THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:14

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Siết chặt an toàn thực phẩm dịp Tết và mùa lễ hội 2017

 

Năm 2016: Gần 57 nghìn  cơ sở vi phạm về ATTP

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm, năm 2016, cả nước đã thành lập 22.667 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra tại 345.112 cơ sở, phát hiện 56.984 cơ sở vi phạm. Trong số 56.984 cơ sở vi phạm, đã có 13.313 cơ sở bị xử lý, trong đó phạt tiền 8.926 cơ sở với số tiền trên 33 tỷ đồng.

Ngoài ra, quản lý thị trường cũng đã kiểm tra, xử lý 13.893 vụ vi phạm an toàn thực phẩm, phạt 29,6 tỷ đồng, thu giữ tang vật trị giá 20,4 tỷ đồng. Cảnh sát môi trường phát hiện 5.169 vụ việc về an toàn thực phẩm, xử phạt 23,6 tỷ đồng, xử lý hình sự 4 vụ, tịch thu, tiêu hủy nhiều hàng hóa thực phẩm vi phạm giá trị 20 tỷ đồng…

Có thể thấy, so với năm 2015, việc xử lý về an toàn thực phẩm trong năm 2016 mạnh mẽ hơn, số cơ sở bị xử lý tăng từ 17,6% (2015) lên 23,4% (2016).Hình thức cảnh cáo, nhắc nhở đã giảm, dần được thay thế bằng phạt hành chính, tỷ lệ cơ sở bị phạt tiền tăng từ 50,5% (2015) lên 67% (2016). Số tiền phạt trung bình mỗi cơ sở là 3,73 triệu đồng so với mức 3,59 triệu đồng của năm 2015, cao hơn nhiều so với các năm trước. Việc công khai các cơ sở vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng được thực hiện thường xuyên hơn. Kết quả xử phạt này đã thể hiện tính răn đe cao đối với các cơ sở cố tình vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm.

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, công tác thanh tra, kiểm tra trong năm được triển khai đồng bộ, quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, có sự vào cuộc của các cấp, ngành chức năng có liên quan. Hầu hết các trường hợp vi phạm đều được phát hiện, xử lý bằng nhiều hình thức khác nhau, đảm bảo đúng pháp luật, được công khai kịp thời trên phương tiện thông tin để người dân có thể lựa chọn thực phẩm an toàn.

 

Công tác thanh kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ được tăng cường trong thời gian tới

 

Ban Chỉ đạo đã xác định nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2017 là: triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân năm 2017; triển khai Tháng hành động về an toàn thực phẩm, vẫn lấy chủ đề về nông nghiệp để tiếp tục triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các loại thực phẩm tươi sống; xử lý dứt điểm việc sử dụng salbutamol, vàng ô, kháng sinh trong chăn nuôi, sản xuất, chế biến thực phẩm…Trong đó, triển khai các chương trình giám sát an toàn thực phẩm trong phạm vi toàn quốc, tập trung vào các vấn đề: sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, bảo quản thực phẩm; vệ sinh an toàn trong giết mổ gia súc, gia cầm, nhất là tại các thành phố lớn và các vùng sản xuất nông sản thực phẩm; kinh doanh, sử dụng phụ gia thực phẩm, thực phẩm chức năng. Công tác thanh tra, kiểm tra tiếp tục đẩy mạnh; xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm…

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo và các bộ, ngành liên quan tiếp tục tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2017, nhất là dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân.

Bộ NN&PTNT đã có sự chuẩn bị nhiều năm trước về phát triển chuỗi thực phẩm. Thời gian tới, Bộ cần phối hợp với các đoàn thể chính trị – xã hội, xây dựng các chương trình cho hội viên, nông dân vay vốn sản xuất, lồng ghép với phát triển sản xuất theo chuỗi; một số mô hình tốt cần tiếp tục thực hiện quyết liệt.Với sự vào cuộc của các bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương cùng với truyền thông mạnh mẽ tại một số thành phố, đã xuất hiện ngày càng nhiều các cửa hàng bán lẻ thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng.

“Người tiêu dùng đã có ý thức hơn trong mua, sử dụng thực phẩm sạch. Điều này sẽ có tác dụng đến tận các chợ nhỏ, lẻ truyền thống. Bộ cần tiếp tục tập trung vào chuỗi sản xuất, truy xuất được nguồn gốc thực phẩm sạch và hệ thống bán lẻ, phân phối ở đô thị lớn”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm

Thông tin từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm đã ban hành Kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Đinh Dậu và mùa Lễ hội Xuân năm 2017.

Theo kế hoạch, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương thành lập sáu Đoàn kiểm tra từ Trung ương đến địa phương từ nay đến hết ngày 25/3/2017. Đoàn có sự tham gia của các đơn vị chức năng thuộc các Bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và các ngành thành viên Ban Chỉ đạo tiến hành kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố, gồm: Hà Nội, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh, Bình Phước, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Phú Thọ, Tuyên Quảng, An Giang, Đồng Tháp, Giai Lai, Kon Tum. Các đoàn kiểm tra sẽ tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong năm và có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn. 

Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương đề nghị Sở Y tế tham mưu cho Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm các tỉnh, thành phố thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành ở các cấp có sự tham gia của các đơn vị chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, dịch vụ ăn uống. Đồng thời phối hợp với các Đoàn thanh tra liên ngành của Trung ương kiểm tra, xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm tại các cơ sở thực phẩm theo kế hoạch cụ thể của các đoàn Trung ương, bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân năm 2017.

DUY ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh