THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:05

Phát triển nghề công tác xã hội: Cần có luật riêng

 

Cùng với sự phát triển nhanh của nền kinh tế, Việt Nam đang phải đối mặt với các thách thức phức tạp do hàng loạt vấn đề xã hội ngày càng gia tăng như: lạm dụng trẻ em, người già neo đơn, nạn nghiện hút, mại dâm, bạo lực gia đình, thất nghiệp, di cư… Trong bối cảnh đó, phát triển một hệ thống CTXH hỗ trợ giải quyết các vấn đề xã hội là hết sức cần thiết. Đã đến lúc cần một khuôn khổ pháp luật để hình thành hệ thống CTXH chuyên nghiệp.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm chủ trì Hội thảo

Khoảng 25% người Việt có nhu cầu dịch vụ CTXH 

Theo số liệu của Bộ LĐ-TB&XH, cả nước có khoảng 25% dân số thuộc diện bảo trợ xã hội, cần được trợ giúp bởi các cán bộ CTXH. Vì thế, một trong những mục tiêu quan trọng của Đề án Phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010- 2020 (Đề án 32) là Việt Nam cần phát triển mạng lưới dịch vụ xã hội và nhân viên CTXH chuyên nghiệp. Đến năm 2020 cần đào tạo mới và đào tạo lại được 60.000 nhân viên CTXH với các trình độ khác nhau.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 32/2010 phê duyệt Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010- 2020 (Đề án 32). Tuy nhiên, đến nay nhận thấy khuôn khổ pháp lý phát triển nghề CTXH chưa được hoàn chỉnh; đặc biệt là việc xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cán bộ, viên chức, nhân viên CTXH chưa được xác định cụ thể trong một số Bộ luật, luật liên quan; các nội dung về CTXH chưa được luật hóa.

Cùng với đó, mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên CTXH còn mỏng và chưa chuyên nghiệp; đa số được đào tạo từ các ngành nghề khác hoặc thậm chí một số không được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm cho rằng, từ thực tiễn kết quả hoạt động của các mô hình, cũng như xu thế hội nhập quốc tế, rất cần một khuôn khổ pháp lý cho lĩnh vực CTXH. Theo đó, cần luật hóa những vấn đề như mã nghề, thang bảng lương, hoạt động của nhân viên, đạo đức nghề nghiệp, chức danh, việc điều chỉnh các bên, trách nhiệm của người dân, phương thức hoạt động của cán bộ tại cộng đồng, trách nhiệm của các bộ, ngành trong lĩnh vực này.

Sau 5 năm triển khai đền án 32, đến nay cả nước đã hình thành và phát triển được 413 cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập, trong đó có gần 40 trung tâm CTXH chuyên sâu. Khoảng 21 trường đào tạo nghề đã hình thành bộ môn hoặc khoa dạy nghề CTXH. Gần 100.00 người làm việc trong các lĩnh vực như: Bệnh viện, trường học, tư pháp, hội, đoàn thể… được tập huấn để xây dựng mạng lưới cộng tác viên CTXH trợ giúp người nghèo, các đối tượng yếu thể ở các cơ sở và cộng đồng.

Ông Jesper Moller, Phó Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết kinh nghiệm ở nhiều quốc gia 

Theo ông Trần Mạnh Đạt, Tổng biên tập Nhà xuất bản Tư pháp (Bộ Tư pháp), kinh tế xã hội phát triển tỷ lệ thuận với sự phát triển của nghề CTXH. Đối tượng được chăm sóc, phục vụ hiện nay của các trung tâm CTXH đều là những người có hoàn cảnh đặc biệt, là những người cần chăm sóc sức khỏe, được bảo vệ, che chở…

Chính vì vậy, ngoài kiến thức, nhân viên CTXH cần phải được đào tạo nhiều về kỹ năng mềm, có đạo đức nghề nghiệp. Việc lựa chọn nghề CTXH được cho là lựa chọn nghề của lòng nhân ái. 

Với tốc độ mở rộng đào tạo nghề CTXH trong các trường học do yêu cầu của thực tế, thời gian tới sẽ có hàng nghìn cử nhân làm CTXH chuyên nghiệp. Do đó, đã đến lúc cần có một hành lang pháp lý đầy đủ để nghề CTXH có thể phát triển, hỗ trợ giải quyết những vấn đề xã hội ngày càng gia tăng.

Luật hóa nghề công tác xã hội

Đối với nhiều quốc gia trên thế giới, nghề CTXH đã phát triển thành chuyên nghiệp và để làm được điều này đòi hỏi cần phải xây dựng một hệ thống pháp luật hết sức cụ thể về CTXH. Chính vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH đang nghiên cứu xây dựng Luật Công tác xã hội.

“Hiện nay khuôn khổ pháp lý phát triển nghề CTXH chưa được hoàn chỉnh, đặc biệt là việc xác định rõ vai trò, nhiệm vụ của cán bộ, viên chức, nhân viên công tác xã hội chưa được xác định cụ thể trong một số bộ luật liên quan như: Bộ Luật Lao động, Bộ Luật Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Con nuôi, Luật Trẻ em, Luật Người khuyết tật, Luật Người cao tuổi...”- ông Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội cho biết. 

Ông Tô Đức cho biết thêm, quá trình xây dựng khuôn khổ pháp lý khá phức tạp, cần nhiều thời gian và liên quan đến nhiều Bộ, ngành khác nhau, trong khi đó sự phối hợp liên ngành còn nhiều hạn chế. Do đó, các nội dung về CTXH đến nay vẫn chưa được luật hoá.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, ông Jesper Moller, Phó Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết kinh nghiệm ở nhiều quốc gia cho thấy vai trò, chức năng của nhân viên CTXH phải được quy định ở trong một khung pháp lý với những tiêu chuẩn đạo đức, tiêu chuẩn nghề, quy trình cấp giấy phép CTXH…

Luật pháp của các quốc gia về nghề CTXH thường quy định về các định nghĩa cơ bản về nghề CTXH, quy định về chứng nhận chuyên môn, quy trình, cơ quan quản lý việc thi chuyên môn, cấp phép, đăng ký hành nghề, quy trình đăng ký là cơ sở CTXH và xử phạt nhân viên CTXH vi phạm luật.

Góp ý và xây dựng luật, Ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ pháp chế - Bộ LĐTB&XH cũng nhấn mạnh, Việt Nam cần sớm xây dựng và ban hành văn bản pháp lý phù hợp ở tầm luật, pháp lệnh để điều chỉnh lĩnh vực mới và rất quan trọng này. Từ đó phát triển CTXH thành một nghề nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách về an sinh xã hội. Cũng theo ông Hà Đình Bốn, lĩnh vực CTXH không chỉ bao trùm cho những đối tượng yếu thế, mà toàn bộ người dân đều có nhu cầu về CTXH.

“Dự kiến, trong năm 2016-2017, Bộ LĐ-TB&XH sẽ nghiên cứu, rà soát xây dựng đề cương, chuẩn bị hoàn thiện nội dung chính của Luật Công tác xã hội, đánh giá tác động luật. Đến năm 2018 sẽ đưa vào đăng ký chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội,” - ông Hà Đình Bốn nói.

Nhân viên CTXH giúp người dân vượt qua những thách thức khó khăn nhất trong cuộc đời và tư vấn cho những nhóm cộng đồng đối phó với những căng thẳng trong cuộc sống. Chỉ khi những chính sách về vị trí việc làm, yêu cầu công việc... được quy định cụ thể, đội ngũ những người làm CTXH chuyên nghiệp mới có thể được hình thành, mục tiêu mỗi đơn vị hành chính cấp huyện có ít nhất một trung tâm công tác xã hội mới có thể thành hiện thực.

Được biết, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã có Quyết định thành lập Tổ nghiên cứu xây dựng Luật CTXH và sẽ đăng ký với Chính phủ trình Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng Luật từ nay đến năm 2020.

THANH NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh