THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 09:20

Phú Yên: Gắn kết giáo dục nghề nghiệp với việc làm và nhu cầu sử dụng lao động

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Võ Văn Binh-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và xã hội tỉnh Phú Yên nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp: "Đó là một trong những biện pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng những yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Trong những năm qua, công tác giáo dục trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng vẫn chưa đáp ứng thực tiến đòi hỏi. Do vậy, cần phải nhìn nhận, đánh giá lại thực tiễn lĩnh vực này để có giải pháp điều chỉnh kịp thời".

Phú Yên gắn kết giáo dục nghề nghiệp với việc làm và nhu cầu sử dụng lao động - Ảnh 1.

Ông Võ Văn Binh-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên

Báo cáo tại hội nghị, ông Phạm Tâm Đê, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Dạy nghề Sở Lao động-Thương binh và xã hội cho biết, toàn tỉnh hiện có 20 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong năm 2020 đào tạo 8.079 người. Trong đó có 1.305 người hệ cao đẳng, 1.278 người trung cấp; sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng 5.496 người.

Công tác giáo dục nghề nghiệp đang từng bước gắn với nhu cầu học nghề, cơ cấu việc làm và đặc điểm kinh tế của địa phương. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã từng bước chú ý đến việc giải quyết việc làm cho người lao động sau khi đào tạo bằng các hình thức như: Ký hợp đồng đào tạo theo địa chỉ cho doanh nghiệp, giới thiệu việc làm cho người lao động sau khi tốt nghiệp, mời các doanh nghiệp về cơ sở tuyển dụng sau mỗi khóa học… tạo thuận lợi cho người lao động tìm kiếm việc làm, tự tạo việc làm.

Phú Yên gắn kết giáo dục nghề nghiệp với việc làm và nhu cầu sử dụng lao động - Ảnh 2.

Ông Phạm Tâm Đê, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Dạy nghề

Bên cạnh kết quả đạt được, hội nghị cũng chỉ ra những hạn chế của công tác dạy nghề trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Đó là, dạy nghề thời gian qua cung cấp ra thị trường chủ yếu là dựa trên khả năng đào tạo hiện có của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, việc đáp ứng như cầu của doanh nghiệp còn hạn chế, chưa phù hợp nhu cầu thị trường lao động, dẫn đến tình trạng lao động qua đào tạo vừa thừa lại vừa thiếu.

Hang năm, căn cứ vào chỉ tiêu được giao, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai tuyển sinh và đào tạo học viên theo các ngành, nghề được giao. Đối với các trường cao đẳng, trung cấp, đối tượng học nghề của các hệ trung cấp thường là học sinh phổ thông trung học hoặc trung học cơ sở, việc định hướng nghề nghiệp của học viên chưa thực sự rõ ràng.

Phú Yên gắn kết giáo dục nghề nghiệp với việc làm và nhu cầu sử dụng lao động - Ảnh 3.

Trường Cao đẳng nghề Công thương miền Trung ký kết đào tạo nghề với doanh nghiệp

Đối với các hệ đào tạo ngắn hạn sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng theo các chương trình, dự án của Nhà nước nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển kinh tế cho khu vực nông thôn, cho các đối tượng thuộc diện chính sách… thì việc dạy nghề thường được thực hiện theo các kế hoạch được duyệt. Nhưng những kế hoạch này lại được lập trên cơ sở khả năng đào tạo hiện có và nguồn kinh phí được cấp, không căn cứ vào nhu cầu của thị trường lao động và khả năng tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm của người học

Sau khi nghe báo cáo tổng hợp tình hình công tác đào tạo nghề năm 2020 trên địa bàn tỉnh và các ý kiến thảo luận tại hội nghị của các doanh nghiệp cũng như các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, ông Võ Văn Binh-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên chỉ đạo các giải pháp đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với việc làm trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới hiệu quả hơn. Đó là, tăng cường mối liên kết giữa Cơ sở giáo dục nghề nghiệp-Trung tâm dịch vụ việc làm-Doanh nghiệp, trên cơ sở những bản cam kết ghi nhớ đã ký kết tại hội nghị giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp.

Phú Yên gắn kết giáo dục nghề nghiệp với việc làm và nhu cầu sử dụng lao động - Ảnh 4.

Trường Cao đẳng nghề Phú Yên-Trung tâm Dịch vụ việc làm và Công ty CP Đầu tư Quốc tế Phong Phú-Phú Yên ký kết hợp tác

Nâng cao chất lượng đào tạo nghề bằng các giải pháp hữu hiệu như tăng thời lượng thực hành; đẩy mạnh liên kết tạo điều kiện học sinh, sinh viên thực hành tại doanh nghiệp. Khuyến khích thúc đẩy việc "Công nhận, tuyển dụng, sử dụng, trả lương, tiền công cho người lao động dựa vào kỹ năng và thực hành nghề".

Một giải pháp quan trọng nữa mà ông Võ Văn Binh nhấn mạnh, đó là đề nghị các doanh nghiệp cần xây dựng chế độ tiền lương và các chính sách ưu đãi phù hợp và thỏa đáng nhằm thu hút nguồn nhân lực của các cơ sở giáo dục sau khi đào tạo. Tránh tình trạng vì thu nhập quá thấp không đáp ứng nhu cầu cuộc sống, các em học xong lại đi đến các địa phương khác làm việc ở các doanh nghiệp có thu nhập cao hơn.

NGỌC MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh