường.

“Tất nhiên, lao động, việc làm không thể chia đều theo vùng miền nhưng phải hợp lý, hạn chế tình trạng di dân ồ ạt”, ông Sáu nói.

Ở góc độ khác, quan tâm đến chất lượng lao động trước tốc độ phát triển kinh tế, theo đại biểu Lê Minh Nam (đoàn Hậu Giang), cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu vận hành và ứng dụng công nghệ số. chúng ta cũng cần phải có kế hoạch giải quyết hậu quả lao động dôi dư khi chuyển đổi kinh tế số.

Đại biểu đoàn Hậu Giang phân tích, tự động hóa sử dụng robot có khả năng năng suất, hiệu quả cao sẽ thay thế lao động của nhiều ngành công nghiệp như là da giày, may mặc, lắp ráp trong tương lai gần.

Cùng với đó, xu hướng phát triển ứng dụng công nghệ như ngân hàng điện tử, smart banking, thương mại điện tử, khám bệnh từ xa, dạy học trực tuyến, dịch vụ công trực tuyến… chắc chắn sẽ làm giảm nhu cầu nhân lực ở các lĩnh vực này.

Trước tác động này của cách mạng công nghiệp 4.0, đại biểu khẳng định: “Theo tôi chỉ 3 năm nữa biến động cơ cấu lao động việc làm sẽ rất khác biệt”, vì thế ông Lê Minh Nam cho rằng, cần chủ động kế hoạch giải quyết từ sớm, từ xa về kỹ năng lao động để ứng phó, “cạnh tranh” việc làm với robot…

Thanh Nhung - Mạnh Dũng

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh