Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên): Nên tránh xa những vết xe đổ trong điều hành quản lý
- Tây Y
- 17:53 - 29/03/2021
Về báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày trong phiên khai mạc kỳ họp, bà Hiền nhìn nhận, báo cáo đã khái quát cơ bản, đầy đủ những kết quả đạt được 5 năm qua. Đặc biệt, khi Đại dịch Covid-19 gây ra nhiều biến động lớn trên thế giới, Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ đã cho nhân dân cả nước nhận diện rõ nét hơn về một bộ máy điều hành đầy bản lĩnh, bình tĩnh đối mặt. Cùng với đó là đội ngũ các nhà quản lý, chuyên gia ngày đêm tập trung cao độ để ứng phó với những tác hại vô cùng lớn, vừa xử lý những vấn đề cấp bách, vừa xây dựng các chính sách nhằm kiểm soát, quản lý, phát triển kinh tế - xã hội với tầm nhìn dài hạn, bền vững.
Theo vị đại biểu Phú Yên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Chính phủ cũng đã thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế mà nguyên nhân chủ yếu vẫn là do con người. Chính phủ đã bắt rất đúng bệnh, việc tiếp theo là điều trị bệnh chứ không chỉ dừng lại ở thăm khám, kê đơn, chỉ điều trị triệu chứng mà không điều trị nguyên nhân. Vị Đại biều mong Chính phủ và các Bộ ngành cần dành nhiều thời gian để rà soát, đánh giá thực trạng chính sách thu hút, sử dụng nhân tài, đội ngũ chuyên gia trong bộ máy của mình có thực chất, hiệu quả hay không.
Bàn sâu hơn về vấn đề này, bà Hiền cho rằng, trong hệ thống bộ máy của có 2 kiểu chuyên gia, chuyên gia thông thái và chuyên gia thông minh. Chuyên gia thông thái luôn có cái nhìn tổng thể, khách quan, liên tục học hỏi, dám nhận sai, chỉ ra cái sai, đối mặt với cái dở của ngành mình, địa phương mình, từ đó họ khả năng ra quyết định dựa trên những thông tin họ thu thập, quan sát được.
Chuyên gia thông minh dù có khả năng thu thập thông tin nhưng phần lớn thường mắc lỗi tư duy theo lối mòn chuyên ngành, chỉ phân tích chuyên môn mang tính an toàn trong lĩnh vực họ nghiên cứu, dù họ có thừa những chứng chỉ, học hàm, học vị. Khi tư duy hoạt động bị thu hẹp theo lối mòn, cái "tôi" sẽ phình ra và đó cũng là một trong những nguyên nhân của không ít nhóm chính sách khi ban hành lại thiếu sự liên kết - tích hợp, thiếu tính thực tiễn, thậm chí là ngắn hạn và đối phó. Những cách làm chính sách như thế hiện nay đang tồn tại rất nhiều trong bộ máy, đó là một sự thật. "Tôi rất mong Chính phủ cần cương quyết xóa bỏ những lối mòn về tư duy hay tránh xa những vết xe đổ trong điều hành quản lý. Muốn kiến tạo tương lai thì không thể ẩn mình an toàn trong các lỗ hổng chính sách đã cũ, đã hỏng và không còn phù hợp", bà Hiền nhấn mạnh.
Vấn đề thứ hai đại biểu Hiền quan tâm là công tác giáo dục, đảm bảo quyền của trẻ em, của người học và giáo viên. Theo đại biểu Hiền, sự cố xã hội hóa sách giáo khoa thời gian vừa qua "là bài học cay đắng, rất đáng phải quên đi nhưng đó là bài học kinh nghiệm xương máu cho các nhà quản lý giáo dục, hoạch định chính sách". Những ngày gần đây, dư luận lại có thêm những bức xúc mới, lo lắng mới đó liên quan đến chính sách nâng hạng dành cho giáo viên và sự hợp nhất không rõ ràng của hai bộ sách giáo khoa. Có không ít giáo viên, phụ huynh, học sinh có nhiều tâm tư, lo lắng và chờ đợi phương án xử lý trách nhiệm cho những sai lầm này.
Bà Hiền cho rằng, giáo dục giữ vai trò quan trọng trong xây dựng và kiến tạo xã hội. Thế hệ hiện tại và tương lai cần được giáo dục kỹ càng để vượt qua thách thức và kiến tạo tương lai. Giáo dục phải rèn cho học sinh kỹ năng thích ứng linh hoạt, kỹ năng số thành thục, nâng cao ý thức tự giác về nghĩa vụ. Nền tảng của sự phát triển giáo dục chính là trao quyền và tôn trọng sự sáng tạo. Đại biểu Hiều cũng cho rằng: "Đổi mới giáo dục bắt đầu từ đổi mới tư duy trong quản lý giáo dục. Đổi mới, phát triển giáo dục là sự nghiệp lâu dài, đòi hỏi sự thận trọng và bền bỉ. Giáo trị cốt lõi của giáo dục, phát triển xã hội chính là xây dựng niềm tin, phát triển con người và kiến tạo tương lai".