THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:25

Phụ nữ cần có quyền được an toàn khi tham gia phương tiện giao thông công cộng

 

. Hội thảo Hội thảo tham vấn “Hoàn  thiện tài liệu chương trình thành phố an toàn, thân thiện với trẻ em gái”

 

Thực trạng báo động

Thực tế cho thấy không chỉ ở Việt Nam, rất nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt với nạn quấy rối, xâm hại phụ nữ trên các phương tiện giao thông công cộng. Ở nước ta, phương tiện giao thông công cộng mà phụ nữ dễ bị quấy rối chủ yếu vẫn là xe chở khách, xe buýt, xe taxi, xe ôm.

Theo kết quả khảo sát của Tổ chức ActionAid Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và môi trường tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, 57% phụ nữ (từ 16 tuổi trở lên) được hỏi cho rằng đường phố được coi là nơi có nguy cơ xảy ra các vụ quấy rối tình dục cao nhất, 31% nữ sinh đã từng bị quấy rối tình dục trên xe buýt.

Tại TP.HCM, rất nhiều sinh viên nữ cho biết từng gặp những “kẻ biến thái”, có hành vi tình dục không bình thường ở các tuyến xe buýt đường dài hay trạm xe buýt. Các đối tượng quấy rối tình dục không chỉ nhắm tới các bạn nữ, một số bạn nam cũng gặp phải những tình huống bất ngờ trên xe buýt. Tuy nhiên, vì lý do tâm lý, nhiều phụ nữ cũng như các sinh viên nữ chịu đựng sự quấy rối trong suốt tuyến đường mình di chuyển, không tỏ thái độ ngay lập tức và cầu viện sự giúp đỡ của người khác. Có nhiều lý do nhưng lý do chính là họ chưa có nhiều kỹ năng để tự bảo vệ mình trong các tình huống không hay xảy ra nên chỉ biết im lặng. Sự im lặng đó khiến cho tình trạng này gia tăng.

 

 

Hiện nay TP HCM và TP Hà Nội đã có nhiều giải pháp phòng ngừa thực trạng này, các hoạt động, dự án của hai thành phố này tập trung vào truyền thông về vấn đề an toàn của phụ nữ và trẻ em gái khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng được tuyên truyền phổ biến rộng rãi. Bên cạnh đó, các cán bộ nhân viên ngành giao thông vận tải cũng được tập huấn nâng cao nhận thức về vấn đề an toàn của phụ nữ và trẻ em gái khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng (Sở GTVT TP.HCM) cũng đã triển khai lắp hệ thống 4.000 camera quản lý hơn 3.000 xe buýt. Đồng thời đã thay mới hơn 50% số xe, tăng số lượng tuyến và cung cấp đường dây nóng 1022 để kịp thời nhận phản ánh của người dân.

Một số chuyên gia cho rằng, ngoài các giải pháp hiện thời, các cấp, ngành chức năng cần chỉ đạo cơ quan chức năng điều tra, khảo sát để xác định rõ các địa điểm, các tuyến giao thông công cộng, các đoạn đường thường xuyên xảy ra hiện tượng quấy rối tình dục đối với phụ nữ. Từ đó, triển khai các biện pháp cảnh báo, ngăn ngừa nguy cơ của hiện tượng này như tăng cường chiếu sáng công cộng, niêm yết số điện thoại công an xã, phường sở tại cũng như các thông điệp hướng dẫn cách ứng phó khi bị quấy rối tình dục.

 

. Hội thảo Hội thảo tham vấn “Hoàn  thiện tài liệu chương trình thành phố an toàn, thân thiện với trẻ em gái”

 

Cần có quyền được an toàn

Tại Hội thảo tham vấn “Hoàn  thiện tài liệu chương trình thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em gái” do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 3/11/2017 tại TP.HCM, hầu hết các tham luận của các chuyên gia cho rằng cần có sự thay đổi trong phương pháp tiếp cận vấn đề thành phố an toàn trên cấp độ vĩ mô, từ bảo vệ sang tiếp cận dựa trên quyền, trong đó quyền tại thành phố bao gồm quyền tự do đi lại và quyền được an toàn.

Theo đó, phương pháp này cần tách biệt khỏi những quan niệm truyền thống về sự an toàn, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cần được bảo vệ của phụ nữ và em gái. Bởi lẽ phương pháp tiếp cận truyền thống về sự an toàn không thực sự giúp cho trẻ em gái và phụ nữ sự an toàn hơn mà trái lại còn làm gia tăng tính tổn thương của họ. Nó làm cho phụ nữ và trẻ em gái thiếu tự tin và phụ thuộc cả về mặt thể chất và tinh thần vào sự bảo vệ của những người khác. Đồng thời, ngăn cản họ phát huy được hết các tiềm năng cũng như hưởng thụ đầy đủ các quyền của mình như những công dân trong thành phố.

 

 

Phong trào thành phố an toàn tiếp cận vấn đề an toàn của phụ nữ trên góc độ phụ nữ có quyền sống trong thành phố mà không cần phải lo sợ bạo lực cần được triển khai rộng rãi. Cách tiếp cận này thừa nhận rằng phụ nữ và em gái có quyền được an toàn trong thành phố như tất cả những công dân khác.

Các chuyên gia tại Hội thảo cũng khuyên rằng, phụ nữ và trẻ em gái nên mạnh dạn phản ứng tố cáo kẻ quấy rối mình trên các phương tiện giao thông công cộng, sẽ nhận được sự giúp đỡ nhiều hơn và họ cũng sẽ được an toàn hơn. Trong trường hợp đi một mình, chỉ có người điều khiển phương tiện giao thông công cộng và hành khách, nhất là trên các tuyến đường xa và thưa vắng dân cư, nhất thiết phải có các kỹ năng tối thiểu đề phòng tình huống xấu. Cần phải bình tĩnh xử trí các biểu hiện không hay của người điều khiển phương tiện giao thông, tránh hồ đồ manh động hay yếu đuối, dễ xảy ra những chuyện đáng tiếc.

Còn đại diện Tổ chức Plan International Việt Nam cho rằng, một thành phố an toàn cho trẻ em gái là một thành phố trong đó trẻ em gái không phải sợ hãi hay bị quấy rối tình dục hoặc bạo lực giới, các em được tiếp cận bình đẳng với các dịch vụ và phương tiện di chuyển công cộng, cũng như sử dụng các không gian công cộng tự do như những công dân có quyền bình đẳng trong thành phố. Một thành phố an toàn là thành phố mà ở đó cả chính phủ và xã hội dân sự đều đảm bảo các quyền của phụ nữ và trẻ em gái trong tất cả các lĩnh vực.

HOÀNG THƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh