THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 06:47

Tỷ lệ nữ tham chính thấp: Do đâu?

Tỷ lệ nữ trong lĩnh vực chính trị còn thấp

Theo số liệu thống kê cho thấy, trong lĩnh vực chính trị và quản trị công, tỷ lệ đại diện nữ nắm giữ các vị trí lãnh đạo cao cấp có sự thay đổi qua các thời kỳ. Ở cấp cao nhất trong suốt 2 thập kỷ qua luôn có Phó Chủ tịch nước là nữ. Tỷ lệ nữ ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XI là 8,6%; nữ ủy viên Bộ Chính trị có hai người, chiếm 14,2%; một Bí thư Trung ương Đảng, chiếm 10%.

Ở địa phương, tỷ lệ nữ ủy viên Ban Chấp hành đảng bộ nhiệm kỳ 2011-2015 cấp tỉnh là 11,3%; tỷ lệ nữ tham gia ban thường vụ, bí thư, phó bí thư ở cả ba cấp đều thấp, khoảng 10% hoặc dưới 10%.

Tại các cơ quan dân cử, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII chỉ đạt 24,4%. Cấp huyện có 8/53 tỉnh, thành phố (trừ 10 tỉnh, thành phố thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp quận, huyện) có tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện từ 30% trở lên; 37/53 tỉnh, thành phố có tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện từ 20-30%.

Trong các cơ quan hành pháp, chức danh Bộ trưởng có 2/22 người (chiếm 9,1%), Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ có 1/8 người. 15/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có cán bộ chủ chốt là nữ. Tỷ lệ nữ Chủ tịch UBND đạt 4,3%, Phó Chủ tịch UBND đạt 12,7%, Trưởng ban ngành, mặt trận, đoàn thể đạt 19,3%...

Nữ đại biểu Quốc hội trao đổi bên hành lang kỳ họp.

Phát biểu tại tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm quản lý, lãnh đạo và kết nối mạng lưới lãnh đạo nữ, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, hiện nay tính bình quân trên toàn cầu chỉ có 21,9% phụ nữ nắm giữ các vị trí trong các nghị viện. Chỉ có 35 quốc gia đã đạt chỉ tiêu mà Diễn đàn Bắc Kinh đã đề ra, đó là đảm bảo tỉ lệ nữ giới là 30% ở các vị trí ra quyết định, và chỉ có 2 quốc gia (gồm Ruanđa và Anđora) có số lượng nữ nghị sĩ từ 50% trở lên. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan ngại là mặc dù xu hướng trên toàn cầu là tỉ lệ nữ nghị sĩ đang tăng dần, thì ở Việt Nam tỉ lệ này lại giảm. Năm 1997, Việt Nam nằm trong số 10 nước có tỉ lệ đại diện của phụ nữ cao nhất nhưng hiện nay đã tụt xuống thứ hạng 49 trong tổng số 150 nước. Trong các bộ, ngành trung ương tại Việt Nam, phụ nữ cũng có tỉ lệ đại diện thấp ở các vị trí ra quyết định. Hiện chỉ có hai nữ Bộ trưởng và khoảng 7% Vụ trưởng, 12% Phó Vụ trưởng là nữ.

Đâu là những rào cản hạn chế phụ nữ phát triển

Bà Pratibha Mehta cho rằng: “Việt Nam không thiếu những người phụ nữ có đầy đủ các tiêu chuẩn cho các vị trí dân cử. Tuy nhiên, họ đang phải đối mặt với những rào cản khổng lồ hạn chế sự phát triển của mình”.

Theo bà Pratibha Mehta, tại Việt Nam ngay từ khi sinh ra, các bé gái đã không được coi trọng và đối xử bình đẳng như các bé trai. Các bé gái bị xã hội gắn cho những vai trò và hành vi khuôn mẫu, không được tự do bày tỏ quan điểm và tự do lựa chọn như các bé trai. Chế độ nam quyền và các mong đợi khuôn mẫu của xã hội về vai trò của phụ nữ là rào cản lớn nhất đối với sự tiến bộ của phụ nữ trong mọi mặt và mọi giai đoạn của cuộc sống.

Tiếp theo là những thách thức về mặt chính trị và thể chế, chẳng hạn như những chính sách phân biệt đối xử bất lợi cho phụ nữ. Sự khác biệt về tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ cũng là vấn đề cần phải giải quyết. Bộ luật Lao động quy định độ tuổi nghỉ hưu của nữ giới là đủ 55 tuổi, trong khi đó của nam là 60. Sự khác biệt 5 năm đã tác động lên sự nghiệp của người phụ nữ ngay từ khi phụ nữ bắt đầu được tuyển dụng.

Bên cạnh đó về thể chế đối với sự tham gia của phụ nữ trong chính trị là cách thức lựa chọn người ứng cử. Để đảm bảo sự đa dạng về tính đại diện, Việt Nam hiện nay đang thực hiện cơ chế “cơ cấu” đối với các tiêu chí về dân tộc thiểu số, người trẻ tuổi, các ứng viên ngoài Đảng, người tự ứng cử và phụ nữ. Điều này khiến cho nữ ứng cử viên đó không thể trúng cử nếu cô ấy phải tranh cử với người khác chỉ phải đáp ứng một tiêu chí.

 Các cơ quan Đảng, Quốc hội và Chính phủ đều có nam giới chiếm đa số và do đó sẽ hành động dựa trên lợi ích của nam giới mà không quan tâm đến nhu cầu và vai trò đa dạng của phụ nữ. Vấn đề “nam hóa thể chế” này là một đặc điểm vô hình của cả khu vực công và khu vực tư, dẫn đến phân biệt đối xử cũng như vấn đề quấy rối đối với phụ nữ. Một báo cáo gần đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Bộ LĐ-TB&XH đã cho thấy quấy rối tình dục nơi công sở ở Việt Nam hạn chế sự thăng tiến của phụ nữ và tạo ra môi trường làm việc không an toàn và tiêu cực cho phụ nữ.

Bà Pratibha Mehta cho rằng: Để phụ nữ và nam giới có cơ hội thụ hưởng các chính sách và được phát triển ngang bằng nhau, ngay từ khi còn nhỏ  chúng ta cần phải đối xử với các bé trai và bé gái theo cách để đảm bảo rằng chúng nhận được những cơ hội bình đẳng và được trao quyền một cách bình đẳng để lựa chọn và ra quyết định.

CHÂU ANH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh