Chủ tịch Quốc hội: Công tác quản lý về BHXH ngày càng đi vào nền nếp
- Dược liệu
- 19:12 - 22/10/2021
Khẩn trương xây dựng Luật BHXH sửa đổi để "giữ chân" người lao động
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quỹ Bảo hiểm xã hội là Quỹ ngoài ngân sách lớn nhất, chi trả rất lớn nên quản lý Quỹ trực tiếp giao cho Bộ trưởng Bộ Tài chính, Hội đồng quản lý Quỹ gồm rất nhiều bộ ngành tham gia. Do tầm quan trọng như vậy nên TVQH yêu cầu báo cáo trước Quốc hội và bàn những vấn đề có liên quan đến quốc kế dân sinh.
“Qua các lần góp ý kiến ở Thường vụ, tôi thấy đến nay chất lượng báo cáo rất tốt. Các nội dung trong báo cáo của Chính phủ đã tiếp thu tối đa ý kiến của Thường vụ quốc hội, báo cáo thẩm tra cũng rất kỹ lưỡng, rõ ràng với những kiến nghị cụ thể, chắc chắn, công tác quản lý về BHXH sẽ ngày càng đi vào nền nếp", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội, một trong những yêu cầu quan trọng nhất hiện nay là phải sớm xây dựng để trình Quốc hội ban hành Luật BHXH sửa đổi, kèm theo đó là Luật Việc làm. Chúng ta đã có Bộ Luật Lao động, có Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương, Nghị quyết 28 về cải cách BHXH. Trong đó, Nghị quyết 28 có rất nhiều nội dung đổi mới hơn so với Luật BHXH hiện nay. Tuy nhiên Nghị quyết ra đời từ năm 2018 mà đến nay đã 2021 vẫn chưa sửa được Luật.
“Quy định hiện nay là 20 năm đóng mới được hưởng chế độ hưu trí, còn Nghị quyết 28 có nêu phải rút ngắn thời gian này, hướng lộ trình là có thể xuống 15 năm, thậm chí 10 năm. Người lao động tham gia đóng BHXH chỉ chờ 10-15 năm thì người ta còn theo đuổi để được hưởng lương hưu khi về già. Vì thế cần phải sớm sửa luật, làm được điều này sẽ giữ được số lượng người lao động ở lại trong hệ thống nhiều hơn, tránh việc phát triển mới được 10 phần, số rút ra lại mất 7-8 phần, như vậy số người tham gia BHXH tăng nhưng không đáng kể”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Thứ hai, một số lĩnh vực bảo hiểm ngắn hạn hiện có số dư khá lớn. “Chẳng hạn vừa rồi kết dư Quỹ BHTN từ 2020 chuyển sang là trên 90 nghìn tỷ nên chúng ta quyết định dành 1/3 trong số đó hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch. Nghị quyết được ban hành rất nhanh, Bộ LĐ-TB&XH đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng và chi trả cũng rất nhanh. Nhưng vì kết dư lớn nên cần rà soát lại mức đóng và phạm vi chi trả cho phù hợp, đồng thời đánh giá tác động và khả năng thu chi của Quỹ trong thời gian ngắn hạn 2021-2022”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá cao việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực BHXH, cơ bản chúng ta cung cấp dịch vụ công cấp độ 4, các vấn đề về đầu tư, sịnh lời, chi phí quản lý Quỹ như báo cáo của Chính phủ cũng đều rất tốt. Về vấn đề khởi kiện, giải quyết việc trốn đóng, chậm đóng, xử lý vấn đề trục lợi BHXH… cũng có nhiều tiến bộ so với trước.
Làm rõ hơn một số vấn đề tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ LĐ-TB&XH được giao quản lý nhà nước về BHXH, mọi năm, như thông lệ, Chính phủ sẽ chuẩn bị báo cáo và thảo luận chung trong phiên thảo luận về kinh tế- xã hội. Nhưng đây là lần đầu tiên có phiên họp riêng bàn về vấn đề này. “Đây là cơ hội để thay đổi nhận thức, trách nhiệm cũng như cũng như thái độ ứng xử về vấn đề này”, Tư lệnh ngành LĐ-TB&XH khẳng định.
Về việc thực hiện chính sách BHXH, theo Bộ trưởng, nếu như quốc tế có 9 loại hình bảo hiểm thì Việt Nam có 8 loại hình (chỉ thiếu bảo hiểm gia đình). Thời gian qua, chúng ta đã cố gắng rất nhiều từ việc xây dựng thể chế, chủ trương chính sách, cho đến quản lý nhà nước và công tác điều hành.
“Mừng nhất là nếu như những năm trước, cứ nói đến BHXH là lo vỡ quỹ, nhưng mấy năm gần đây kết dư tương đối tốt, các chính sách về BHXH, BHTN, bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp, bảo hiểm hưu trí, tử tuất, thai sản… đều đảm bảo chi đúng mục tiêu, đúng mục đích, cơ bản là thực hiện rất tốt như Chủ tịch Quốc hội đã đánh giá”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Theo Bộ trưởng, trong các chính sách về ASXH có hai trụ cột rất cơ bản là BHXH và BHYT, đây là lưới an sinh rất quan trọng trong đảm bảo quyền thụ hưởng của người dân. Khi xây dựng Nghị quyết 28, chúng đặt mục tiêu tỷ lệ lao động tham gia BHXH bắt buộc là 28,19% và đến nay đã đạt 33%. Về BHXH tự nguyện cũng có bước phát triển vượt bậc, nếu như từ năm 2008, thời điểm bắt đầu thực hiện BHXH tự nguyện đến khi xây dựng Nghị quyết 28 (tháng 5/2018), chúng ta chỉ phát triển được 250 nghìn người tham gia thì 2 năm qua đã phát triển xấp xỉ 1,3 triệu người tham gia BHXH tự nguyện. Đây là điều rất đáng mừng.
Đúc kết lại từ quá trình triển khai chính sách, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: “Thời gian qua, những nơi làm tốt việc phát triển BHXH tự nguyện đã cho thấy: Thứ nhất là tuyên truyền phải thực chất để người dân thực sự hiểu ý nghĩa của việc tham gia BHXH; Thứ hai là giao chỉ tiêu đích danh cho HĐND- UBND; Thứ 3 là vai trò của cơ quan triển khai, vừa rồi giao cho BXXH và bưu điện rất sát dân. Và thứ 4 là công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nơi nào quan tâm sẽ khác hẳn. Đặc biệt, sau khi giao chỉ tiêu BHXH cho địa phương thì tình hình khá hẳn, nên tôi kiến nghị nên đưa BHXH vào chỉ tiêu thống kê của địa phương”, Bộ trưởng kiến nghị.
Về vấn đề xây dựng Luật BHXH sửa đổi, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết về cơ bản đã chuẩn bị xong và sẽ sớm trình Chính phủ xem xét.
Hơn 16 triệu người tham gia BHXH, đạt chỉ tiêu đặt ra của năm 2020
Trước đó, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày trước Quốc hội báo cáo về về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, tính đến hết ngày 31/12/2020, số người tham gia BHXH là 16.176.180 người, bằng 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi, đạt chỉ tiêu đặt ra của năm 2020. Trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc đến hết 31/12/2020 là 15.050.944 người, giảm 153.092 người (tương ứng với 1%) so với năm 2019. Đây là năm đầu tiên số người tham gia BHXH bắt buộc bị giảm so với năm trước, nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 dẫn đến người lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh bị mất việc làm, không còn thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Đối với BHXH tự nguyện, năm 2020, tổng số người tham gia BHXH tự nguyện là 1.125.236 người, tăng gấp 02 lần so với năm 2019.
Về kết quả thực hiện chính sách BHTN: Năm 2020, số người tham gia BHTN là 13.337.492 người, giảm 54.401 người (tương ứng với 0,4%) so với năm 2019. Số tiền thu BHTN là 18.693 tỷ đồng, tăng 1.254 tỷ đồng (tương ứng với 7,2%) so với năm 2019. Tổng số tiền chậm đóng BHTN là 399 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2019. Về giải quyết và chi các chế độ BHTN, năm 2020, có trên 2,2 triệu lượt người tư vấn, giới thiệu việc làm (tăng 33,89% so với năm 2019); có 26.507 người được hỗ trợ học nghề, bằng 2,44% so với số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp; số tiền chi trả hỗ trợ học nghề tính theo quyết định hỗ trợ học nghề là 94,8 tỷ đồng; có 1.087.480 người được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 30,09% so với năm 2019. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, số người được hưởng các chế độ BHTN tăng dẫn đến tổng tiền chi cho các chế độ BHTN tăng: Năm 2020, tổng số tiền chi các chế độ BHTN là: 17.149 tỷ đồng, tăng 4.514 tỷ đồng (tương ứng với 35,7%) so với năm 2019.
Nhận định về những kết quả đạt được, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, Chính phủ đã thể chế hóa kịp thời chủ trương lớn của Trung ương về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu thông qua việc Chính phủ trình Quốc hội ban hành Bộ luật Lao động năm 2019 và Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18/11/2020 về tuổi nghỉ hưu có hiệu lực tổ chức thực hiện từ ngày 01/01/2021. Kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Kết quả phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHTN tiếp tục giữ được đà tăng, đặc biệt phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, đạt 1,1 triệu người, chiếm 2,33% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt chỉ tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW.
Hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH, BHTN có nhiều chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng.
Tuy nhiên, số người tham gia BHXH mặc dù có tăng nhưng số người tham gia BHXH bắt buộc, BHTN giảm, số tiền chậm đóng BHXH tiếp tục tăng so với năm 2019
“Chính phủ kiến nghị Quốc hội tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội tại Trung ương và địa phương, đặc biệt là vấn đề về phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; vấn đề về quản lý và sử dụng quỹ BHXH Sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội theo định hướng cải cách chính sách BHXH tại Nghị quyết số 28-NQ/TW về mở rộng đối tượng tham gia tiến tới thực hiện BHXH toàn dân; hoàn thiện các quy định về đóng - hưởng BHXH; nâng cao hiệu quả đầu tư quỹ; chặt chẽ hơn trong quy định hưởng chế độ BHXH một lần; sửa đổi các quy định về mức đóng, căn cứ đóng BHXH; Sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm theo định hướng cải cách chính sách BHTN tại Nghị quyết số 28-NQ/TW nhằm phát huy đầy đủ các chức năng của BHTN, bảo đảm BHTN thực sự là công cụ quản lý thị trường lao động.”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Năm 2020, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật BHXH, BHTN tại 05 cơ quan BHXH cấp tỉnh, 20 cơ quan BHXH cấp huyện trên địa bàn 05 tỉnh, thành phố và 20 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Qua thanh tra, ban hành 52 kiến nghị đối với các cơ quan bảo hiểm xã hội; 70 kiến nghị đối với các doanh nghiệp, 02 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 169,7 triệu đồng, kiến nghị truy đóng vào quỹ BHXH số tiền 221,2 triệu đồng do người sử dụng lao động trích nộp BHXH, BHTN, của người lao động không đúng mức theo quy định.
Cơ quan BHXH các cấp đã thực hiện 8.567 cuộc thanh tra, kiểm tra (TTKT), giảm 54,8% so với cùng kỳ năm 2019, kết quả cụ thể như sau: Thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN, BHYT: đã phát hiện 11,2 nghìn lao động chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian với số tiền phải truy đóng là trên 80 tỷ đồng; 24,1 nghìn lao động đóng thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng là 68,3 tỷ đồng. Kiểm tra công tác giải quyết, thanh toán chế độ BHXH: Yêu cầu thu hồi về quỹ BHXH số tiền 5,2 tỷ đồng. Kiểm tra công tác chi trả chế độ BHTN: Yêu cầu thu hồi về quỹ BHTN số tiền 2,45 tỷ đồng.