CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:56

Bình đẳng giới là trung tâm của sự phát triển kinh tế và nguồn nhân lực

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu khai mạc Đối thoại Chính sách Cấp cao về Phụ nữ và Kinh tế 

Phát biểu khai mạc Đối thoại, Bộ trưởng Bộ LĐ – TB&XH Đào Ngọc Dung hoan nghênh những nỗ lực không mệt mỏi của Nhóm đối tác chính sách về Phụ nữ và Kinh tế trong suốt thời gian vừa qua. Đặc biệt trong ba ngày họp vừa qua, các đại biểu đã cống hiến sức lực, trí tuệ để có được các văn kiện quan trọng trên bàn nghị sự trong buổi Đối thoại chính sách cao cấp về Phụ nữ và Kinh tế APEC hôm nay.

Bộ trưởng cũng hoan nghênh các sáng kiến và dự án của các nền kinh tế. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng việc có ngày càng nhiều các thông lệ về lồng ghép giới trong các lĩnh vực khác nhau của APEC là một minh chứng rõ ràng cho thấy Nhóm đối tác chính sách về Phụ nữ và Kinh tế hoạt động rất hiệu quả.

“Hôm nay là ngày cuối của Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC 2017. Chúng ta sẽ thông qua Tuyên bố về tăng cường sự hội nhập và nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong một thế giới đang thay đổi. Tôi tin rằng tất cả chúng ta đều mong muốn thực hiện Tuyên bố này nhằm xây dựng một APEC đổi mới hơn nữa để phụ nữ cũng như trẻ em gái, hay bất kỳ một người dân, không ai bị bỏ lại phía sau”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu.

Theo Bộ trưởng, Tuyên bố của Đối thoại chính sách cao cấp về Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2017, hay bất kỳ Tuyên bố quan trọng nào khác, tất cả sẽ trở thành vô nghĩa nếu không được thực thi bằng ý chí và nỗ lực cao nhất của tất cả các thành viên APEC.

“Nhân đây, tôi cũng muốn nhắc lại Tuyên bố chung năm 2009, trong đó, lần đầu tiên các nhà lãnh đạo APEC khẳng định sẽ thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và có các biện pháp để tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ với giáo dục, đào tạo, tài chính, công nghệ, cơ sở hạ tầng để tối đa hóa các cơ hội kinh tế của phụ nữ. Sau gần 30 năm kể từ khi thành lập, đến nay, APEC đã khẳng định vai trò là một cơ chế hợp tác kinh tế - thương mại lớn nhất trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Đồng thời, APEC cũng khẳng định rằng bình đẳng giới là trung tâm của sự phát triển kinh tế và nguồn nhân lực”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Có thể nói rằng, sự hội nhập và nâng cao quyền năng cho phụ nữ đã có tác động mang tính dây chuyền tích cực và quan trọng đối với khu vực. Các báo cáo cho thấy rằng nhiều nền kinh tế APEC đã thành công trong việc giảm đáng kể sự bất bình đẳng về thu nhập và phi thu nhập thông qua việc kết hợp các chính sách tiến bộ về kinh tế - xã hội. Do đó, tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững là xu hướng chung mà các nền kinh tế APEC đã và đang hướng tới.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ LĐ – TB&XH cũng cho rằng, dù đã đạt được những thành công nhất định, chúng ta phải thừa nhận một thực tế là còn tồn tại những khác biệt đáng kể trong cơ hội việc làm và thu nhập giữa các nhóm phụ nữ và nam giới. Những khác biệt không chỉ là sự chênh lệch số lượng phụ nữ và nam giới có việc làm, mà còn liên quan đến các hình thức phân biệt nghề nghiệp và phân biệt đối xử dựa trên cơ sở giới.

Do đó, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu và tăng cường khả năng cạnh tranh quốc tế, đầu tư vào kỹ năng và năng suất cho lao động nữ cần được coi là một trong những ưu tiên của hoạch định chính sách. Phụ nữ chiếm phần lớn trong tổng số lao động không được trả lương ở gia đình, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp và tiếp cận rất hạn chế đến các nguồn lực phát triển.

Qua đây, Bộ trưởng mong muốn các nền kinh tế APEC sẽ chú trọng hơn nữa đến đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công, bởi điều này sẽ làm giảm bớt và tái phân phối các công việc gia đình và việc chăm sóc không được trả lương của phụ nữ. Những biện pháp này đòi hỏi các chính phủ và các doanh nghiệp phải bổ sung ngân sách đầu tư.

Song song với việc đầu tư nguồn tài chính, cũng cần cải thiện khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng cho phụ nữ và trẻ em gái. Nghiên cứu ở nhiều nền kinh tế cho thấy chỉ cần đầu tư 2% GDP vào ngành dịch vụ chăm sóc, đặc biệt trong các dịch vụ xã hội và chăm sóc trẻ em, số lượng việc làm sẽ tăng khoảng từ 2,4 đến 6,1%. Từ đó, phần lớn các công việc tạo ra có thể do phụ nữ đảm nhiệm, làm giảm khoảng cách giới trong việc làm. Các chính sách này sẽ thúc đẩy việc làm nói chung và tăng trưởng kinh tế nói riêng.

Toàn cảnh phiên Đối thoại Chính sách Cấp cao về Phụ nữ và Kinh tế APEC 2017

“Việt Nam cũng như nhiều nền kinh tế trong APEC đang phải đối mặt với kinh tế tăng trưởng chậm lại, do đó việc thúc đẩy các cải cách kinh tế và tiếp tục đảm bảo các tiến bộ về kinh tế - xã hội là rất cần thiết. Các chiến lược thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và bền vững sẽ là chìa khóa để chúng ta thực hiện xóa nghèo, giảm bất bình đẳng và thúc đẩy phát triển thân thiện với môi trường. Việc này cũng đòi hỏi phải có một nền quản trị quốc gia tốt hơn, có khả năng cung cấp các dịch vụ và phân bổ các nguồn lực một cách công bằng. Với những điều tôi vừa chia sẻ, tôi hiểu rằng còn rất nhiều khó khăn trên chặng đường dài phía trước. Chúng ta sẽ còn mất nhiều thời gian và nỗ lực. Nhưng tôi tin tưởng rằng với những gì chúng ta đang có, đã có, đó là nguồn năng lượng, sức sáng tạo, tính kiên cường và sự năng động của mỗi người dân, bao gồm phụ nữ và nam giới, trẻ em gái và cả trẻ em trai,... trong khu vực APEC chắc chắn sẽ được chứng kiến một tương lai tươi sáng hơn”, Bộ trưởng Bộ LĐ – TB&XH Đào Ngọc Dung thêm một lần nữa khẳng định.

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh