CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:27

Quá khứ mùi thuốc súng

Suốt đêm ấy tôi không ngủ, ôm chặt vợ khi cô nước mắt đầm đìa. "Đất nước lâm nguy, chả ai muốn chiến tranh và anh lại phải lên đường". Vợ tôi im lặng, cô chỉ khóc.

Trong đêm tối, tôi hồi tưởng bao nhiêu kỷ niệm gần 12 năm tham gia chiến tranh chống Mỹ. Tôi nhớ nguồn vui vô bờ của anh em đại đội buổi trưa ngày 30/4/1975. Hòa bình rồi. Tôi đã bắn cả băng đạn AK47 lên trời mừng cho chiến thắng, mừng cho tôi và biết bao người được sống để trở về.

Năm 1976, trung đoàn cao xạ 593 chúng tôi được giải tán trong chủ trương giải trừ quân bị toàn quân. Tôi trong số sĩ quan được trở về, cứ nghĩ đất nước mãi hòa bình. Nhưng những bè bạn tôi ở trung đoàn cũ, khi chuyển sang trung đoàn 232, lại phải tham gia ngay cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Tây, khi Polpot tấn công biên giới Tây Nam. 

Đất nước tôi, những người lính như chúng tôi nào muốn chiến tranh? Một người như tôi, vừa được hưởng hòa bình vài năm, lại vừa xây dựng mái ấm gia đình, nào muốn chiến tranh? 

Sớm hôm sau tôi chia tay vợ, lên Huyện đội Gia Lâm nhận nhiệm vụ. Tôi sẽ nhận một đại đội lên biên giới phía Bắc bảo vệ tổ quốc. Nhìn vào danh sách đơn vị, hầu hết là anh em cựu binh tái ngũ. Tôi xác định nghĩa vụ bảo vệ đất nước và lên kế hoạch cho đơn vị lĩnh quân tư trang, vũ khí chuẩn bị lên đường. Nhưng ngay chiều hôm sau, tôi lại nhận lệnh Huyện đội trở về Công ty Hải sản Cấp I, nơi tôi đã chuyển ngành. Trung Quốc vừa tuyên bố rút quân.  

Một tuần sau, tôi được lệnh của Công ty hải sản mang hai xe ô tô chở giấy dầu lên cứu trợ cho Lạng Sơn. Đi suốt chiều lên phía Bắc, tôi nhận ra không khí chiến tranh vẫn hừng hực. Nhiều ngọn đồi hai bên đường, chiến hào được dân quân và bộ đội đào ngang dọc, chi chít. Đất nước sẵn sàng đánh chặn quân Trung Quốc. Tảng sáng hôm sau, đến Lạng Sơn, tôi bàng hoàng nhận ra cả một thị xã đã tan hoang vì đạn pháo.

Mùi chiến tranh còn đầy trên những dãy phố đổ nát. Những hố hầm còn sặc mùi thuốc nổ. Tôi đau đớn nhìn cảnh hoang tàn mà kẻ thù lại thêm một lần gây ra cho đất nước tôi. Những khuôn mặt của đồng đội cũ, bao anh em đồng ngũ đã trải qua cuộc chiến đầy gian nan chống Mỹ đã giải ngũ, luôn mong cầu hòa bình, giờ này họ ở đâu? Một cảm giác uất hận nghẹn ngào dâng tràn nơi tôi. Đất nước nào muốn cầm súng, nhưng lại thêm một lần phải cầm súng. 

Tôi có nhiều chuyến công tác lên phía Bắc sau tháng 3 năm ấy. Tận mắt nhìn những nấm mộ của biết bao chiến sĩ đã hy sinh cho đất nước Độc Lập và Tự do. Nhìn các bia mộ, tuổi đời họ đều rất trẻ. Họ đã chết cho chúng tôi được sống, được bên người vợ thân yêu rồi sinh đứa con đầu lòng. Rồi tôi cũng nghe biết bao câu chuyện thương đau của nhân dân 6 tỉnh biên giới khi quân đội Trung Quốc kéo sang nước ta. Có những chuyện thật bi thảm, đau đớn như chuyện của bố vợ tôi kể khi ông là dân quân ở Lào Cai để tôi có cảm xúc viết truyện ngắn "Thằng Phoóng em tôi". 

Cuộc chiến tranh biên giới đã xảy ra gần 40 năm, nhưng những gì về nó, trong câu chuyện của riêng tôi và của đất nước, khẳng định một chân lý rằng: đất nước này, những người như chúng tôi không muốn chiến tranh, nhưng khi có kẻ thù xâm phạm bờ cõi biên cương thì các thế hệ cứ kế tiếp nhau cầm súng, quyết không sợ hy sinh, gian khổ. Dân tộc và tổ quốc, đó là hai từ thiêng liêng nhất với người Việt. 

Ngày trở về, tôi xiết chặt vợ: "Anh được trở về. Nhưng nếu giặc tiếp tục xâm lược, có lệnh gọi, có lẽ anh vẫn phải lên đường". Vợ tôi không khóc nữa, vòng tay cô xiết lại chặt thêm. Khi ấy, tôi biết, lính sư đoàn 320 trong đó có trung đoàn cao xạ 232, biết bao đồng đội cũ và anh em trẻ mới nhập ngũ đang có mặt ở biên cương làm nghĩa vụ bảo vệ đất nước thay lứa già chúng tôi. 

Rồi vợ tôi sinh con. Nhìn gia đình mình, tôi mãi tri ân những người đã nằm lại nơi biên ải.

Theo Vnexpress

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh