THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:27

Nghề công tác xã hội góp phần thúc đẩy thay đổi an sinh xã hội

 

Một số hình ảnh hoạt động của Trung tâm Cung cấp dịch vụ CTXH Hà Nội trong lớp tập huấn tại cơ sở trong thời gian vừa qua.

Chặng đường vượt khó

Sau 6 năm triển khai thực hiện Đề án 32 trên địa bàn cả nước đã tạo ra sự thay đổi về nhận thức và hành động theo các quy định của công tác xã hội. Bộ LĐ-TB&XH được Chính phủ giao chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án 32; điều phối các hoạt động của Đề án 32.

Kết quả, các Bộ, ngành trung ương đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, kế hoạch thực hiện mục tiêu của Đề án; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, mục tiêu cụ thể hóa Đề án 32, chỉ đạo các cấp bộ đảng, chính quyền, đoàn thể thực hiện các nội dung, giải pháp của Đề án 32 trên địa bàn tỉnh, thành phố; bố trí ngân sách, nhân lực, cơ sở vật chất thực hiện Đề án 32.

 Ngày 19/8/2015 Liên Bộ LĐ-TB&XH, Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch 30/2015/TTLT – BLĐTBXH – BNV Quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công tác xã hội. Đây chính là căn cứ pháp lý quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương đối với viên chức ngành công tác xã hội, toàn bộ viên chức chuyên ngành công tác xã hội làm việc trong các loại hình đơn vị sự nghiệp công lập. Như vậy công tác xã hội (CTXH) đã được công nhận là một nghề ở Việt Nam.  

 Thông qua các hoạt động tuyên truyền, tập huấn về nghề công tác xã hội, nhận thức của các cấp bộ đảng, chính quyền và người dân được nâng lên. Từ sự chuyển biến về nhận thức các cơ sở giáo dục đã tổ chức đào tạo nghề công tác xã hội ở trình độ đại học, thạc sỹ;  số lượng sinh viên học nghề công tác xã hội cũng được tăng lên; các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố, đã tổ chức hàng trăm cuộc hội thảo, các lớp tập huấn về kiến thức, kỹ năng làm việc với các đối tượng xã hội. Kết quả đã có hàng ngàn cán bộ, nhân viên, cộng tác viên, cán bộ đoàn thể được tập huấn, thăm quan các mô hình công tác xã hội trong nước và quốc tế, nhiều trung tâm cung cấp dịch vụ xã hội đã được thành lập mới, một số trung tâm bảo trợ xã hội được bổ sung thêm chức năng công tác xã hội. 

Thực hiện Quyết định số 32, ngày 03/11/2010, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 154/KH-UBND thực hiện Đề án phát triển nghề công tác xã hội Thành phố Hà Nội giai đoạn 2010- 2020, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố Hà Nội và Bộ LĐ-TB&XH; Ban chỉ đạo Đề án Phát triển Nghề CTXH thành phố đã chủ động tổ chức các hoạt động tuyên truyền về nghề CTXH và các văn bản pháp luật về chính sách xã hội; Tổ chức rà soát nhu cầu đào tạo của viên chức, nhân viên, công tác viên làm công tác xã hội tại các cơ sở Bảo trợ xã hội và tại cộng đồng. Là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 32, Sở LĐ- TB&XH TP. Hà Nội đã chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về nghề công tác xã hội cho trên 5000 cán bộ, nhân viên, cộng tác viên làm CTXH đang làm việc tại các hội, đoàn thể tại các quận, huyện, thị xã và cán bộ, viên chức đang làm việc tại các cơ sở xã hội trực thuộc Sở về kiến thức, kỹ năng làm việc trực tiếp với các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương tại cộng đồng cũng như tại cơ sở nuôi dưỡng, hỗ trợ các đối tượng ổn định cuộc sống từng bước vươn lê hòa nhập đời sống cộng  đồng theo chức năng của nghề CTXH.

Để các hoạt động CTXH của TP. Hà Nội chuyên nghiệp và hiệu quả hơn, ngày 21 tháng 3/2014, UBND Thành phố đã bàn hành Quyết định số: 1541/QĐ - UBND về việc thành lập Trung tâm Cung cấp dịch vụ CTXH Hà Nội (thuộc Sở LĐ-TB&XH TP. Hà Nội). Trung tâm được UBND TP. Hà Nội bố trí trụ sở tại số 45 Bà Triệu, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, đây là địa điểm rất thuận lợi cho hoạt động cung cấp các dịch vụ trợ giúp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội và người dân có nhu cầu cung cấp các dịch vụ CTXH vì trên địa bàn quận Hà Đông có nhiều cơ sở y tế, giáo dục chất lương cao, giao thông thuận lợi. Trung tâm  ra đời đánh dấu sự quyết tâm của Thành ủy, HĐND và UBND thành phố trong việc thực hiện mục tiêu phát triển CTXH trên địa bàn Thành phố theo hướng chuyên nghiệp.

Góp phần thúc đẩy an sinh xã hội bền vững

Ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Trung tâm Cung cấp dịch vụ CTXH Hà Nội cho biết: “Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Sở LĐ-TB&XH, sự hỗ trợ, cộng tác, phối hợp của các cấp bộ đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị xã hội từ Thành phố đến các xã, phường, thị trấn, các tổ chức, cá nhân hảo tâm Trung tâm đã khắc phục mọi khó khăn hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao theo đúng quy trình của nghề CTXH”.

Là người tâm huyết, gắn bó với nghề CTXH từ những ngày đầu thành lập đến nay, ông Minh không thể nhớ hết mình đã trợ giúp cho bao nhiêu trường hợp éo le. Tuy nhiên, sau mỗi lần trợ giúp thành quả ông nhận lại là những lá thư cảm ơn với những dòng tâm sự chan chứa tình cảm người dân dành cho ông.

“Kể từ khi đi vào hoat động đến nay, Trung tâm đã thực hiện việc tiếp nhận đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp gồm: trẻ em bị bỏ rơi, nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân bị xâm hại tình dục, nạn nhân bị buôn bán, nạn nhân bị cưỡng bức lao động, người bị lạc đường có biểu hiện rối nhiễu tâm trí qua đường dây nóng 04 33 525 662 duy trì 24/24h hàng ngày kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết”, ông Minh tâm sự.

Ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Trung tâm Cung cấp dịch vụ CTXH Hà Nội phát biểu tại một hội nghị.

Được biết, Trung tâm đã hỗ trợ 130 đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp; tiếp nhận, xử lý gần 700 trường hợp, lập hồ sơ quản lý trên 500 trường hợp; thực hiện tốt công tác tham vấn, tư vấn cho trên 3000 lượt cho các đối tượng quản lý; tổ chức đào tạo 2 lớp trình độ sơ cấp nghề CTXH theo hình thức vừa làm vừa học cho 80 học viên tại Trung tâm chăm sóc, nuôi dường người tâm thần Hà Nội và Trung tâm Bảo trợ xã hội II Hà Nội, tổ chức trên 20 lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng nghề CTXH cho trên 2000 cán bộ làm công tác Lao động – Thương binh và Xã hội, cán bộ các đoàn thể chính trị xã hội tại 584 xã, phường, thị trấn.

Tổ chức các hoạt động truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng như: báo, tạp chí , đài phát thanh truyền hình Hà Nội; tổ chức các buổi truyền thông trực tiếp cho người cao tuổi, giáo viên, học sinh, sinh viên, phát hành hàng trăm ngàn tờ rơi …. Liên hệ với chính quyền, người dân cùng xác định các vấn đề cần thiết cho cuộc sống của người dân tại cộng đồng  dân cư như: vận động người dân làm sạch môi trường, kiến nghị chính quyền hỗ trợ cho các hộ dân  tiếp cận cơ chế, chính sách xã hội, tạo điều kiện cho trẻ em có khu vui chơi phù hợp với điều kiện địa phương, tổ chức các buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục…

 Bằng những việc là cụ thể, thiết thực và có hiệu quả của cán bộ, viên chức Trung tâm nhiều cá nhân, tổ chức đã biết đến các hoạt động cung cấp dịch vụ xã hội do Trung tâm cung cấp, nhiều cá nhân đã đến trực tiếp, viết thư cảm ơn về công tác tham vấn, tư vấn, trợ giúp khẩn cấp, nhiều trẻ em bị lạc, mất nguồn nuôi dưỡng.... đã được Trung tâm tham mưu, đề xuất với các cơ quan chức năng của Thành phố giải quyết chế độ như: đưa vào các cơ sở bảo trợ xã hội, chăm sóc, nuôi dưỡng, phối hợp với chính quyền địa phương, gia đình cho họ trở về hòa nhập đời sống cộng đồng, có những gia đình có mâu thuẫn gia đình, tranh chấp về quyền nuôi con..cũng đã được cán bộ trung tâm phối hợp với các tổ chức đoàn thể xã hội, các chuyên gia tham vấn, tư vấn và họ đã hòa thuận.

Qua quá trình tổ chức các hoạt động cung cấp các dịch vụ trợ giúp xã hội tại cộng đồng cho thấy nghề CTXH có vai trò rất lớn trong việc nâng cao năng lưc tự giải quyết các nhu cầu phục vụ cuộc sông cho cá nhân, cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên hòa nhập đời sống cộng đồng. Đồng thời nghề CTXH giúp cho người dân chủ động trong việc cải thiện môi trường xã hội thông qua các hoạt động kết nối nguồn lực như: tiếp cận cơ chế, chính sách nhà nước và các chính sách riêng có của địa phương, tạo cơ hội cho người dân tiếp cận các dịch vụ tư vấn, tham vấn về luật pháp,khả năng nội lực của mỗi cá nhân, cộng đồng để mỗi cá nhân, cộng đồng tự giải quyết vấn đề của mình.

Trong bối cảnh toàn cầu  hóa hiện nay, khi nền kinh tế nước ta ngày càng hội nhập sâu, rộng với nền kinh tế quốc tế, các quốc gia không chỉ liên kết về kinh tế, kinh doanh mà rất cần có sự liên kết về các hoạt động xã hội. Các nước phát triển như: Mỹ, Canada; Anh, Thụy Điển, Thái Lan, Singapore, Philippin…đều có các trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội, sự xuất hiện của Hiệp hội Công tác xã hội Quốc tế được khởi sự từ năm 1926 với sự tham gia của 116 thành viên  đã minh chứng cho sự cần thiết phát triển nghề công tác xã hội theo nền kinh tế thị trường.

 Trung tâm mới được thành lập nên cơ sở vật chất còn thiếu thốn, chưa tương thích với nhiệm vụ được giao nên trong quá trình cung cấp dịch vụ xã hội cho người dân,Trung tâm rất mong nhận được sự  hỗ trợ về kỹ năng, tài liệu kỹ thuật, trang bị cơ sở vật chất của các Bộ, Ngành Trung ương, UBND TP. Hà Nội, các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế;  các chuyên gia, các nhà khoa học, các cán bộ quản lý, các nhà hảo tâm, học sinh, sinh viên và các nhà hoạt động xã hội hãy chung tay với Trung tâm và cộng đồng tạo cơ hội ngày càng tốt hơn cho người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội ngay tại cộng đồng.

 Mọi sự hỗ trợ, phối hợp cộng tác xin mời trực tiếp đến Trung tâm hoặc liên hệ qua đường dây nóng 04 33 525 662 duy trì 24/24h hàng ngày kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết Email: [email protected] . Chúng tôi luôn luôn chờ đón quý vị.

P.TUẤN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh