CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:16

Hướng đến xây dựng khung pháp lý đồng bộ, phù hợp về nghề công tác xã hội

Sự tham gia của địa phương vào xây dựng chính sách còn hạn chế 

Hội thảo thu hút đông đảo các chuyên gia đến từ các Bộ, ngành; thường trực Hội đồng dân tộc, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thành viên Ủy ban các vấn đề xã hội, lãnh đạo các đoàn Đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND, Ban Văn hóa – Xã hội, Sở LĐ-TB&XH của 9 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, lãnh đạo Hiệp hội Dạy nghề và nghề CTXH… cùng một số tổ chức quốc tế khác. 

Quang cảnh hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các VĐXH của Quốc hội cho biết, là một quốc gia đang phát triển, nguồn lực còn hạn hẹp nên việc xây dựng, thực thi hiệu quả các chính sách, pháp luật về xã hội nhằm bảo đảm sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững về xã hội là một yêu cầu hết sức khó khăn đối với Việt Nam. Nhận thức được tầm quan trọng đó, Ủy ban các VĐXH của Quốc hội mong muốn mở rộng sự tham gia góp ý kiến của các đại biểu dân cử, các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học nhằm trao đổi, thảo luận để đưa ra những khuyến nghị hữu ích cho các cơ quan tham mưu, quyết định chính sách về những định hướng lâu dài trong hoàn thiện chính sách, pháp luật về lĩnh vực này.

Để bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nền an sinh xã hội tiên tiến, việc phát triển nghề CTXH đóng vai trò rất quan trọng. Với nghề CTXH chuyên nghiệp, Việt Nam có thể giải quyết hiệu quả vấn đề nghèo đói, các vấn đề xã hội, công bằng và bất bình đẳng xã hội và những vấn đề xã hội ngày càng phức tạp khác. Chính vì vậy, Đề án 32 phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010- 2020 là một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển CTXH ở Việt Nam. Đây là cơ sở pháp lý để các Bộ, ngành, địa phương, các cơ sở đào tạo và dạy nghề trong cả nước xây dựng, thúc đẩy, phát triển nghề CTXH chuyên nghiệp ở Việt Nam.

Có thể thấy, các phát biểu và ý kiến tham luận của các chuyên gia trong nước và quốc tế tại hội thảo đã tập trung thảo luận và làm rõ về kết quả triển khai Đề án 32 trong thời gian qua, trong đó nổi bật là đã xây dựng được hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hành lang pháp lý cơ bản; bước đầu hình thành hệ thống dịch vụ CTXH và đội ngũ cộng tác viên và nhân viên CTXH. Việc đào tạo nghề CTXH cũng đã đạt và vượt chỉ tiêu đề ra; công tác truyền thông có nhiều chuyển biến tích cực, có sự vào cuộc và cam kết mạnh mẽ của các lãnh đạo, góp phần làm chuyển biến nhận thức về nghề CTXH.

Đồng thời, các đại biểu cũng thẳng thẳn chỉ ra những bất cập, thách thức trong việc triển khai Đề án thời gian qua: Các văn bản pháp luật còn thiếu các quy định rõ ràng và cụ thể, tính ràng buộc chưa cao và chưa đủ tầm, hệ thống cung cấp dịch vụ công tác xã hội còn yếu, việc xây dựng trung tâm CTXH ở địa phương gặp khó khăn khi chỉ có ngành LĐ-TB&XH thực sự vào cuộc; sự tham gia của địa phương vào xây dựng chính sách còn hạn chế dẫn đến sự phù hợp, khả thi và tính hiệu lực của văn bản chưa cao. Bên cạnh đó, sự vào cuộc của các phương tiện thông tin đại chúng về CTXH còn ít, sự hiểu biết của các cấp lãnh đạo còn hạn chế, nhận thức về nghề CTXH vẫn chưa đầy đủ.

Cần lồng ghép các mô hình thực tế vào các văn bản pháp quy

Ông Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho biết, đến nay, qua 5 năm triển khai Đề án 32, việc xây dựng và ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phát triển nghề CTXH đã đạt nhiều kết quả tích cực.

“Bộ LĐ-TB&XH và các cơ quan của Quốc hội, các Bộ, ngành có liên quan đã hoàn thành nghiên cứu, rà soát pháp luật trên cơ sở đó đề xuất xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan phát triển nghề CTXH. Luật Nuôi con nuôi đã được Quốc hội thông qua, đưa vai trò CTXH vào thực hiện trách nhiệm đánh giá và giám sát việc cho nhận con nuôi. Tương tự như vậy, Luật Bảo vệ, Chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Phòng chống bạo lực gia đình cũng đang được điều chỉnh theo hướng quy định một số dịch vụ CTXH trong lĩnh vực trợ giúp cho đối tượng. Các bộ, ngành liên quan cũng đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật phát triển nghề công tác xã hội… Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật này đã tạo tiền đề pháp lý quan trọng để các bộ, ngành, địa phương từng bước phát triển nghề CTXH chuyên nghiệp tại Việt Nam”, ông Đức nhấn mạnh.

Từ thực tế nêu trên, các đại biểu cũng đưa ra nhiều khuyến nghị để thúc đẩy phát triển nghề CTXH trong thời gian tới. Về xây dựng pháp luật, cần xây dựng khung pháp lý đồng bộ, phương án cao là cần xây dựng Luật về nghề CTXH; đồng thời tiếp tục sửa đổi, bổ sung các văn bản không còn phù hợp, lồng ghép các mô hình thực tế vào các văn bản pháp quy để đảm bảo tính nhân rộng. 

Việc xây dựng các mô hình điểm cần cụ thể, rõ sự chuyên biệt, đặc thù, mang tính thu hút..., có từng mô hình cho từng ngành (y tế, giáo dục, tư pháp), theo từng cấp (xã, huyện, tỉnh); thí điểm và triển khai theo từng giai đoạn: giai đoạn đầu nên có sự lựa chọn trong việc triển khai mô hình ở đâu, cấp nào để có tính hiệu quả; trong việc triển khai các dự án, mô hình về CTXH cần cân nhắc nghiên cứu và áp dụng các yếu tố văn hóa/truyền thống để đảm bảo tính bền vững và cần đưa vào trong văn bản pháp quy.

Bên cạnh đó, cần tăng cường điều phối liên ngành và chia sẻ thông tin; có sự phối hợp tốt hơn giữa các ngành: LĐTBXH, Y tế, Nội vụ, Giáo dục, Tư pháp... Từ đó, đánh giá hệ thống chính sách, pháp luật, kinh nghiệm quốc tế về lĩnh vực CTXH, cũng như đề xuất xây dựng một khung pháp lý đồng bộ, toàn diện và phù hợp về vấn đề này.

Chính vì vậy, cần sớm xây dựng và ban hành văn bản pháp lý phù hợp - một văn bản ở tầm Luật, pháp lệnh để điều chỉnh lĩnh vực mới và rất quan trọng này, nhằm giúp những người làm CTXH phát triển cả về chất lượng và số lượng, hình thành đội ngũ chuyên nghiệp và CTXH phải trở thành một nghề đáp ứng nhu cầu thực tiễn đang đặt ra, góp phần quan trọng vào bảo đảm ổn định và phát triển bền vững đất nước; khắc phục cơ bản những vấn đề khó khăn, bất cập trong hệ thống văn bản pháp luật về CTXH hiện nay; tăng cường trách nhiệm, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 

Thông qua các quy định mới, chặt chẽ, cụ thể, bảo đảm tính hệ thống sẽ thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện nghề CTXH trong thực tiễn để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với công bằng xã hội trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; đồng thời phát huy tiềm năng của cá nhân, gia đình, nhóm, cộng đồng có khó khăn tự giải quyết vấn đề của mình và tự vươn lên trong cuộc sống.

Nguyễn Thanh/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh