Phim Việt: Loay hoay trong vùng trũng
- Văn hóa - Giải trí
- 16:22 - 15/12/2015
Chất lượng vẫn phập phù
Sẽ quá lớn lao khi bàn đến xây dựng thương hiệu phim Việt trên thị trường quốc tế, khi thị trường trong nước, phim Việt vẫn còn quá khiêm tốn. Cho đến nay, điện ảnh Việt Nam với công nghiệp sản xuất phim lạc hậu, manh mún và thiếu chuyên nghiệp trong tất cả các khâu. Điện ảnh Việt như một cơ thể yếu đang phải đối mặt với nhiều sức ép cạnh tranh, cần được bồi bổ bằng những chính sách vĩ mô kịp thời và hiệu quả. Thế nhưng, nhiều người vẫn tỏ ra lạc quan về phim Việt Nam, cho rằng, không ít phim Việt thời gian qua đã “đánh bại” phim nước ngoài, cả phim “bom tấn” phát hành cùng thời điểm. Nhưng nếu xét tổng thể, con số doanh thu đạt đến 100 tỉ đồng của một vài phim trong tổng số hàng trăm bộ phim Việt ra rạp thời gian gần đây, không đáng để lạc quan.
Lâu nay điện ảnh Việt Nam đang chia thành hai dòng phim, tạm gọi là phim chú trọng về nghệ thuật và phim giải trí thương mại. Phim nghệ thuật chiếu ra rạp không có khán giả. Nhiều phim trong số này đưa đi tham dự các liên hoan phim quốc tế nhưng chỉ mang về những giải thưởng có tính động viên và những lời khen xã giao là chính. Còn bán ra nước ngoài thì không ai mua, chiếu ở các rạp trong nước không có người xem hoặc không rạp nào chịu phát hành. Phim thương mại thường có doanh thu cao, thậm chí lên đến 100 tỉ đồng như “Để Hội tính” (Để mai tính 2) nhưng đây là những phim bị công luận và giới chuyên môn chỉ trích về mặt nghề, gọi là “thảm họa”. Vì vậy, dù điện ảnh Việt có phim được giải ở các liên hoan phim quốc tế, doanh thu đạt mức 100 tỉ đồng nhưng vẫn chưa thể làm nên thương hiệu và vị thế phim Việt ngay trên sân nhà. Ngoại trừ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” mới đây đạt cả hai tiêu chí: Nghệ thuật và thương mại, tạo dựng niềm tin để những người làm điện ảnh lạc quan hơn.
Cảnh trong phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”.
10 năm trở lại đây, nhờ có vốn đầu tư của nước ngoài và các nhà phát hành phim tư nhân trong nước, hệ thống rạp chiếu phim mới được xây dựng tại các thành phố lớn, biến một thị trường chiếu phim bệ rạc, với những rạp chiếu rách nát, xuống cấp, lạc hậu trở thành thị trường kinh doanh, phát hành và chiếu phim sôi động và siêu lợi nhuận.
Rạp ngoại bỏ xa rạp nội
Muốn xây dựng được thương hiệu và vị thế phim Việt có sức cạnh tranh ngay thị trường trong nước và trong khu vực, điện ảnh Việt Nam cần có chính sách vĩ mô kịp thời. Nhà nước phải giữ vai trò hỗ trợ và điều tiết bằng các chính sách hợp lý. Thành công của phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” được mọi người đưa ra để chứng minh cho cách làm đúng đắn trong chính sách tài trợ, đặt hàng của Nhà nước. Chỉ khi điện ảnh Việt Nam có nhiều phim vừa bảo đảm tính nghệ thuật vừa đạt doanh thu cao, phim Việt mới có thể tạo dựng được thương hiệu và vị thế cho mình.
Sức sản xuất phim quá yếu, phát hành phim cũng khó cạnh tranh nổi với các đơn vị ngoại. Theo Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam, thị phần chiếu phim tại Việt Nam đang nghiêng hẳn về các đơn vị phát hành phim có vốn đầu tư nước ngoài. Trong hơn 50 cụm rạp tại các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ... rạp chiếu phim có vốn đầu tư nước ngoài chiếm đến khoảng 80%. Dẫn đầu thị trường hiện nay là hệ thống rạp CGV với 27 cụm rạp có 176 phòng chiếu phủ khắp 10 thành phố lớn trong cả nước. Đứng thứ hai là Lotte Cinema - Hàn Quốc, với 16 cụm rạp. Đứng thứ 3 là Platinum (được thành lập bởi Tập đoàn Multivision từ Indonesia) với 5 cụm rạp. Trong khi đó, các nhà phát hành trong nước có hệ thống cụm rạp tạm đủ sức đối đầu với đối thủ ngoại chỉ có BHD và Galaxy. Mới đây có thêm một đơn vị trong nước gia nhập thị trường kinh doanh rạp chiếu phim và phát hành phim là Mega GS (hợp tác giữa 2 đơn vị: Saigon Media và Sóng Vàng Group).
Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam cho biết, trong tương lai gần, khoảng cách thị phần phát hành phim giữa rạp nội và rạp ngoại này sẽ còn được gia tăng nhanh hơn khi CGV, Lotte Cinema, Platinum đặt mục tiêu tăng lên hàng chục cụm rạp chiếu trong cả nước. Các đơn vị trong nước như BHD hay Galaxy cũng có kế hoạch phát triển hệ thống rạp của mình nhưng trong cuộc đua này dù nỗ lực đến mấy, nhà phát hành nội vẫn yếu thế.
Khi phần lớn thị phần chiếu phim nằm trong tay các ông chủ ngoại quốc thì phim Việt Nam khó được chia doanh thu cao (phim Việt phát hành tại các rạp của chủ ngoại phần lớn chỉ được hưởng 30% doanh thu bán vé) và chính sách ưu tiên phát hành phim Việt của Nhà nước sẽ gặp khó khăn, nhất là khi phim Việt chưa đủ sức cạnh tranh với phim nước ngoài. Đây là bài toán khó cần sớm có lời giải cho điện ảnh Việt Nam.