THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:17

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Tiến tới đóng bảo hiểm xã hội có thể giảm còn 10 năm

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội nêu.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội nêu.

Chiều 27/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020.

Thảo luận về nội dung quan trọng này, các đại biểu Quốc hội cho rằng, Chính phủ thời gian qua đã thể chế hóa kịp thời chủ trương điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; đối tượng tham gia BHXH, bảo hiểm tự nguyện trong bối cảnh đại dịch Covid-19 nhưng cách làm sáng tạo, hiệu quả vẫn có sự tăng trưởng khả quan…

Các quỹ Bảo hiểm kết dư tương đối an toàn

Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, Quốc hội lần đầu tiên thảo luận trực tiếp về vấn đề BHXH, cho thấy đây là sự quan tâm rất lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đến chính sách an sinh xã hội;

Bộ trưởng cho biết, trước đó, tại thảo luận tổ, về lĩnh vực Bảo hiểm xã hội có 267 ý kiến thảo luận, và hôm nay rất nhiều ý kiến thảo luận trực tuyến về vấn đề này. Và những ý kiến của các đại biểu, theo ông Dung là “rất tâm huyết, trí tuệ và thiết thực”.

Bộ trưởng tin tưởng, sau kỳ họp này, chúng ta sẽ tiếp tục có bước phát triển mới về nhận thức, về trách nhiệm và hành động trong triển khai và phát triển các chính sách BHXH - một trong những trụ cột quan trọng nhất về chính sách an sinh xã hội.

Cho biết, mặc dù Bảo hiểm xã hội bắt đầu triển khai ở nước ta từ năm 1995, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tuy “còn non trẻ”, song đến nay chúng ta đã có một bước phát triển tương đối nhanh, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và “cơ bản đáp ứng và phù hợp với thông lệ quốc tế”, và đã triển khai 8/9 loại hình chính sách bảo hiểm xã hội.

Đáng chú ý, đến nay quỹ Bảo hiểm xã hội đã thực sự trở thành một quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước có quy mô lớn nhất, bên cạnh ngân sách nhà nước”.

Cho biết, quy mô quỹ của chúng ta thời gian qua thì có một bước phát triển rất nhanh, Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH thông tin, nếu năm 1998 là năm đầu chúng ta kết dư mới có 7500 tỷ thì đến hết năm 2020, quy mô đầu tư quỹ của chúng ta đã tăng gấp 120 lần, tức là kết dư hiện nay gần 1 triệu tỷ và tốc độ tăng trưởng bình quân năm sau thì cao hơn năm trước là 20%.

Như vậy, “các quỹ ngắn hạn của chúng ta cơ bản vừa đáp ứng các mục tiêu, các chính sách, nhưng đến nay kết dư tương đối an toàn”, ông Dung nhấn mạnh.

Toàn cảnh Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội nêu.

Toàn cảnh Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội nêu.

Sử dụng các quỹ ngắn hạn đúng mục đích, tăng quyền lợi cho người lao động

Thông tin thêm, trong bối cảnh dịch bệnh tác động lớn đến Kinh tế - Xã hội thời gian qua, nhất là đã ảnh hưởng lớn đến người lao động và chủ sử dụng lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, sau khi báo cáo với cấp có thẩm quyền và được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã ban hành 5 Nghị quyết và các quyết định liên quan, trong đó có nhiều chính sách liên quan đến hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động từ kết dư các quỹ Bảo hiểm xã hội với tổng mức hỗ trợ trên 50.000 tỷ.

Trong đó 30.000 tỷ là tiền mặt, còn lại hơn 20.000 tỷ từ việc miễn, giảm các chính sách, rồi miễn đóng, giảm đóng và cho phép chậm đóng bảo hiểm.

“Kết quả đó đã thực sự đem lại những hiệu quả thiết thực và nhận được sự ủng hộ, đồng tình của người tham gia bảo hiểm xã hội. Do đó, BHXH đến nay thực sự từng bước trở thành trụ cột của lưới an sinh xã hội, góp phần nâng cao khả năng chống chịu, phòng ngừa và khắc phục rủi ro cho người lao động trong quá trình tham gia bảo hiểm xã hội”, ông nhấn mạnh.

Bày tỏ sự cầu thị và lắng nghe, tiếp thu những đóng góp của các đại biểu, thời gian tới Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam và các cơ quan sẽ tập trung, khẩn trương đề xuất Quốc hội xem xét sửa đổi một cách căn cơ Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm. “Dự kiến cuối tháng 10 này phiên họp Chính phủ sẽ bàn về nội dung Luật BHXH sửa đổi”, ông thông tin.

Về thể chế hóa Nghị quyết 28 của Trung ương khóa XII, theo Bộ trưởng, có một số nội dung đã tiến hành rồi như: điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối với ngân sách Nhà nước.

“Tới đây sẽ tập trung giải quyết 1 số vấn đề cơ bản như đại biểu Quốc hội vừa nêu, như phát triển hệ thống Bảo hiểm xã hội đa tầng; sửa đổi thời gian giảm đóng BHXH mức tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm, và tiến tới có thể còn 10 năm”, ông Dung cho biết.

Ông cũng nhấn mạnh phải đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng công bằng, bình đẳng; điều chỉnh chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần; phát triển tham gia Bảo hiểm xã hội của lực lượng lao động phi chính thức; xây dựng chính sách hấp dẫn người lao động tham gia Bảo hiểm xã hội …

Song song đó, đa dạng hóa danh mục cơ cấu đầu tư, quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.

Để làm được những điều đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu, trước mắt tập trung chú trọng đổi mới công tác tuyên truyền để khi bước vào thị trường mới, người lao động hiểu và đồng tình, chủ động tham gia, dần dần hình thành văn hóa an sinh trong mọi người lao động.

Thứ hai, sử dụng các quỹ ngắn hạn đúng mục đích, tăng quyền lợi cho người lao động, nghiên cứu điều chỉnh , phát huy kết dư trong hỗ trợ thúc đẩy thị trường lao động, xây dựng các chính sách hấp dẫn người lao động tham Bảo hiểm xã hội. Và cuối cùng là tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo.

Đổi mới khâu tổ chức thực hiện, Bộ trưởng đề xuất Quốc hội ba vấn đề: Thứ nhất, tăng cường công tác giám sát kiểm tra việc triển khai chính sách; Thứ hai, giao cho Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sử dụng kết dư của các Quỹ bảo hiểm xã hội ngắn hạn để hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 và các rủi ro…

“Và thứ ba, đề nghị Quốc hội cho bổ sung nội dung vào trong kết luận phiên họp, Nghị quyết phiên họp một số nội dung kết luận  làm căn cứ để cho Chính phủ làm căn cứ triển khai”, Bộ trưởng chốt lại.

Trước đó, thảo luận tại Hội trường về nội dung quan trọng này, các đại biểu Quốc hội cho rằng, Chính phủ thời gian qua đã thể chế hóa kịp thời chủ trương điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, đối tượng tham gia BHXH, bảo hiểm tự nguyện tăng…

Có thể nói, BHXH là một trụ cột lớn về an sinh, bảo đảm đời sống lâu dài khi người lao động về già. Đối tượng càng được mở rộng thì việc đạt được các mục tiêu an sinh càng cao.

Từ điểm cầu Hà Nam, đại biểu Trần Thị Hiền (đoàn Hà Nam) đánh giá cao việc Quốc hội đưa vào Chương trình kỳ họp thảo luận Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH và quản lý sử dụng Quỹ BHXH năm 2020. Theo đại biểu, “đây là dịp rất tốt để người dân, xã hội hiểu rõ hơn về vai trò của BHXH - một trong những trụ cột quan trọng của an sinh”.

Nữ đại biểu đoàn Hà Nam cũng cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp và người lao động phấn khởi, đánh giá cao việc Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ trong thời gian qua đã tháo gỡ khó khăn, đưa ra nhiều quyết sách kịp thời.

“Đây là những quyết sách chưa từng có tiền lệ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, trong đó có những chính sách liên quan trực tiếp đến BHXH như giảm mức đóng, giãn thời gian đóng một số chế độ bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghiệp, bảo hiểm thất nghiệp..., hỗ trợ tiền mặt cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp năm 2020...”, đại biểu Trần Thị Hiền nói và đánh giá cao, quá trình thực hiện chế độ, chính sách và vận hành, quản lý Quỹ BHXH thời gian qua tiếp tục đạt được những kết quả tích cực.

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Hải Anh (đoàn Đồng Tháp) nhìn nhận, năm 2020, dù gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, nhưng công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH được thực hiện một cách khả quan và đã đạt 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH.

Trong phát triển BHXH, ông đặc biệt ghi nhận sự tăng trưởng người tham gia BHXH tự nguyện, với gần 400.000 người tham gia mới trong năm qua, nâng tổng số người tham gia BHXH tự nguyện đạt gần 1,2 triệu người. Nhờ đó đã “hoàn thành kế hoạch đến năm 2025 về phát triển BHXH tự nguyện. Nếu như so với 4 năm trước, thì số người tham gia BHXH tự nguyện đã tăng gấp 5 lần”, ông Hải nhấn mạnh.

Tuy nhiên theo đại biểu đoàn Đồng Tháp, BHXH tự nguyện hiện dư địa vẫn còn rất lớn, vì vậy trong dự thảo sửa đổi Luật BHXH, ông Hải kiến nghị, cần có sự xem xét sửa đổi linh hoạt, đa dạng để tăng cao hơn nữa sức hấp dẫn của BHXH tự nguyện, thu hút nhiều hơn sự tham gia của người dân.

Còn đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn Hải Dương) nhìn nhận, BHXH có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là trụ cột an sinh xã hội của nước ta, là lưới an sinh cơ bản trong đảm bảo quyền công dân, đặc biệt trong đại dịch covid -19 xảy ra càng thấy rõ vai trò giảm thiểu rủi ro thông qua BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp...

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh