THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:33

Phụ nữ tham chính: Gánh nặng “ba vai”

Các nữ đại biểu trao đổi bên hành lang Quốc hội.

Một ngày của nữ đại biểu Quốc hội

“Cũng giống như bao phụ nữ khác, tôi thức dậy vào lúc 6 giờ sáng, chuẩn bị đồ ăn sáng cho gia đình, tranh thủ đi chợ, sơ chế thức ăn. Buổi sáng, Quốc hội họp từ 8 – 11 giờ 30. Văn phòng Quốc hội (QH) là nơi phục vụ tất cả những công việc văn bản, giấy tờ, hậu cần, lễ tân của mỗi kỳ họp, đón tiếp các đoàn khách trong nước, quốc tế... vì vậy có khá nhiều việc trong ngày. Do đó, buổi trưa, tôi về cơ quan, ăn cơm tại căng tin, tranh thủ giải quyết các công việc hằng ngày, rồi tiếp tục lên hội trường làm việc.

5 giờ chiều, tôi quay trở lại cơ quan, chủ trì các cuộc họp của văn phòng, rà soát các công việc trong tuần, tháng; tiếp các đối tác; xử lý công văn, văn bản liên quan cho ngày mai. 7 giờ tối, tôi rời nhiệm sở về nhà, bữa cơm tối của gia đình thường vào 8 giờ tối. Dọn dẹp nhà cửa xong,  tôi có sở thích đạp xe một vòng Hồ Tây vừa thư giãn sau một ngày làm việc, vừa giữ gìn, nâng cao sức khỏe.

10 giờ tối, tôi ngồi vào bàn nghiên cứu tài liệu, viết lách. Kỳ họp lần này có rất nhiều vấn đề xã hội nóng, thông qua nhiều dự án Luật, do vậy việc tìm tòi, nghiên cứu tài liệu kỳ công, mất nhiều thời gian hơn. Bên cạnh đó, tôi cũng phải giành thời gian ít ỏi tìm tới các chuyên gia nhằm tham vấn, trang bị cho mình kiến thức sâu hơn để có thể đưa ra những ý kiến xác đáng trên nghị trường.

Tôi không bao giờ đi ngủ trước 12 giờ đêm.  Phải nói rằng, mỗi kỳ họp QH là quãng thời gian bổ ích nhất cho sự nghiệp chính trị của tôi. Tôi vui mừng nhận thấy chất lượng chất vấn, thảo luận của các nữ đại biểu QH ngày càng cao, tần suất xuất hiện trên nghị trường đậm nét hơn, nhất là những vấn đề liên quan đến bình đẳng giới, phụ nữ, trẻ em.

Ủy viên Bộ chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chụp ảnh lưu niệm với các nữ đại biểu Quốc hội. 

 Nói không quá rằng, một ngày làm việc, với vị trí cán bộ lãnh đạo, quản lý, lại là đại biểu QH, áp lực vô cùng, phải “ken” từng phút một. Tuy nhiên, đã được tập thể lãnh đạo, đồng nghiệp, nhân dân tín nhiệm, mình phải cố gắng nỗ lực tối đa mới hoàn thành nhiệm vụ. Ai cũng chỉ có 24 giờ mỗi ngày để làm tròn tất cả các trọng trách, nữ cán bộ cần nhiều tố chất như nam giới: năng lực lãnh đạo, khoa học trong điều hành, quản lý. Bên cạnh đó, cán bộ nữ rất cần chỗ dựa vững chắc của gia đình, sự giúp đỡ, ghi nhận của lãnh đạo,  đồng nghiệp để họ có động lực, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn” - Bà Nguyễn Thanh Hải chia sẻ. 

Sự nghiệp của một cán bộ nữ cấp xã

Học xong cấp ba, thi đại học không đỗ, chị Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Kiên Lao, cũng như hầu hết bạn bè trang lứa ở nhà lấy chồng. 10 năm làm Vợ, chị Liên sinh ba đứa con gái. Cho đến một ngày, cán bộ thôn tới nhà vận động chị tham gia Hội Phụ nữ. Ban đầu, chị Liên từ chối, nhưng cán bộ bảo “đã chọn mặt gửi vàng”, bởi cả thôn chỉ có chị tốt nghiệp lớp 12, mà cán bộ thì phải có trình độ văn hóa. Cuối cùng, chị đồng ý nhận chức Chi hội trưởng phụ nữ thôn với 30 hội viên.

Một năm sau, được sự tín nhiệm của hội viên, chị được bầu làm Phó chủ tịch Hội Phụ nữ xã Kiên Lao. Liên tục 10 năm sau đó, vừa nuôi con nhỏ, vừa phát triển kinh tế lấy tiền đi học, vừa làm công tác hội, chị Liên gắn liền với sự nghiệp học hành, trang bị bằng cấp, đáp ứng yêu cầu công việc. 

ĐBQH Nguyễn Thanh Hải trả lời phỏng vấn bên hành lang Quốc hội. 

Chị Liên kể: “Những ngày đi học, công việc nhà cửa, con cái tôi để lại cho chồng, bà ngoại. Năm 2006, được bầu là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, đến lúc này, tôi mới nghĩ đến “sự tồn tại” của mình trong tập thể, càng hun đúc quyết tâm đi học, nâng cao trình độ, chuyên môn. Sau khi tốt nghiệp Đại học chuyên ngành quản lý kinh tế, tôi được quy hoạch vào ba chức danh: Phó Chủ tịch HĐND; Phó Chủ tịch UBND, Thường vụ Đảng ủy xã”. Trong cuộc chuyện trò, tôi cảm nhận sâu trong con người chị, còn đó những suy tư, trăn trở rất đàn bà. Chị Liên tâm sự: “Do công việc, học hành kéo dài, tôi vắng nhà suốt. Hàng xóm, láng giềng bắt đầu có lời ra, tiếng vào”.

Kiên Lao là xã dân tộc xa xôi, khó khăn của huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Nơi đây có 6 dân tộc anh em, trong đó dân tộc Sán Chỉ chiếm hơn 70%, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, định kiến giới vẫn còn bao trùm trong từng hơi thở, bầu không khí. Mỗi khi đi đám giỗ, tiệc tùng về, nghe những lời dị nghị, không vừa tai, chồng tôi cằn nhằn, sau nặng lời, chì chiết vợ. Nhiều đêm tôi trằn trọc, khổ tâm, rơi nước mắt. Một câu hỏi cứ quay quắt trong đầu: “Quay về làm tròn bổn phận người vợ, người mẹ hay tiếp tục phấn đấu”. Nhưng rồi tôi nghĩ, sự phấn đấu không còn là của riêng mình nữa, mà còn là sự gửi gắm, tin cậy của hơn 800 hội viên phụ nữ, của Đảng ủy, lãnh đạo xã, mình không thể phụ công.

Thế rồi, tôi vừa phải nhẫn nhịn, nhẹ nhàng, thủ thỉ với anh ấy mong có sự được cảm thông, chia sẻ. Bản thân cố gắng thu xếp việc nhà, để chồng con không thấy thiếu hụt bàn tay người phụ nữ”.

Định kiến như bức tường kính khó xuyên qua

Cán bộ nữ là một bộ phận quan trọng, tiêu biểu của phụ nữ Việt Nam, với nhiều gánh nặng trên vai, cán bộ nữ xứng đáng được nhận nhiều hơn nữa sự quan tâm, chăm lo, tạo điều kiện của gia đình và toàn xã hội.  Nỗ lực, hi sinh là vậy, nhưng trên thực tế, tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo còn quá khiêm tốn, điều này là cản trở lớn để họ có cơ hội, sức mạnh cống hiến hơn nữa tài năng của mình.

Trong các cuộc trò chuyện với những người phụ nữ thành đạt, có vị trí trong xã hội, chúng tôi cảm nhận trong họ canh cánh tâm tư, nỗi buồn đến từ định kiến của xã hội. Rằng: Đằng sau sự thành công của một người đàn ông, luôn có bóng dáng người phụ nữ. Nhưng đằng sau thành công của người phụ nữ, là sự hi sinh, dấn thân, cống hiến gấp đôi, ba so với nam giới.

Có chị đã thốt lên: Định kiến như bức tường kính thật khó lòng xuyên qua nó. Phần lớn nam giới coi việc chăm sóc gia đình, con cái là trách nhiệm chính của người vợ. Bởi thế, sự phấn đấu của phụ nữ thường bị đặt lên bàn cân, mà cán cân ấy luôn lệch về phía “bổn phận” đàn bà. Quan niệm ấy chính là rào cản đáng kể trên bước đường phục vụ sự nghiệp của phụ nữ.

Chị Nguyễn Thị Thanh, Bí thư tỉnh ủy Ninh Bình, đại biểu QH khóa XIII, tâm sự: Nam giới làm lãnh đạo, quản lý để hoàn thành trách nhiệm công việc cần nỗ lực 10, thì phụ nữ cũng ở vị trí ấy phải cố gắng 20, cho cả phần nghĩa vụ, ứng xử gia đình hai bên, chăm sóc chồng con. Tuy nhiên, dù  giữ trọng trách đến đâu chăng nữa, gia đình luôn là tiền đề, yếu tố rất quan trọng để tôi tới cơ quan dồn tâm sức vào công việc mà không bị những vấn đề gia đình chi phối. Tôi hạnh phúc khi được chồng con quý trọng, thương yêu, chia sẻ, động viên. Đáp lại, mọi việc tôi lo chu toàn. Mỗi chuyến công tác xa nhà, đồng nghiệp nam thường đi từ hôm trước, tôi luôn đi vào lúc 4 giờ sáng ngày hôm sau và trở về nhà lúc nửa đêm, cố gắng giảm thời gian vắng nhà càng ít càng tốt, để chồng con không có cảm giác trống trải quá lâu của vợ, mẹ trong gia đình”. 

Một số chị kể khi được gợi ý ứng cử QH hoặc HĐND, họ không hề muốn nhưng rồi nhận thấy trách nhiệm của mình với Đảng nên đã đồng ý. Một số không tái cử vì lý do gia đình. Hầu hết các chị làm công tác chính trị lâu từ ba nhiệm kỳ trở lên cho biết, do được chồng ủng hộ, đảm đương hết việc đưa con đi học, dạy dỗ con và làm việc nhà. Tuy nhiên, cũng có một vài trường hợp con cái học hành sa sút, hôn nhân tan vỡ. Cho dù gia đình hạnh phúc hay rạn nứt, thậm chí đổ vỡ, các chị  đều cho rằng, dù người phụ nữ ra ngoài xã hội, nổi tiếng, thành đạt đến đâu thì gia đình vẫn là ưu tiên lựa chọn hàng đầu.  

PV/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh