Phong trào đền ơn đáp nghĩa ở An Giang
- Người có công
- 22:41 - 22/07/2017
Hiện nay trên địa bàn tỉnh An Giang có trên 36.000 người có công (NCC), trong đó có 644 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (BMVNAH) và có gần 10.000 NCC và thân nhân NCC đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng từ ngân sách nhà nước với kinh phí gần 150 tỷ/ năm.
Trong những năm gần đây, mặc dù An Giang còn gặp nhiều khó khăn, nhưng công tác đền ơn đáp nghĩa luôn được quan tâm duy trì thường xuyên với nhiều chính sách ưu đã thiết thực.
Riêng trong năm 2015, toàn tỉnh đã tiếp nhận trên 8,1 tỷ đồng đóng góp cho Qũy “Đền ơn đáp nghĩa”, nhờ đó đã sửa chữa và cất mới hàng chục căn nhà tình nghĩa góp phần giải quyết vấn đề khó khăn về nhà ở cho đối tượng thương binh, gia đình liệt sĩ, NCC.
Đồng thời qua phong trào đền ơn đáp nghĩa với sự chung tay góp sức của cả cộng đồng xã hội nhiều nguồn lực đã được huy động, nhằm giúp cho các đối tượng thương binh, gia đình liệt sĩ, NCC có một cuộc sống chất lượng hơn.
Nhờ đó, tất cả các đối tượng chính sách NCC và thân nhân của họ đã được hưởng chế độ ưu đãi về chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ trong giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, vay vốn đầu tư phát triển sản xuất…
Từ đó đã tạo điều kiện cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống ngày càng tốt hơn cả về vật chất lẫn tinh thần cho các gia đình NCC và thân nhân NCC.
Lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang trao tặng nhà tình nghĩa cho ông Nguyễn Văn Mạng (NCC), ở xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.
Trong số các 644 BMVNAH, hiện còn có 36 BM còn sống đều được các doanh nghiệp trong tỉnh nhận phụng dưỡng suốt đời, với mức từ 1 triệu đồng/ người/ tháng trở lên.
Được biết, đối với các đối tượng thương, bệnh binh nặng hiện đang an dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh và NCC Long Đất (BR – VT), luôn được tỉnh quan tâm thường xuyên thăm hỏi, tặng quà, nhất là dịp lễ, Tết và kỷ niệm Ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7 hằng năm.
Thông qua phong trao đền ơn đáp nghĩa mang tính sâu, rộng và bằng nhiều hình thức đã tạo điều kiện cho nhiều hộ gia đình thương binh, liệt sĩ, NCC và thân nhân của họ vươn lên thoát nghèo, có đời sống vất chất, tinh thần bằng, hoặc cao hơn mức sống của cộng đồng nơi cư trú.
Có thể nói, phong trào đền ơn đáp nghĩa ở An Giang đã tác động tích cực và góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành từ xã, phường, thị trấn đến tỉnh trong việc lãnh đạo, quản lý, chăm sóc NCC.
Với những việc làm thiết thực giàu chất nhân văn và đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, hiện nay 156 xã, phường, thị trấn ở An Giang đều được UBND tỉnh tặng bằng công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, NCC.
Chính những kết quả đã đạt được trong phong trào đền ơn đáp nghĩa đã góp phần ổn định chính trị, xã hội trên địa bàn tỉnh An Giang, từ đó nhân lên những tấm gương điển hình cho thế hệ trẻ noi theo để tiếp bước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.