THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:42

Phòng, chống hành vi QRTD tại công sở

QRTD khó xử lý...vì thiếu bằng chứng!  

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Vân, chuyên viên Vụ Pháp chế cho biết, Bộ LĐ-TB&XH đã từng phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) khảo sát, nghiên cứu nhanh tình trạng QRTD tại nơi làm việc tại Việt Nam. Khảo sát được thực hiện trên 102 người là cán bộ các cơ quan quản lý nhà nước, người lao động, sinh viên... Mặc dù là nghiên cứu nhanh, số người được hỏi chưa nhiều, chưa có thông tin định lượng nhưng kết quả cho thấy QRTD diễn ra khá phổ biến, ở mọi nơi, mọi môi trường, với nhiều độ tuổi. Tình trạng QRTD tại nơi làm việc xảy ra không phân biệt nhóm tuổi hay ngành nghề, trình độ chuyên môn. Tuy nhiên, người lao động có độ tuổi từ 18 - 30 bị quấy rối nhiều hơn cả. Trên khắp thế giới, QRTD tại nơi làm việc được coi là một vấn nạn, Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Tình trạng QRTD tại nơi làm việc diễn ra từ lâu nhưng hiếm khi nào được đưa ra trước công luận bởi những đặc điểm tâm lý của người Á Đông.

Theo bà Nguyễn Thị Vân, điều tra của Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ ra rằng, phần lớn các nạn nhân bị QRTD tại nơi làm việc ở nước ta là nữ giới chiếm 78,2%; trong khi nam giới chỉ chiếm 21,8%. Bà Vân cho biết: “Nếu như trước đây ít có vụ việc QRTD tại nơi làm việc nào bị phanh phui thì hiện nay với sự phát triển của công nghệ thông tin, các mạng xã hội, cũng như sự giải phóng tâm lý của con người thì các vụ QRTD tại nơi làm việc có thể dễ dàng bị tố cáo hơn”. Bà Nguyễn Thị Vân cho rằng, đối với QRTD tại nơi làm việc, những người trong cuộc thường ngại ngùng, xấu hổ do tâm lý đặc trưng của người Á Đông. Bởi vậy vụ việc QRTD nhiều nhưng ít bị đưa ra xử lý.

Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa: “Ngay cả ở những nước phát triển như Mỹ, Pháp... vấn đề xử lý QRTD cũng khó khăn vì thường không có bằng chứng. Hơn nữa nạn nhân thường không dám tố cáo vì sợ bị trù úm, trả thù bởi hầu hết người QRTD là cấp trên. Thậm chí có nạn nhân không chịu nổi hành vi QRTD mà chấp nhận bỏ việc”.

Các chuyên gia tâm lý chỉ ra rằng, QRTD tại nơi làm việc thường xuyên xảy ra bởi nhiều nguyên do. Trong đó phải kể đến như: Nạn nhân chưa có ý thức đấu tranh tự bảo vệ mình; người sử dụng lao động chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề này; quan trọng hơn vấn đề này tại Việt Nam hay một số nước châu Á chưa được nhìn nhận một cách đầy đủ về mức độ phổ biến cũng như sự nguy hiểm của nó.

Phải có chế tài để xử phạt hành vi QRTD

Ngày 25/5/2015, Bộ LĐ-TB&XH cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với sự giúp đỡ của ILO đã công bố Bộ quy tắc ứng xử về QRTD tại nơi làm việc. Theo ông Hà Đình Bốn, Bộ quy tắc ứng xử về QRTD tại nơi làm việc không phải là văn bản pháp lý mà chỉ mang tính chất khuyến nghị doanh nghiệp áp dụng vào trong nội quy, quy định. QRTD nói chung đã được quy định trong Bộ luật Hình sự, nhưng những hành vi đó chủ yếu ở mức độ nặng, như tấn công tình dục, hiếp dâm, cưỡng dâm.Ông Hà Đình Bốn cho biết thêm, theo Bộ quy tắc, các hình thức QRTD gồm: Hành vi quấy rối thể chất như tiếp xúc, cố tình đụng chạm, sờ mó, cấu véo, thậm chí tấn công tình dục, cưỡng dâm. Ngoài ra, hành vi quấy rối bằng lời nói bao gồm nhận xét không phù hợp, không đứng đắn, có ngụ ý về tình dục, đề nghị, yêu cầu không được mong muốn một cách liên tục. Hành vi quấy rối phi lời nói bao gồm ngôn ngữ cơ thể không đứng đắn, nháy mắt, phô bày tài liệu khiêu dâm. Bộ quy tắc được áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp, không kể quy mô. Thuật ngữ "nơi làm việc" không chỉ bao hàm những địa điểm cụ thể như văn phòng hay nhà máy, mà còn là những địa điểm khác có liên quan đến công việc như các hội thảo, tập huấn, công tác chính thức..

Bà Nguyễn Thị Vân cho rằng: “Có lẽ vấn đề này cần được nhìn nhận từ góc độ pháp lý một cách nghiêm túc và đầy đủ. Cần nhanh chóng xây dựng và ban hành những văn bản quy phạm pháp luật có giá trị để kịp thời đáp ứng khoảng trống về pháp luật cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý”.

Bà Lisa Wong, chuyên gia nghiên cứu về giới của ILO: 

“Việc ban hành một thông tư và cụ thể hóa các quy định liên quan đến QRTD trong pháp luật là cần thiết” 

Về lĩnh vực phòng chống QRTD tại nơi làm việc, Việt Nam đã có những bước đi vững chắc và với tiến độ khá nhanh. Năm 2012, Bộ luật Lao động lần đầu tiên bao gồm một số điều khoản liên quan đến QRTD tại nơi làm việc. Năm 2015, Bộ quy tắc ứng xử về QRTD tại nơi làm việc đã được Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động ban hành. Và giờ đây, năm 2016, Việt Nam bắt đầu quá trình xây dựng thông tư, dần luật hóa các nội dung của Bộ quy tắc này. QRTD tại nơi làm việc là một vấn đề nhức nhối trên toàn thế giới. Một báo cáo mới gần đây về QRTD tại nơi làm việc của Mỹ - một quốc gia có hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật ở mức phát triển cao, cho thấy: Cứ 3 lao động nữ tuổi từ 18 đến 34, thì 1 người thú nhận rằng họ từng là nạn nhân của QRTD tại nơi làm việc. 81% từng bị QRTD về mặt lời nói. 33% từng bị QRTD dưới hình thức động chạm thể chất. 25% từng bị QRTD qua tin nhắn, email.  75% từng bị QRTD bởi đồng nghiệp nam. 49% từng bị QRTD bởi khách hàng là nam giới.  30% từng bị QRTD bởi quản lý. Tôi hy vọng Việt Nam sẽ sớm thực hiện một cuộc khảo sát toàn diện để có được bức tranh chính xác về vấn đề này. Việc ban hành một thông tư về vấn đề này nói riêng và cụ thể hóa các quy định liên quan đến QRTD trong pháp luật là cần thiết. Một số người cho rằng vấn đề văn hóa là rào cản đối với việc luật hóa vấn đề này. Tuy nhiên, khi một người thực hiện những hành động liên quan/ngụ ý tình dục (dù có được chấp nhận rộng rãi bởi những người khác) mà người tiếp nhận không thích, người đó vẫn tiếp tục hành động đó khi người tiếp nhận đã nói rõ người đó không muốn như vậy, đó rõ ràng là QRTD. Theo tôi yếu tố văn hóa không có giá trị liên quan ở đây.

THIỀU NGA/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh