THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:20

Huyện Tuy An (Phú Yên): Ứng dụng kiến thức học nghề vào sản xuất hiệu quả

8 lớp nghề phi nông nghiệp gồm có 3 lớp nghề chế biến món ăn ở xã An Ninh Đông, An Hòa Hải và An Chấn; 4 lớp nghề sản xuất hàng mây tre đan ở xã An Ninh Đông, An Lĩnh, An Xuân và An Ninh Tây; 1 lớp nghề may công nghiệp tại xã An Cư. 5 lớp nghề Nông nghiệp gồm có 2 lớp nghề nuôi và phòng trị bệnh trâu bò ở xã An Định, An lĩnh và 3 lớp nghề trồng lúa nước năng suất chất lượng cao ở xã An Thạch, An Ninh Tây và An Nghiệp.

Ông Nguyễn Bá Lưu ở thôn 4 xã An Định, vốn là một lão nông gắn bó với công việc đồng áng bao đời nay, không lạ lẫm gì với nghề trồng lúa. Thế nhưng sau khi học lớp nghề trồng lúa nước năng suất chất lượng cao về mới vỡ ra nhiều điều mới lạ về kỹ thuật mà lâu nay chưa được biết đến về cách chọn giống, bón phân, tưới nước và phòng trừ sâu bệnh theo phương pháp khoa học.

Huyện Tuy An (Phú Yên): Ứng dụng kiến thức học nghề vào sản xuất hiệu quả - Ảnh 1.

Học viên học nghề trồng lúa nước chất lượng cao thu hoạch trên thửa ruộng thực hành

Ông Lưu cho biết, việc bón phân trên cơ sở lý thuyết được học về hàm lượng đạm cần thiết để bón đúng liều lượng, nhưng cũng phải biết áp dụng ở từng thửa ruộng. Đó là biết quan sát màu lá. Nếu màu lá còn xanh đậm thì giảm lượng đạm, bón ít phân hơn là màu lá xanh nhạt, vàng. Mực nước tưới cho cây lúa cũng hợp lý ở từng thời kỳ, như thời kỳ cây lúa đẻ nhánh chỉ cần lượng nước ít. Điều quan trọng nữa là phải biết phát hiện được các bệnh thường gặp ở cây lúa như: đạo ôn, sâu độc thân, cuốn lá, để chẩn đoán đúng bệnh, phân biệt côn trùng có hại và không có hại để bơm thuốc phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa hợp lý.

"Vì lớp học không chỉ dạy về lý thuyết mà còn ứng dụng thực hành trên ruộng thực tế nên học viên đều nắm kỹ lý thuyết và thực hành. Ruộng lúa thực hành được học viên chăm sóc ở cả 3 giống: Đài thơm 8, TBR5, BC15 đều cho năng suất, sản lượng cao so với năng suất chung trong vùng nên chắc chắn trong mùa tới các học viên ứng dụng kỹ thuật vào trồng lúa sẽ đạt năng suất, chất lượng cao"-Ông Lưu tự tin khẳng định.

Chúng tôi cũng đã gặp gỡ hai học viên là ông Nguyễn Ngọc Cảnh và Nguyễn Hữu Toàn ở thôn Phong Nguyên, xã An Định vừa học xong lớp nghề nuôi và phòng trị bệnh cho trâu bò. Ông Cảnh và ông Toàn phấn khởi chia sẻ về kiến thức mới tiếp thu về kỹ thuật nuôi bò như cách thức xây dựng, vệ sinh chuồng trại thông thoáng; chọn giống và cách phối giống và kỹ thuật vỗ béo bò. Có những kiến thức mà trước đây hai ông chưa bao giờ biết được trong chăn nuôi bò như cho ăn theo phương pháp khoa học: cám, bắp kèm theo thuốc bổ để kích thích bò ăn tốt. Rơm trước đây chỉ để vậy cho bò ăn, nay được học cách ủ với urê, vôi, muối theo tỷ lệ hợp lý để tăng thêm chất dinh dưỡng cho bò ăn. Hai ông cũng biết được cách phòng trị bệnh cho bò đối với các bệnh thường gặp như lỡ mồm long móng, tụ huyết trùng, tiêm vắc-xin vào mùa mưa. Những kiến thức khoa học kỹ thuật vừa học này đã được ông Cảnh, ông Toàn ứng dụng vào chăn nuôi bò mang lại hiệu quả cao, bò ăn khỏe và phát triển tốt, không xảy ra dịch bệnh.

Huyện Tuy An (Phú Yên): Ứng dụng kiến thức học nghề vào sản xuất hiệu quả - Ảnh 3.

Khai giảng Lớp nghề Kỹ thuật chế biến món ăn

Ông Bùi Viết Huy-Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tuy An cho biết, để công tác dạy nghề cho lao động nông thôn hiệu quả, khi mở lớp dạy nghề, Trung tâm luôn phối hợp với cấp ủy, chính quyền và hội đoàn thể ở cơ sở xã, thị trấn khảo sát nhu cầu học nghề gắn với việc làm để lựa chọn ngành nghề phù hợp người học và điều kiện phát triển kinh tế tại địa phương. Người lao động đã chủ động hơn trong việc tham gia học nghề, tự lựa chọn những ngành nghề phù hợp theo nhu cầu bản thân và gia đình. Vì vậy mà sau khi học nghề, người lao động đã biết vận dụng những kiến thức đã học được áp dụng vào sản xuất hiệu quả, giảm được chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, tự tạo việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập, một số lao động có tay nghề được nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.

Theo đánh giá của ông Bùi Viết Huy, đối với nghề đào tạo phi nông nghiệp, Trung tâm luôn gắn đào tạo với cơ sở doanh nghiệp như nghề mây tre đan nên học viên học xong đều có việc làm tại chỗ. Đã giải quyết việc làm cho 66 học viên. Đối với nghề chế biến món ăn, đa số học viên sau khi học xong đã tự mở dịch vụ đám cưới, đám hỏi, đám giỗ…tại địa phương. Số khác mở quán ăn. Theo thống kê của Phòng LĐ-TB&XH huyện Tuy An, hàng năm có khoảng 80% người học nghề có việc làm. Đối với lao động học nghề nông nghiệp, học viên đều ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất như trồng lúa nước chất lượng cao, chăn nuôi bò hiệu quả.



NGỌC MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh