Phụ nữ tham chính - Góc nhìn từ nam giới
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 21:25 - 01/11/2015
Kỳ 2: Ảnh hưởng của quan điểm “công việc phụ nữ” đối với vị trí của phụ nữ trong nền chính trị
Các chức danh đứng đầu Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và phần lớn các chức vụ Bí thư Thành ủy, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND, Chủ tịch HĐND đều do nam giới đảm nhiệm. Phụ nữ đặc biệt ở cấp lãnh đạo trung ương gần như chỉ giữ các chức vụ Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Y tế, LĐ-TB&XH các lĩnh vực này vốn được coi là các lĩnh vực liên quan đến chức năng của phụ nữ là chăm lo cho gia đình, giáo dục con cái, “việc phụ nữ”.Vậy phụ nữ có thể nắm giữ các vị trí cao nhất của nền chính trị hay không hay chỉ nên nắm giữ một số chức vụ liên quan đến các “vấn đề phụ nữ”.
Anh Nguyễn Ngọc Lộc.
Anh Bùi Văn Ái, phóng viên báo Gia đình và Xã hội cho rằng: “Phụ nữ có thể đảm nhận tốt bất kỳ vị trí gì. Tuy nhiên hiện nay do cơ cấu nên nhiều người có tài nhưng phải nắm các chức danh ít quyền lực, hình thức, công việc chủ yếu là dự liên hoan, khánh thành”.
Anh Nguyễn Ngọc Lộc, giảng viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nêu ý kiến “Lãnh đạo phải phụ thuộc vào tài năng, nhiều nước phụ nữ đã là nguyên thủ. Do đó không có lý do gì mà phụ nữ Việt Nam không đảm nhiệm được các chức vụ chính trị quan trọng. Vấn đề là nhiều phụ nữ khi làm lãnh đạo phải gánh cơ cấu bình đẳng giới, người có tài ở lĩnh vực này phải làm việc ở lĩnh vực khác do đó không phát huy hết tài năng của mình. Vì thế những người phụ nữ đảm nhiệm ở vị trí này luôn bị đánh giá là làm việc kém hiệu quả hơn nam giới từ đó họ không thể được đặt vào các vị trí lãnh đạo cao nhất, hoặc chỉ có thể đảm nhiệm các vị trí ít quan trọng, hình thức”.
Cùng quan điểm trên anh Nguyễn Văn Nguyên, quản lý một doanh nghiệp cũng cho rằng “Phụ nữ hay nam giới khi tham gia chính trị thì phải nỗ lực như nhau, thậm chí phụ nữ phải nỗ lực hơn rất nhiều lần vì “thiên chức” làm vợ làm mẹ.
Trong những năm gần đây tôi thấy Việt Nam cũng đã có nhiều những chính sách tạo điều kiện cho nữ giới tham gia chính trị như đưa ra cơ cấu, tạo điều kiện cho nữ giới học tập nâng cao năng lực, các dịch vụ gia đình phát triển,... Tuy nhiên thực tế hiện nay gần như phụ nữ bị đóng đinh ở vị trí cấp phó hoặc nếu là cấp trưởng thì cũng đảm nhiệm các chức vụ liên quan đến các vấn đề phụ nữ. Đây là một trong các bất công mà phụ nữ phải gánh chịu”.
Anh Nguyễn Văn Nguyên.
Tuy nhiên không phải ai cũng đồng tình với các ý kiến trên, anh Trần Phương Đông, một tiểu thương nêu “Phụ nữ tham chính là những người năng nổ, quyết đoán. Nhưng phụ nữ thì vẫn là phụ nữ, phụ nữ chỉ nên nắm giữ các chức vụ mà mình có thể làm tốt đó như các công việc về phụ nữ, trẻ em và gia đình hoặc các vấn đề có liên quan”.
Ông Nguyễn Bình, cán bộ nhà nước về hưu, lại có ý kiến tương đối bảo thủ về vị trí chính trị của phụ nữ, theo anh “Phụ nữ phải thực hiện thiên chức người mẹ, người vợ, tề gia nội trợ. Do đó phụ nữ không chỉ nên giữ các vị trị phía sau, chỉ nên làm cấp phó, cấp trưởng phải là nam. Nếu phụ nữ là cấp trưởng thì cũng nên phụ trách các công việc thiên về thiên chức của phụ nữ, hoặc các công việc đòi hỏi tính cẩn thận, nhẹ nhàng”.
Anh Nguyễn Bình.
Như vậy bên cạnh những ý kiến khá thoải mái về việc phụ nữ có thể đảm nhiệm tất cả các chức vụ chính trị thì vẫn còn đó định kiến về việc phụ nữ tham chính. Vì thế để phụ nữ có thể tham gia chính trị một cách bình đẳng với nam giới thì cần có nhiều việc phải làm để xóa bỏ định kiến về việc phụ nữ tham chính.Trong đó báo chí và truyền thông cần có các chương trình tuyên truyền cụ thể nhắm nâng cao vai trò và cơ hội của phụ nữ trong nền chính trị, đặc biệt là cần phải tránh đưa ra các thông điệp và diễn giải rằng phụ nữ chỉ nên làm “việc phụ nữ” trong cả gia đình và xã hội.
Hiện nay 2/14 Ủy viên Bộ Chính trị là nữ, 2/29 thành viên Chính phủ là nữ, 2/5 lãnh đạo cao nhất của Quốc hội là nữ, Phó Chủ tịch nước là nữ. Như vậy tỷ lệ phụ nữ giữ các chức vụ chính trị quan trọng của nhà nước luôn thấp hơn nam giới và phụ nữ không hề nắm các chức vụ cao nhất. |