THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:07

Phát triển mạng lưới đào tạo nghề gắn với phát triển của doanh nghiệp

Toàn cảnh hội thảo

PGS.TS Cao Văn Sâm, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề  cho biết : Mục tiêu chính của hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm và các chiến lược tốt để đẩy mạnh hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp (GDNN) thông qua sự tham gia của lĩnh vực tư nhân; xác định những đề xuất chính và nhu cầu của các bên tại Việt Nam để cải thiện tài chính GDNN một cách hiệu quả.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi những ý kiến, kinh nghiệm về việc huy động nguồn lực của khu vực tư nhân vào hệ thống GDNN và đây là một điều kiện chính đảm bảo hiệu quả phát triển kinh tế và xã hội trong bối cảnh sự bất ổn ngày càng tăng (thay đổi khí hậu, thay đổi công nghệ,...). Mặt khác, thảo luận xem xét các cách thức tham gia của khu vực tư nhân trong giáo dục nghề nghiệp như: Đối thoại Công – Tư, sự đóng góp đến phát triển chương trình đào tạo và quá trình đào tạo, đóng góp của khu vực tư nhân hỗ trợ tài chính cho GDNN... trên cơ sở kinh nghiệm vùng và bối cảnh Việt Nam.

PGS.TS Cao Văn Sâm trình bày kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp tại hội thảo.

 Ngoài ra, các báo cáo viên, đại biểu tham dự hội thảo cũng đã đánh giá các thách thức trong tương lai và các khuyến nghị chính để cải thiện việc tham gia của doanh nghiệp vào hệ thống GDNN tại Việt Nam.

Tại hội thảo, PGS.TS Cao Văn Sâm đã trình bày kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới, trong đó tập trung vào một số nội dung, hoạt động trọng tâm, đặc biệt là nội dung đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp là một trong những nội dung quan trọng, có yếu tố quyết định đến phát triển GDNN.

Được biết, tại Việt Nam, trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước công tác dạy nghề đã từng bước đổi mới và phát triển; đội ngũ giáo viên tăng nhanh về số lượng, cải thiện chất lượng; đa dạng hoá, linh hoạt trong tổ chức đào tạo, cơ cấu trình độ đào tạo đã được điều chỉnh hợp lý, sát với nhu cầu hơn; đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo; nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề được chú trọng, đa dạng hoá và tăng cường nguồn lực dành cho GDNN; tăng sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, thị trường lao động trong nước và khu vực.

Theo đó, mạng lưới cơ sở GDNN phát triển rộng khắp cả nước, đa dạng về loại hình, trình độ đào tạo và mô hình hoạt động với 1.989 cơ sở GDNN, trong đó có 409 trường cao đẳng, 583 trường trung cấp và 997 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Tuyển sinh năm học 2014 - 2015 đạt 2.292.834 người.

Nhìn chung, chất lượng và hiệu quả đào tạo giáo dục dạy nghề đã chuyển biến tích cực; đào tạo từng bước chuyển từ hướng "cung" sang hướng "cầu", gắn với dự báo nguồn nhân lực, dự báo về việc làm, yêu cầu của doanh nghiệp. Đặc biệt, khối doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp đòi hỏi lao động trực tiếp tay nghề cao ở các lĩnh vực công nghệ tiên tiến, do vậy đã góp phần thu hút vốn đầu tư nước ngoài; số lượng cơ sở dạy nghề được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng tăng lên qua các năm.

Theo lãnh đạo TCDN cho biết, những năm qua lao động Việt Nam đã giành nhiều huy chương, chứng chỉ xuất sắc tại các cuộc thi tay nghề khu vực và thế giới; từng bước đáp ứng được nhu cầu đội ngũ lao động qua đào tạo nghề phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và xuất khẩu lao động, qua đó góp phần đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực qua đào tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ CNH - HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước công tác dạy nghề đã từng bước đổi mới và phát triển; đội ngũ giáo viên tăng nhanh về số lượng, cải thiện chất lượng; đa dạng hoá, linh hoạt trong tổ chức đào tạo, cơ cấu trình độ đào tạo đã được điều chỉnh hợp lý, sát với nhu cầu hơn….Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, chất lượng dạy nghề đã chuyển biến tích cực, từng bước đáp ứng được nhu cầu đội ngũ lao động qua đào tạo nghề phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và xuất khẩu lao động, góp phần đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực qua đào tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ CNH - HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.

Đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo là mối quan tâm hàng đầu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam. Luật Giáo dục nghề nghiệp đã có những quy định nhằm xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp thành lập các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia hoạt động đào tạo nghề nghiệp. Ngoài ra, vai trò của doanh nghiệp trong việc phát triển giáo dục nghề nghiệp đã được đặc biệt quan tâm khi có một Chương của Luật giáo dục nghề nghiệp quy định quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp.  

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp mong muốn, thông qua Hội thảo “Giáo dục nghề nghiệp - Hướng tới sự tham gia tốt hơn của khu vực tư nhân” sẽ cung cấp cơ hội cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, cơ quan chuyên môn, các nhà tài trợ học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm để đẩy mạnh hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp thông qua sự tham gia của doanh nghiệp. Thông qua đó, xác định những đề xuất chính và nhu cầu của các bên tại Việt Nam để cải thiện tài chính giáo dục nghề nghiệp một cách hiệu quả.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu dự hội thảo.

‘Chính phủ Việt Nam sự quan tâm đến lĩnh vực GDNN cũng như sự cam kết mạnh mẽ của Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH trong việc triển khai các hoạt động, dự án mà các đối tác phát triển đã, đang và sẽ cam kết hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam đặc biệt trong việc hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ sở GDNN’, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp khẳng dịnh.

NG.HẬU – P.TUẤN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh