THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:48

Hội nghị chuyên đề về trợ giúp xã hội và phát triển nghề công tác xã hội 2016

 

Mức độ bao phủ của chính sách TGXH tăng lên 3%

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho biết, đến nay hệ thống pháp luật và chính sách TGXH ngày càng được bổ sung và hoàn thiện. Diện thụ hưởng chính sách ngày càng mở rộng, mức hỗ trợ được nâng lên.

“Nguồn lực đầu tư phát triển các lĩnh vực TGXH và phát triển nghề CTXH ngày càng lớn, được tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước và các nguồn lực xã hội khác. Mạng lưới cung cấp dịch vụ công tác xã hội được hình thành và từng bước mở rộng, gia tăng số lượng người dân được thụ hưởng dịch vụ. Ðời sống vật chất và tinh thần của đối tượng bảo trợ xã hội và người nghèo, đồng bào DTTS từng bước được cải thiện, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân và sự ổn định chính trị- xã hội”, Thứ trưởng Đàm nhấn mạnh.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm phát biểu khai mạc Hội nghị

Ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội cho biết, trong năm 2015, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thách nhưng công tác TGXH đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đơn cử, về trợ giúp đột xuất, hỗ trợ sau thiên tai, tính đến tháng 12/2015, Chính phủ đã hỗ trợ cho 21 tỉnh với tổng số hơn 31.606 tấn gạo để cứu đói cho gần 2,1 triệu lượt người, trong đó nhiều nhất là các tỉnh: Nghệ An (4.915 tấn), Quảng Ngãi (3.381tấn), Thanh Hóa (2.868 tấn), Bình Định (2.224 tấn); Về trợ cấp xã hội hàng tháng cho các đối tượng bảo trợ xã hội, Bộ Tài chính và Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện đầy đủ các chính sách TGXH đối với đối tượng bảo trợ xã hội quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP từ ngày 01/01/2016 bảo đảm ổn định đời sống cho trên 2,643 triệu đối tượng;

Về trợ giúp người khuyết tật, theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, đến nay đã triển khai xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy chứng nhận khuyết tật cho khoảng 1.311.332 người khuyết tật. Các Bộ, ngành, UBND các tỉnh đã phê duyệt kế hoạch và tổ chức thực hiện các nội dung của Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012- 2020.

Tương tự, về phát triển nghề CTXH; TGXH và phục hồi chức năng cho người tâm thần, rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng; Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng; trợ giúp và phục hồi chức năng cho nạn nhân bom mìn… đều đạt được nhiều kết quả tích cực.

Như vậy, trong thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ LĐ-TBXH, công tác bảo trợ xã hội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội. Các chính sách TGXH ngày càng toàn diện hơn, bao trùm các nhu cầu cơ bản của đối tượng. Tư duy, nhận thức, quan điểm về TGXH đã chuyển từ nhân đạo sang việc bảo đảm quyền được an sinh của người dân. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo đồng thời huy động được sự tham gia của cộng đồng. Một số địa phương tự cân đối được ngân sách đã chủ động điều chỉnh nâng mức trợ cấp cho đối tượng cao hơn mức chuẩn chung của cả nước.

“Qua đó, số lượng đối tượng có hoàn cảnh khó khăn được hưởng trợ cấp xã hội ngày càng tăng; các cá nhân, gia đình bị thiệt hại bởi thiên tai, lũ lụt được hỗ trợ kịp thời. Đến nay, mức độ bao phủ của chính sách TGXH đã tăng lên 3%”, Cục trưởng Nguyễn Văn Hồi khẳng định.

Tiến tới hỗ trợ theo đối tượng thụ hưởng

Nhằm triển khai hiệu quả kế hoạch giai đoạn tới, tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm bày tỏ mong muốn các địa phương, đơn vị cần thảo luận rõ các nội dung: Về mặt luật pháp, cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực TGXH đang có những vướng mắc, bất cập gì. Vấn đề chuyển đổi phương thức hoạt động của trung tâm bảo trợ xã hội theo chỉ đạo của Bộ, các địa phương triển khai đến nay có gì vướng mắc. Vấn đề phát triển đội ngũ cộng tác viên CTXH theo Đề án 32, một số địa phương làm tốt, nhưng cũng có địa phương làm chưa tốt, vậy khó là ở đâu…

Theo đó, các đại biểu đại diện cho các địa phương, các trung tâm TGXH đã trình bày các mô hình hoạt động hiệu quả, cũng như nêu rõ những khó khăn hiện nay mà địa phương đang phải đối mặt. Sở LĐ-TB&XH thành phố Cần Thơ cho biết, Cần Thơ trợ cấp hàng tháng cho 33.910 đối tượng bảo trợ xã hội ở ngoài cộng đồng với tổng kinh phí hơn 106 tỷ đồng.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, bà Nguyễn Thị Hằng- Chủ tịch Hiệp hội Dạy nghề và nghề CTXH; ông Nguyễn Văn Hồi- Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội trao đổi các vấn đề quan tâm trong giai đoạn tới.

Để làm tốt hơn nữa công tác TGXH trong thời gian tới, theo Sở LĐ-TB&XH thành phố Cần Thơ, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác TGXH theo hướng mở rộng đối tượng, hạ độ tuổi được hưởng chế độ trợ cấp xã hội đối với Người cao tuổi không có lương hưu, không có bảo hiểm hoặc không có trợ cấp xã hội hàng tháng, hạ độ tuổi bắt đầu hưởng trợ cấp từ 75 tuổi…

Các địa phương khác lại có những đề xuất thiết thực đến một số ưu tiên trong lĩnh vực dịch vụ TGXH đối với trẻ em giai đoạn 2016 -2020; Đáng chú ý, Trung tâm CTXH Thái Nguyên cho rằng, thời gian tới, Bộ cần đề xuất với Chính phủ đề nghị Quốc hội xây dựng Luật CTXH, tạo dựng hành lang pháp lý cho các hoạt động CTXH cũng như nghề CTXH. “Trước mắt, Chính phủ ban hành nghị định để có cơ sở pháp lý hoạt động; cần có cơ chế phối hợp liên ngành đồng bộ và thống nhất”, đại diện Trung tâm CTXH Thái Nguyên đề xuất.

Trước các ý kiến quý báu của các địa phương, Thứ trưởng Đàm cho rằng, để thực hiện tốt hơn công tác bảo trợ xã hội, trong thời gian tới, các Bộ, ngành cần đánh giá kết quả thực hiện các luật, chương trình hành động giai đoạn vừa qua, xây dựng khung giá dịch vụ TGXH do ngân sách Nhà nước chi trả, tiến tới hỗ trợ theo đối tượng thụ hưởng chứ không phải hỗ trợ theo mô hình trợ giúp.

Với các tham luận tâm huyết của các địa phương, các mô hình hoạt động sáng tạo, có thể thấy, CTXH tại các tỉnh hoạt động ngày càng đi vào chiều sâu, có những chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao nhận thức, sự đồng cảm, chia sẻ của cộng đồng đối với CTXH nói chung. Qua đó, xây dựng được đội ngũ cán bộ làm nền tảng cho việc triển khai thực hiện CTXH tại các tỉnh. 

Trong năm 2016 và định hướng giai đoạn 2016- 2020, lĩnh vực TGXH đang tập trung thực hiện các nhiệm vụ chính:  

Nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách, pháp luật TGXH. Trong đó tập trung nghiên cứu xây dựng các chính sách như: Luật TGXH, hệ thống lại các chính sách trợ cấp xã hội, điều chỉnh mức trợ cấp xã hội tiếp cận dần với mức sống tối thiểu; Nghiên cứu, xây dựng Luật CTXH, hoàn thiện hệ thống khuôn khổ pháp lý về nghề CTXH;

Nghiên cứu, xây dựng chương trình mục tiêu phát triển hệ thống dịch vụ TGXH đối với người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần và đối tượng bị bạo lực, bạo hành; Cải cách hệ thống chi trả chính sách TGXH, bảo đảm chi trả kịp thời, đúng đối tượng và thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ công chuyên nghiệp.

Theo Quy hoạch mạng lưới các cơ sở TGXH giai đoạn 2016- 2025, phấn đấu hình thành, phát triển 461 cơ sở TGXH , với tổng quy mô phục vụ 70.000 đối tượng và năm 2020 và 140.000 đối tượng vào năm 2025.

Thanh Nhung/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh