THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:38

Phụ nữ tham chính - những góc nhìn từ nam giới

 

Từ bên trái sang: ông Dương Thành Lê, ông Tiểu Vũ, ông Anh Lý Quyết Tâm, ông Trần Huy Đức.


Hiến pháp và pháp luật Việt Nam công nhận công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Như vậy cả phụ nữ và nam giới đều có quyền ngang nhau trong tham gia chính trị. Vậy nam giới có quan điểm như thế nào về vai trò của phụ nữ trong nền chính trị, kỳ vọng đối với phụ nữ tham chính và cơ cấu nữ trong lựa chọn lãnh đạo…?

Ông Dương Thành Lê (quản lý doanh nghiệp):

“Trong nền chính trị rất cần thiết có các nữ chính trị gia. Phụ nữ có thể nắm tất cả các chức vụ chính trị bất kể ở cấp độ nào. Tôi cho rằng các nữ chính trị gia sẽ là người có những ảnh hưởng nhất định đến quyết sách của đất nước. Các phụ nữ tham chính thường là những người mạnh mẽ và dứt khoát nhưng vẫn giữ được sự mềm mại, nhẹ nhàng của phụ nữ do đó họ sẽ dễ thu hút cử tri hơn”.

Ông Tiểu Vũ (nhân viên IT, Công ty Netica):

“Phụ nữ có thể làm lớp trưởng, làm bí thư đoàn, làm lãnh đạo một doanh nghiệp thì tại sao không thể làm lãnh đạo chính trị. Phụ nữ cũng có thể tham chính như nam giới, không phân biệt, quan trọng là tài năng. Khi làm chính trị thì phụ nữ còn phải nỗ lực nhiều hơn nam giới để đạt được thành công”.

Ông Anh Lý Quyết Tâm  (Giám đốc Công ty Quạt Datafan):

“Phụ nữ có thể tham chính ở mọi cấp độ. Nhưng ở Việt Nam phụ nữ tham chính phải vượt qua được rào cản xã hội, quan niệm phụ nữ phải tề gia nội trợ. Tuy nhiên phụ nữ khi làm vị trí lãnh đạo cũng có yếu điểm là “tính phụ nữ”, có lúc hơi nhỏ nhen, tị nạnh, không hào sảng và không quyết đoán. Nhưng một khi đã thu phục được nhân tâm thì ảnh hưởng của phụ nữ sẽ rất lớn.”

Ông Trần Huy Đức,  trung tá về hưu:

“Phụ nữ chỉ cần một công việc ổn định, một người chồng thành đạt, nên dành thời gian để giáo dục dạy bảo con cái. Không nên tham gia các công việc ngoài xã hội đặc biệt là các công việc về chính trị. Việc chính trị là việc lớn, lắm bon chen, giành giật nên để đàn ông lo”.

Ông Huỳnh Trần Đức (quản lý doanh nghiệp):

“Phụ nữ làm chính trị cũng được, nhưng sẽ phải hy sinh rất nhiều. Vì thế phụ nữ nên tham gia ở mức độ vừa phải để đảm bảo gia đình hạnh phúc. Nếu một người phụ nữ không đảm bảo được hạnh phúc gia đình thì sẽ không thể thành công trong công việc.

”Ông Lê Thanh Hải (kinh doanh):

“Phụ nữ không nên làm lãnh đạo, vì làm lãnh đạo thì sẽ không thể chăm lo được cho con cái, gia đình.

Ông Nguyễn Hoàng Dũng (tài xế taxi): “Phụ nữ không nên làm chính trị vì làm chính trị mất thời gian, bỏ bê chồng con, gia đình. Nếu phụ nữ có tham gia chính trị thì cũng chỉ nên giữ các vị trí tốn ít thời gian, công sức”.

Bên cạnh đó có những ý kiến không đồng nhất, như anh Trần Văn Tiến, một người có 2 con gái, anh này khi được hỏi là phụ nữ có nên tham chính hay không thì anh không đồng ý vì phụ nữ phải chăm lo công việc của gia đình. Nhưng khi hỏi là anh có đồng ý cho con gái anh tham gia chính trị không, thì anh cho biết “Con bé út nó làm được vì nó nhanh nhẹn, quyết đoán, nói năng thuyết phục, nó mà làm lãnh đạo thì nhiều người phải nghe”.

 Nhìn chung tại Việt Nam, quan điểm về phụ nữ tham chính cũng có nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó có không ít các quan điểm bất lợi đối với việc phụ nữ tham chính dựa trên các định kiến về giới và vai trò được coi là truyền thống của phụ nữ.

PV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh