Phim Việt 2016: Bức tranh đa sắc màu
- Văn hóa - Giải trí
- 21:50 - 19/07/2016
Từ đầu năm đến giờ, trung bình khoảng 8 ngày lại có một phim Việt ra rạp. Đó là điều đáng mừng cho một nền điện ảnh nước nhà vẫn đang trên đà loay hoay xây dựng một thị trường đa dạng, chuyên nghiệp. Nó cũng là tín hiệu cho thấy điện ảnh vẫn còn là mảnh đất màu mỡ. Tuy nhiên, ngay cả ở những phim đáng kỳ vọng, chất lượng cũng chỉ tầm tầm.
Sự phát triển của điện ảnh Việt vài năm gần đây đã tạo ra một thị trường tích cực hơn. Đặc biệt, các hãng phim tư nhân trong Nam luôn năng động và náo nhiệt khơi nguồn các dự án phim mới. Phim Việt lần đầu tiên không còn phân định giới hạn phim theo mùa, mà gần như tháng nào trong năm cũng có từ 2 - 5 phim ra rạp, tạo một sự liên tục không bị đứt quãng như trước. Chính vì thế, sau mùa phim Tết năm nay với 5 bộ phim gồm “Tía tôi là cao thủ”, “Siêu trộm”, “Lộc phát”, “Yêu là phải xài chiêu”, “Ám ảnh”, một loạt các bộ phim không ngại ngần ra rạp trước để khỏi phải chen chúc, cạnh tranh với các nhà sản xuất lớn đã xếp lịch chiếu từ lâu.
Cảnh trong phim “Truy sát”.
Thậm chí, thời điểm đìu hiu sau Tết còn được hâm nóng bởi thông tin có thể 3 bộ phim dự đoán bùng nổ phòng vé là “Truy sát”, “Fans cuồng” và “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” sẽ cạnh tranh nhau quyết liệt. Nhưng cuối cùng, chỉ có “Truy sát” độc chiếm khi ra mắt vào cuối tháng 4. Với tất cả kỳ vọng vào với ekip Cường Ngô - Trương Ngọc Ánh, “Truy sát” thực sự chỉ là món ăn nguội dù đã đổ một số tiền không nhỏ vào khâu quảng cáo. Kịch bản lỏng lẻo, quá ôm đồm nhân vật cùng với những pha hành động thiên về phô trương khiến bộ phim không hề dứt khoát và mạnh mẽ như cái tên. Trương Ngọc Ánh, sau “Hương ga”, tiếp tục muốn khẳng định hình ảnh “đả nữ” trong mắt khán giả nên vừa là nhà sản xuất, vừa là diễn viên chính trong “Truy sát”. Tuy nhiên, những nỗ lực của chị không thể cứu vãn một bộ phim yếu kém.
Không ồn ào, đình đám nhưng phim hành động “Lật mặt 2: Phim trường” của nam ca sĩ Lý Hải ra mắt vào tháng 5 lại chiếm được nhiều tình cảm của khán giả. Con số thống kê 15 tỷ đồng/3 ngày công chiếu cần phải kiểm chứng nhưng phản hồi tốt về bộ phim là có thật. “Biết người biết ta”, Lý Hải đã tận dụng mọi lợi thế để xây dựng một tác phẩm điện ảnh tử tế, hấp dẫn nhưng cũng không chệch ngoài mục tiêu: Kiếm tiền. Vẫn còn nhiều hạt sạn nhưng phải công nhận, “Lật mặt 2: Phim trường” mang đến những pha hành động mãn nhãn, đúng nghĩa và cái hài của phim cũng được tiết chế khá duyên, khác hẳn với nhiều bộ phim đang cố lên gân, câu khách bằng những lời thoại… đỏ mặt. “Bao giờ có yêu nhau” là một nét với trong tổng quan nửa đầu phim Việt 2016. Dường như, Dustin Nguyễn muốn thoát khỏi xu hướng chung của các thể loại phim câu khách. Phim có thiên hướng thể hiện cái tôi của đạo diễn, muốn tạo ra một tác phẩm nghệ thuật với nhiều lớp lang, ý nghĩa. Chính điều này đã tạo nên hai luồng ý kiến khen - chê sau khi bộ phim kết thúc. Người khen thì đắm chìm trong xúc cảm còn chê thì nói thẳng là chẳng hiểu đạo diễn định nói gì.
“Siêu trộm”, “Gái già lắm chiêu” và “Taxi, em tên gì” cũng là những phim xem được. Nếu “Siêu trộm” mang đến sự hiện đại trong cốt truyện, cách dựng và tiết tấu thì “Gái già lắm chiêu” lại khiến người xem bất ngờ khi “tưởng nhảm mà không nhảm”. “Taxi, em tên gì” cũng ăn khách bởi sự góp mặt của cây hài Trường Giang với sự duyên dáng trong suốt hành trình hài của mình.
Ồn ào và vô nghĩa nhất là “Vòng eo 56” của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng do Ngọc Trinh đầu tư và đảm nhận luôn vai chính. Vô nghĩa bởi thay vì bàn luận về chất lượng nội dung phim thì 80% sự việc tốn giấy mực lại đến từ những chuyện bên lề. Người ta lại mắc lỡm Ngọc Trinh và ào ào chửi, ngóng cũng như tò mò đến rạp. “Vòng eo 56” cũng chỉ nhàn nhạt, chẳng có gì nổi bật bởi nếu Vũ Ngọc Đãng đã được “đặt hàng” theo ý đồ như vậy thì có cố cũng chẳng khá hơn. Ngọc Trinh, cô gái quê Trà Vinh này đã thể hiện “quyền lực” thực sự khi vừa là nhà đầu tư sản xuất, vừa chạm ngõ điện ảnh với vai diễn chính mình cũng như tạo ra cả một chuỗi ồn ào như việc cô đã dùng nó để bước vào giới showbiz này. Với phương diện nhà sản xuất và diễn viên, Ngọc Trinh đã gây đủ chú ý.
Cảnh trong phim “Fans cuồng”.
Khán giả cũng đón chờ vai diễn của MC kì cựu Nguyễn Cao Kỳ Duyên trong “Nữ đại gia” nhưng sự lủng củng, rời rạc của tác phẩm khiến diễn xuất của nữ MC không bật lên được. Một sự quay trở lại khác là nữ đạo diễn Hồng Ngân với “Valentine Trắng” nhưng tác phẩm cũng không gây được hiệu ứng với khán giả trong đợt công chiếu. Một nhân vật khác là ca sĩ Thủy Tiên với phim “Vợ ơi em ở đâu”. Tuy nhiên, đây là màn chào sân quá tệ của cô dù đã phải vời tới tên tuổi của chồng - cầu thủ Công Vinh tiếp sức.
Sau “Mặt nạ máu” của đạo diễn Đỗ Thành An, một loạt phim Việt tiếp tục ra rạp. Tháng 12 đã có lịch cho “Vệ sĩ Sài Gòn” của nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh với Kim Lý - Thái Hòa - Chi Pu - B Trần. Một phim được trông đợi đã làm từ năm 2015, đã “chinh chiến” ở các đấu trường quốc tế cũng dự định sẽ ra rạp vào mùa hè năm 2016 của đạo diễn Phan Đăng Di là “Cha, con và…”
Sau chiến thắng ngoạn mục không thuộc về sở trường của “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, đạo diễn Victor Vũ đã có ngay một dự án theo đúng sở trường “Status” (1.000 like tôi sẽ chết). Đây là phim hình sự - điều tra, kể về tội phạm mạng xã hội và giới truyền thông. Đặc biệt, năm 2016 có 4 dự án phim điện ảnh của Nhà nước đặt hàng là: “Xã tắc” - đề tài lịch sử, cổ trang; “Địa đạo” - đề tài chiến tranh cách mạng; “Người yêu ơi” - đề tài đồng bào dân tộc thiểu số; “Không ai bị lãng quên” - đề tài các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam trong chiến tranh vệ quốc của Hồng quân Liên Xô.
Một số “đại gia” trong ngành sản xuất và phát hành phim đã có kế hoạch mở thêm nhiều cụm rạp với nhiều phòng chiếu được nâng cấp cả về chất lượng và số ghế, mở rộng thêm hệ thống rạp ở các tỉnh, thành… Như thế cũng kéo theo nhu cầu phim Việt ra rạp tăng lên, đòi hỏi các nhà làm phim cũng phải “tay năm tay mười” không thể chỉ sản xuất 30 - 40 phim/năm, mà nhiều hơn nữa.