CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 05:52

Nghiên cứu sử dụng kết dư Quỹ BHXH ngắn hạn để hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp ảnh hưởng Covid-19

 
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tiếp thu, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tiếp thu, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Tại phiên thảo luận trực tuyến ngày 27/10 vừa qua về "Tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020", các đại biểu Quốc hội đánh giá, trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành đã tích cực tham mưu, tổ chức thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội trên cả nước, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội của đất nước ta; đặc biệt, thời gian qua, đã kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Doanh nghiệp, NLĐ phấn khởi, đánh giá cao các gói hỗ trợ “chưa có tiền lệ”

Thảo luận về nội dung quan trọng này, đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam), đại biểu Trần Thị Hiền (đoàn Hà Nam) bày tỏ sự đồng tình với các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra; đồng thời đánh giá cao đã đưa vào chương trình kỳ họp, thảo luận tại tổ và hội trường về bảo hiểm xã hội, "cho thấy tầm quan trọng của việc thực hiện quản lý chính sách này”.

“Đây cũng là dịp tốt để người dân, xã hội hiểu rõ hơn về vai trò của bảo hiểm xã hội, một trong những trụ cột quan trọng của an sinh xã hội”, bà Hiền nói.

Nữ đại biểu đoàn Hà Nam cho biết, cộng đồng doanh nghiệp và người lao động phấn khởi đánh giá cao các quyết sách, các gói hỗ trợ “chưa có tiền lệ” đã kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Cũng liên quan đến việc hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động từ Quỹ Bảo hiểm xã hội, đồng tình với những ý kiến này, đại biểu Nguyễn Duy Minh (đoàn TP Đà Nẵng) đề nghị có đánh giá kết quả thực hiện việc hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thông qua chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Đó là Quyết định 15, sau đó là Quyết định 23 (gói hỗ trợ an sinh xã hội 26.000 tỷ đồng) của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người dân gặp khó khăn; Nghị quyết 116 (gói 38.000 tỷ đồng) về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, “để từ đó làm cơ sở cho việc ban hành các chính sách hỗ trợ tiếp theo”, đại biểu Minh nói.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chụp ảnh lưu niệm cùng Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc và các đại biểu Quốc hội trong những phút giải lao bên hành lang nghị trường

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chụp ảnh lưu niệm cùng Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc và các đại biểu Quốc hội trong những phút giải lao bên hành lang nghị trường

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (đoàn Vĩnh Long) đánh giá cao các gói hỗ trợ an sinh xã hội. Theo đại biểu, các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đã triển khai kịp thời, độ bao phủ tốt.

“Các gói hỗ trợ đã tạo cơ hội cho mọi người dân được tiếp cận, tham gia thụ hưởng chính sách hỗ trợ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp một cách nhanh chóng, thuận lợi nhất. Điều này góp phần đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của người dân, giúp người dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống”, đại biểu đoàn Vĩnh Long nhìn nhận.

Bảo hiểm xã hội đã trở thành trụ cột của lưới an sinh xã hội

Làm rõ hơn các vấn đề đại biểu nêu ở trên, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, đến nay Quỹ Bảo hiểm xã hội đã thực sự trở thành một quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước có quy mô lớn nhất, bên cạnh ngân sách nhà nước.

Bộ trưởng cho biết, quy mô quỹ của chúng ta thời gian qua thì có một bước phát triển rất nhanh. Nếu năm 1998 là năm đầu chúng ta kết dư mới có 7500 tỷ đồng thì đến hết năm 2020, quy mô đầu tư quỹ của chúng ta đã tăng gấp 120 lần. Tức là kết dư hiện nay gần 1 triệu tỷ và tốc độ tăng trưởng bình quân năm sau thì cao hơn năm trước là 20%.

Như vậy, “các quỹ ngắn hạn của chúng ta cơ bản vừa đáp ứng các mục tiêu, các chính sách, nhưng đến nay kết dư tương đối an toàn”, ông Dung nhấn mạnh.

Từ đó, Bộ trưởng đề xuất Quốc hội giao cho Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sử dụng kết dư của các Quỹ Bảo hiểm xã hội ngắn hạn để hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 và các rủi ro…

Về những nhìn nhận, đánh giá cao các chính sách hỗ trợ "tiếp sức" cho doanh nghiệp, người lao động vừa qua, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin rõ thêm, trong bối cảnh dịch bệnh tác động lớn đến đến người lao động và chủ sử dụng lao động, sau khi báo cáo với cấp có thẩm quyền và được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã ban hành 5 Nghị quyết và các quyết định liên quan, trong đó có nhiều chính sách liên quan đến hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động từ kết dư các Quỹ Bảo hiểm xã hội với tổng mức hỗ trợ trên 50.000 tỷ đồng.

Trong đó 30.000 tỷ đồng là tiền mặt, còn lại hơn 20.000 tỷ đồng từ việc miễn, giảm các chính sách, rồi miễn đóng, giảm đóng và cho phép chậm đóng bảo hiểm.

“Kết quả đó đã thực sự đem lại những hiệu quả thiết thực và nhận được sự ủng hộ, đồng tình của người tham gia bảo hiểm xã hội", ông Dung nhấn mạnh.

Vì thế, có thể nói, Bảo hiểm xã hội đến nay thực sự từng bước trở thành trụ cột của lưới an sinh xã hội, góp phần nâng cao khả năng chống chịu, phòng ngừa và khắc phục rủi ro cho người lao động trong quá trình tham gia bảo hiểm xã hội.

Thành Công

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh