THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:54

Vì sao khán giả chưa “phát cuồng” với phim Việt?

Không trồng cây cho người khác hái quả ?  

Một nhà chuyên môn phân tích rằng, xưa nay điện ảnh Việt Nam không có mục đích xây dựng diễn viên ngôi sao. Hầu như các minh tinh của Việt Nam, qua các giai đoạn phát triển của điện ảnh đều tự làm nên tên tuổi của mình thông qua bộ phim hay và vai diễn hay nào đó. Những năm gần đây, khi các công ty tư nhân được phép sản xuất phim, họ cũng không chủ trương xây dựng ngôi sao diễn viên, như chia sẻ tâm huyết của một nhà sản xuất phim: “Vì không sở hữu được diễn viên như ở các nước nên chẳng ai đầu tư. Nhà sản xuất phim có căn cơ thì ít, công ty làm phim cơ hội thì nhiều, nên họ chỉ cần sử dụng những gì sẵn có. Chẳng ai chịu trồng cây cho người khác hái quả”. Tư duy này khác hoàn toàn với các nước trong khu vực có nền điện ảnh phát triển căn cơ và bền vững. Họ tạo ra diễn viên ngôi sao để khai thác làm lợi cho mình trong một thời gian nhất định, theo hợp đồng ký kết giữa các hãng phim với diễn viên.

Điện ảnh Việt Nam phát triển qua nhiều giai đoạn với những thăng trầm khác nhau, nhưng ở các giai đoạn trước đã sản sinh ra những ngôi sao màn bạc, ít nhất là với công chúng trong nước. Ở thời kỳ đầu, chúng ta có những tên tuổi đáng kính, luôn được công chúng nhắc nhớ như: Trà Giang, Lâm Tới, Thế Anh, Như Quỳnh… Thời kỳ sau năm 1975 là Lý Huỳnh, Chánh Tín, Phương Thanh, Thanh Quý, Thương Tín, Thúy An, Thanh Lan… Thậm chí, thời kỳ phim thương mại lên ngôi, vào những năm thập niên 1990, điện ảnh Việt vẫn có những tên tuổi ngôi sao như: Lý Hùng, Lê Công Tuấn Anh, Việt Trinh, Diễm Hương, Hồng Ánh, Mỹ Duyên…

NSND Trà Giang vai chị Tư Hậu trong bộ phim cùng tên.

Còn bây giờ, ngôi sao điện ảnh là ai, quả thật khó kể tên. Những tên tuổi thuộc hàng ăn khách nhất của phim Việt hiện nay là các diễn viên hài kịch, đóng phim như diễn tấu hài. Những gương mặt điện ảnh thật sự lại không phải là những cái tên ăn khách.

Nhớ tên nghệ sĩ qua… thông tin trên mạng

Nhắc đến nghệ sĩ Trà Giang, người xem nhớ đến phim “Chị Tư Hậu”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Ngày lễ thánh”…; nhắc đến Như Quỳnh là nhớ đến phim “Đến hẹn lại lên”; nhắc đến Lâm Tới là nhớ đến phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Cánh đồng hoang”. Các nghệ sĩ khác cũng có tác phẩm để đời, như Thế Anh có vai trung úy Phương trong phim “Nổi gió”; nghệ sĩ Lý Huỳnh gắn với phim “Ông Hai Cũ”, “Mùa gió chướng”; Chánh Tín có “Ván bài lật ngửa”; Thương Tín có “Biệt động Sài Gòn”;  Thúy An có “Cánh đồng hoang”; Tố Uyên có phim “Con chim vành khuyên”; Lý Hùng, Diễm Hương có “Phạm Công - Cúc Hoa”… Còn bây giờ, khán giả biết tên nghệ sĩ qua những thông tin dày đặc mỗi ngày trên mạng chứ không phải nhờ bộ phim hay vai diễn họ đóng.

Diễn viên trên màn ảnh lớn và nhỏ của Việt Nam thời gian qua đều là nam thanh nữ tú, so với nhan sắc nhờ “dao kéo” của diễn viên xứ kim chi, nhan sắc diễn viên Việt hơn hẳn. Về diễn xuất, đa phần trong số họ là tài năng bẩm sinh vì không qua trường lớp diễn xuất chuyên nghiệp. Nhiều người cũng đáng được ghi nhận cả về trình độ chuyên môn lẫn sức hút khán giả, nhưng họ đều ở tuổi trên dưới 40 và chưa dễ khiến công chúng phải “phát cuồng” khi nhắc đến tên. Lớp diễn viên trẻ hơn vừa có nhan sắc vừa có tài năng như: Vân Trang, Lê Khánh, Lan Ngọc,  Khương Ngọc, Huỳnh Đông, Quý Bình, Kinh Quốc… có đủ tố chất và điều kiện để trở thành minh tinh màn ảnh, nhiều người trong số đó được đào tạo diễn xuất từ các trường chính quy. Nhưng tại sao, họ vẫn không thể trở thành minh tinh ngay chính với khán giả Việt của mình, chưa nói đến công chúng ở nước khác.

Lãng phí tài năng với tư duy “ăn xổi”

Vì có tư duy làm phim “ăn xổi, ở thì” nên việc sản xuất phim ở Việt Nam đa phần là làm theo hướng đơn giản đến mức dễ dãi. “Miễn sao tiền đầu tư càng ít, lợi nhuận càng cao là lao vào” - một nhà sản xuất đưa ra quan điểm.

Trong điều kiện như vậy, diễn viên chỉ có thể tự thân, nhưng để vụt lên thành sao được như những thế hệ đi trước hay không còn phải phụ thuộc vào kịch bản phim có hay và đạo diễn có giỏi nghề hay không để tạo ra được những tác phẩm, vai diễn đủ sức lay động lòng người. Phim Việt Nam thời gian gần đây cả điện ảnh lẫn truyền hình đa phần được làm dễ dãi từ khâu chọn kịch bản tới ê-kíp làm phim, diễn viên và các khâu khác trong dây chuyền sản xuất, nên ít có được những phim hay, chạm được cảm xúc người xem, tạo cơ hội cho diễn viên vụt sáng. Những phim được đánh giá cao về chuyên môn và thật sự mang lại cảm xúc cho người xem như “Dòng máu anh hùng”, “Chơi vơi”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Cánh đồng bất tận”, “Trúng số”… ngày càng hiếm. Vì vậy, có đến hàng trăm diễn viên mới xuất hiện dày đặc trong các phim điện ảnh, truyền hình thời gian qua, nhưng tên họ để số đông khán giả nhớ đến chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.

Có nhận định rằng, vì phim được làm trên tinh thần dễ dãi nên diễn viên cũng diễn xuất khá dễ dãi. Ngày xưa, với một cảnh quay, đạo diễn có thể yêu cầu diễn viên diễn ít nhất 10 lần để chọn ra một lần đạt nhất, còn bây giờ, để tiết kiệm tiền bạc và thời gian, đạo diễn thấy diễn đạt yêu cầu là “OK!” ngay, dù là lần quay đầu tiên. Đạo diễn thấy tốt rồi chẳng lẽ diễn viên yêu cầu được diễn lại. Chưa kể trình độ đạo diễn có hạn nên diễn viên diễn cỡ nào cũng “OK!”. Vai diễn không khai thác đến tận cùng, nhân vật lên phim nhợt nhạt trong câu chuyện nhạt nhẽo, thì dù diễn viên có đẹp trai, xinh gái và tài giỏi đến đâu cũng khó lay động cảm xúc người xem. 

PV/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh