CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:04

Phim Việt: Nhọc nhằn doanh thu phòng vé

 

Nửa đầu năm 2016, điện ảnh Việt  trầm lặng

Hơn 20 phim Việt ra rạp từ đầu năm đến nay, nhưng tiếc thay, chỉ một vài phim tạm… có lãi. Thông thường, Tết Nguyên đán là dịp để các phim Việt tung hoành và chiếm lĩnh thị phần, nhưng năm nay phim Tết “madein Vietnam” rất “hẻo” về doanh thu. Duy chỉ phim “Tía tui là cao thủ” là có lãi, và dù có doanh thu khủng nhất (50 tỷ sau ba tuần) nhưng chỉ dừng ở mức bình dân, theo đúng công thức quen thuộc của Hoài Linh. “Lộc phát” và “Yêu là phải xài chiêu” vẫn chủ yếu là hài mảng miếng để lấy tiếng cười dễ dãi. Bộ phim kinh dị “Ám ảnh” công chiếu được đã là may mắn, sau quá nhiều lần chỉnh sửa nên cũng không thể trông đợi gì nhiều. Trong khi đó, “Siêu trộm” của đạo diễn kỳ cựu Hàm Trần có tư duy làm phim hiện đại, nhưng câu chuyện không tạo được bất ngờ, cũng chìm nghỉm giữa “làn sóng” phim ngoại nhập.

Phim “Tía tui là cao thủ” dẫn đầu doanh thu phim Việt từ đầu năm đến nay.

Bên cạnh đó, cũng phải ghi nhận một hiện tượng khác, đó  là sự dịch chuyển thời điểm phát hành phim Việt. Nhiều đạo điểm lựa chọn thời điểm phát hành vào các dịp khác, không dồn vào 3 ngày Tết, đó là Dustin Nguyễn chọn ngày phát hành “Bao giờ có yêu nhau” vào cuối tháng 3, còn Ngô Thanh Vân vừa “tung” sản phẩm “Tấm Cám: Chuyện bây giờ mới kể” giữa tháng 8, giúp khán giả dễ dàng tiếp cận được nhiều phim Việt hơn.

Tuy nhiên, phim của các đạo diễn: Hàm Trần, Cường Ngô, Dustin Nguyễn hay Lê Văn Kiệt tuy đều là những đạo diễn có thực lực, từng làm những tác phẩm được đánh giá cao như “Đoạt hồn”, “Trúng số” hay “Dịu dàng”, song năm nay cả bốn nhà làm phim trên đáng tiếc, đều chưa tạo được dấu ấn mới. Kịch bản phim “Truy sát” và “Nữ đại gia” có nhiều lỗi. “Bao giờ có yêu nhau” có ý tưởng mới lạ song cách dựng phim chưa mạch lạc, khiến người xem không thỏa mãn, dù được khen ngợi quay đẹp, nội dung nhiều thông điệp, hiệu ứng truyền thông trên mạng xã hội khá tốt. Các phim trên về mặt doanh thu đều không đạt so với mức kinh phí đầu tư khá lớn.

“Gái già lắm chiêu”, là phim khá thành công về mặt doanh thu từ đầu năm đến nay.

Trong bối cảnh đó, khá bất ngờ khi những tác phẩm tốt nhất lại thuộc về các nhà làm phim "tay ngang" hoặc còn mới trên màn ảnh rộng. Như “Gái già lắm chiêu” của 2 đạo diễn Bảo Nhân và Nam Cito đi theo mô típ không mới, nhưng có cách dẫn dắt thú vị cộng thêm diễn xuất tốt của Diễm My đã đem lại doanh thu tương đối.

Thua lỗ, nhà sản xuất chẳng còn động lực

Lý giải về doanh thu kém của phim Việt, một đại diện của CGV (đơn vị phát hành hiện chiếm 40% tổng số rạp cả nước) cho biết: “Năm nay phim Việt nhiều gấp đôi, gấp ba so với cùng kỳ các năm trước. “Ăn nhiều sẽ ngán”, ngày xưa ít phim Việt, khán giả tranh thủ xem hết, còn bây giờ họ có nhiều sự chọn lựa nên chỉ xem phim có chọn lọc”.

Một lý do khác khiến phim Việt khó đạt doanh thu cao là do số lượng phim nhập ngoại ra rạp quá nhiều, thời gian để các phim trụ rạp không cao. Thị hiếu khán giả không còn như xưa, vẫn yêu thích phim Việt, muốn ủng hộ điện ảnh nước nhà nhưng khắt khe hơn trong chọn lựa. Những phim thể loại hành động hài vốn ăn khách trước đây dần nhường chỗ cho thể loại tình cảm pha chút hài hước có cốt truyện, thông điệp nhân văn. Theo nhà biên kịch Bích Thủy, Giám đốc sản xuất của Công ty Senafilm, khán giả ngày nay tinh tế hơn trong việc tiếp nhận phim. Trong khi đó, các phim Việt ra rạp vừa qua nhìn chung chất lượng chưa tốt, nhạt.  “Chúng tôi lo số lượng phim nhiều mà chất lượng không có sẽ khiến khán giả chán. Phim ra rạp tăng cũng là điều tốt vì tạo sự sôi động cho thị trường, tăng tính cạnh tranh nhưng nếu chỉ chạy theo số lượng, bỏ qua chất lượng là không nên”, diễn viên, nhà sản xuất phim Mai Thu Huyền nhận định.

Kịch bản phim Việt “bói” mãi không có một kịch bản hay, cộng với các yếu tố khác như diễn xuất, sáng tạo về hình ảnh, kỹ xảo, quay phim.v.v... nên phim Việt dễ lép vế, khó cạnh tranh. Cái khó của phim Việt không phải ở đồng vốn mà ở trình độ và thị trường. Phim Việt chủ yếu bán vé trong nước, còn mang đi quốc tế thì chỉ trình chiếu vài buổi miễn phí cho vui.

MAI CHÂU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh