Phụ nữ tham chính - Góc nhìn từ nam giới
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 17:51 - 03/11/2015
Kỳ 3: Kỳ vọng đối với phụ nữ tham chính
Anh Nguyễn Tất Thương.
Anh Nguyễn Tất Thương, Trưởng phòng pháp chế công ty xuất khẩu lâm sản Hồng Ngọc đưa ra ý kiến “Nam giới hay phụ nữ tham chính đều phải đáp ứng các điều kiện như nhau, không thể có bất kỳ ưu tiên gì. Kỳ vọng dành cho tất cả các lãnh đạo là như nhau bất kể người đó là phụ nữ hay nam giới.”
Anh Châu Minh Tín, du học sinh cho biết: “Tôi cho rằng người nào phù hợp với chức vụ nào thì giữ chức đó không quan trọng người đó là nam hay nữ, quan trọng là họ đảm nhận tốt được công việc của mình hay không. Không nên đòi hỏi các điều kiện đặt ra kỳ vọng đặc biệt cho bất kỳ người nào chỉ vì họ là nữ”.
Còn theo anh Bình Nguyễn thì “Phụ nữ càng nắm giữ các chức vụ cao thì càng cô độc và cũng đã phải hy sinh và đánh đổi nhiều thứ vậy tại sao lại phải đặt ra điều kiện và kỳ vọng khác đối với các lãnh đạo nữ.”
Anh Châu Minh Tín.
Anh Nguyễn Ba cũng đồng tình “Không nên có những điều kiện riêng đối với phụ nữ, cũng không nên kỳ vọng rằng phụ nữ sẽ thành công hơn nam giới khi đảm nhiệm cùng một chức vụ”.Tuy nhiên anh lại có ý kiến thêm “Phụ nữ có thể khóc khi không hoàn thành nhiệm vụ, nhưng nam giới thì không thể, đó là lợi thế của phụ nữ. Khi không hoàn thành nhiệm vụ phụ nữ có thể khóc để thể hiện rằng mình đã làm hết sức qua đó thể hiện sự tận tâm trong công việc. Nam giới mà khóc thì sẽ bị cho là yếu đuối, không có bản lĩnh và không thể đảm đương được việc lớn. Mặc khác phụ nữ ít có điều kiện để được giải tỏa trong khi nam giới có thể đi nhậu.
Khác biệt với các quan điểm trên anh Lê Trung Lân, một lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng: “Nếu một người phụ nữ không đảm bảo được hạnh phúc gia đình thì sẽ không thể thành công trong công việc. Tôi sẽ không bỏ phiếu cho người phụ nữ mà gia đình không hạnh phúc. Khi quyết định bỏ phiếu cho phụ nữ tôi luôn ký vọng rằng người đó sẽ tập trung giải quyết các vấn đề về gia đình, đảm bảo cho con cái tôi được học hành và chăm sóc y tế tử tế”.
Gần với quan điểm của anh Lê Trung Lân, một vị cán bộ về hưu đề nghị không nêu tên lại cho rằng “Phụ nữ muốn lãnh đạo được xã hội thì trước hết phải làm cho gia đình hạnh phúc, phải tề gia nội trợ tốt. Phụ lãnh đạo nữ cần tập trung vào các vấn đề xã hội về lao động, giáo dục, y tế, quyền của trẻ em, quyền của phụ nữ, phải phản ánh được tiếng nói của những người yếu thế trong xã hội”.
Anh Nguyễn Xuân Qúy.
Khi được hỏi về việc liệu việc đặt ra các điều kiện khác hay kỳ vọng đối với phụ nữ có phải là bất bình đẳng nam nữ hay không thì quan điểm của nhiều người không giống nhau:
Anh Bình Nguyễn và anh Châu Minh Tín đều cho rằng việc đặt ra bất kỳ điều kiện nào hay bất kỳ kỳ vọng nào dành cho các lãnh đạo nữ đếu là một hình thức phân biệt giới tính, bất bình đẳng.
Đồng ý với quan điểm này, nhưng anh Nguyễn Tất Thương cũng nêu “Việc đặt ra kỳ vọng khác đối với lãnh đạo nữ là điều có thể thông cảm được trong điều kiện hiện nay. Bởi vì quan niệm chung của xã hội vẫn là phụ nữ thận trọng và mềm dẻo hơn nam giới do đó khi lãnh đạo phụ nữ cũng phải chịu các kỳ vọng khác nam giới là điều có thể hiểu được.”
Anh Nguyễn Ba cũng đồng tình với anh Nguyễn Tất Thương nhưng cũng cho biết thêm; “Khi lãnh đạo nữ không đạt được kết quả như mong đợi thì cũng nên thông cảm cho họ bởi vì cuộc sống luôn có những áp lực dành riêng cho phụ nữ”.
Trong khi đó anh Nguyễn Xuân Qúy, đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh lại cho rằng: “Kỳ vọng khác đối với phụ nữ không có nghĩa là phụ nữ phải đạt được kết quả tốt hơn nam giới mà là các lãnh đạo nữ phải hiểu hơn và đóng góp thiết thực hơn các vấn đề có liên quan đến gia đình và phụ nữ. Điều này là hoàn toàn bình thường và không thể coi là bất bình đẳng nam nữ ”.
Còn vị cán bộ về hưu đề nghị không nêu tên lại cho rằng “Có những việc nam giới làm tốt hơn và có những việc phụ nữ làm tốt hơn. Do đó việc đặt ra các điều kiện và kỳ vọng có liên quan đến thiên chức phụ nữ là hoàn toàn bình thường và không phải là bất bình đẳng”.
Như vậy mặc dù quyền tham chính của phụ nữ được công nhận, nhưng quan niệm của xã hội vẫn có những rào cản nhất định dành cho các phụ nữ tham chính. Một trong các rào cản này chính là việc đòi hỏi phụ nữ phải đáp ứng các điều kiện và các kỳ vọng khác ngoài các điều kiện và các kỳ vọng chung. Cho dù các rào cản này có nhân danh thiên chức phụ nữ thì cũng chính là một hình thức phân biệt nam nữ. Bởi vì cùng một vị trí thì các lãnh đạo nam và nữ đều có cùng quyền lợi, quyền hạn và trách nhiệm như nhau. Do vậy Nhà nước và các tổ chức xã hội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để có thể đẩy lùi các rào cản này để tạo điều kiện cho phụ nữ tham chính một cách đầy đủ và bình đẳng với nam giới, cần thiết có thể có những chế tài trong một số trường hợp.