CHỦ NHẬT, NGÀY 24 THÁNG 11 NĂM 2024 08:11

Phụ nữ khó tiếp cận pháp luật do định kiến giới

 

* Pháp luật còn chưa rõ ràng

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự -hành chính (Bộ Tư pháp) khẳng định, một trong những nguyên nhân sâu xa của bất bình đẳng giới là do ảnh hưởng của khuôn mẫu cổ hủ và định kiến giới, vốn đã tồn tại từ rất lâu.

Thậm chí, đó còn là nguyên nhân xuất phát của nhiều tội ác và bất hạnh trong gia đình - những vấn đề mà xã hội và hệ thống tư pháp của Việt Nam đang tìm cách đẩy lùi, ngăn chặn hiệu quả.

Tiến sĩ Đào Lệ Thu (ĐH Luật Hà Nội)cho rằng, hiện nay hệ thống pháp luật của Việt Nam về tổng quan luôn bảo đảm quyền bình đẳng và không phân biệt đối xử trên cở sở giới.

phụ nữ khó tiếp cận pháp luật do định kiến giới

Lớp tập huấn truyền thông về bình đẳng giới tại tỉnh Lào Cai.

Tuy nhiên ở một khía cạnh nào đó, những qui định của pháp luật vẫn chưa thực sự  đầy đủ, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ tiếp cận hệ thống tư pháp. TS Đào Lệ Thu phân tích, định kiến giới không chỉ ăn sâu vào văn hóa Việt Nam mà còn tồn tại trong một số quy định của pháp luật.

Điển hình như trong Bộ luật Hình sự hiện hành, không quy định quấy rối tình dục là tội phạm. Phải chăng như vậy đồng tình với định kiến cho rằng phụ nữ được sinh ra để cho đàn ông trêu ghẹo hoặc để mua vui cho đàn ông, thậm chí là công cụ tình dục của đàn ông?

Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự cũng chưa quy định việc công khai bản án và không quy định việc buộc phải giữ bí mật danh tính của nạn nhân tố cáo, sẽ làm cho người bị hại ngần ngại khi quyết định có nên tố giác hành vi phạm tội hoặc yêu cầu cơ quan pháp luật khởi tố, bảo vệ quyền lợi cho mình.

* Cần qui định cụ thể hơn trong luật

Theo các chuyên gia, định kiến giới có nhiều mức độ thể hiện khác nhau: Hiện nay, việc phân chia công việc ở gia đình, tham gia thị trường lao động phụ nữ thường không được tôn trọng. Rất ít phụ nữ được nắm giữ cương vị lãnh đạo, một số không nhỏ ở các vùng quê khó khăn trong tiếp cận với giáo dục, thậm chí còn bị bóc lột tình dục.

 Một chuyên gia giám định của Việt Nam nêu thực tế khi xử lý một vụ việc nạn nhân bị cưỡng dâm. “ Khi vụ việc xảy ra công an chuyển vụ việc tới cơ quan giám định pháp y. Tuy nhiên, một số chuyên gia không tự tin khi giám định nạn nhân trong vụ hiếp dâm, do không có đủ kỹ năng về lĩnh vực này.

Do vậy họ phải liên hệ qua nhiều khâu, nhiều bộ phận chức năng để có thể đưa ra kết luận cuối cùng. “Hãy tưởng tượng, nạn nhân đã quá đau khổ vì bị cưỡng hiếp. Tuy nhiên, cách xử lý vụ việc trải qua rất nhiều khâu, khiến người bị hại cảm thấy rất mệt mỏi trong việc chờ đợi công lý”-vị chuyên gia chia sẻ.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy, bạo lực thân thể, bạo lực tình dục và bạo lực tinh thần là ba dạng bạo lực phổ biến nhất ở Việt Nam với hơn 50% phụ nữ trong hôn nhân cho biết từng trải qua ít nhất một trong ba loại bạo lực này.

Theo nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình: 50% nạn nhân nữ chưa bao giờ kể với ai về vụ bạo hành, 87% phụ nữ bị bạo lực tham gia nghiên cứu chưa bao giờ tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ hoặc các cơ quan trợ giúp pháp lý chính thức; chỉ có 40% các vụ bạo lực gia đình được báo công an.

Có tới 47% nạn nhân bị bạo lực không hài lòng với kết quả làm việc của cảnh sát và 54% nghĩ rằng các biện pháp của cảnh sát là không đủ nghiêm khắc, 24% không hài lòng chủ yếu từ việc cảnh sát không điều tra các trường hợp hoặc không ép buộc đối với các thủ phạm.

Nhằm khắc phục hạn chế của luật hiện hành, chuyên gia đến từ Viện Xã hội học khuyến nghị sửa đổi định nghĩa về “tội hiếp dâm và cưỡng dâm” trong Bộ luật tố tụng Hình sự, bao gồm việc qui định rõ ràng các điều khoản áp dụng là “Không phụ thuộc vào bản chất của các mối quan hệ, giữa thủ phạm và nạn nhân”.

Cùng với đó, cần sửa đổi Bộ luật tố tụng Hình sự theo hướng đảm bảo trách nhiệm khởi tố liên quan đến bạo lực gia đình không được đặt vào các nạn nhân. Bà Evalyn G.Ursua, luật sư về nhân quyền, đến từ Phillipine, kêu gọi trách nhiệm của quốc gia trong xóa bỏ các định kiến giới nhằm thực thi công lý.

Bởi đây là một nguyên tắc phổ biến trong tất cả các hiệp ước quốc tế về nhân quyền, cụ thể đó là Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) mà Việt Nam đã là một quốc gia thành viên. 

Nguyễn Síu

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh