CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:54

Cơ hội để “xốc” lại lĩnh vực đào tạo nghề

 

Giảng viên hướng dẫn học viên sử dụng tay robot tại Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Không lo “vênh” nhau

Trước ý kiến lo ngại việc chuyển giao quản lý lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN) giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ LĐ-TB&XH sẽ có thể có sự “vênh” nhau, hai bộ đều thống nhất sẽ lập tổ công tác bàn giao giai đoạn chuyển tiếp. Ngay bây giờ, Bộ GDĐT tiếp tục xử lý các vấn đề liên quan đến tuyển sinh cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp; từ mùa tuyển sinh 2017, các quy định, quy chế tuyển sinh GDNN sẽ do Bộ LĐ-TB&XH ban hành.

Với 201 trường cao đẳng, 303 trường trung cấp chuyên nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH cũng cần có sự chuẩn bị chu đáo để tiếp nhận. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, bộ này sẽ sắp xếp hợp lý để đảm bảo nhóm nhân sự vốn của Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT) khi chuyển về Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục làm việc trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Ngoài ra, các công tác liên quan đến bàn giao sẽ hoàn thành trước ngày 31.12.2016. Từ ngày 1.1.2017, Bộ LĐ-TB&XH sẽ quản lý toàn bộ lĩnh vực giáo dục nghề.

Ông Cao Văn Sâm - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) - cho biết, hiện công tác dạy nghề vẫn vận hành và quản lý theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp. “Khi chưa có văn bản thay thế, đương nhiên chúng ta vẫn áp dụng quy chế cũ. Sắp tới, các nội dung liên quan đến Chính phủ hoặc bộ quản lý thì các nơi này phải có trách nhiệm xây dựng các nội dung hướng dẫn. Với sự vào cuộc tích cực, chắc chắn mùa tuyển sinh 2017 của các trường nghề sẽ được áp dụng quy chế mới”, ông Sâm khẳng định.

Trong cuộc làm việc mới đây, hai bộ thống nhất, những sinh viên cao đẳng tuyển sinh từ khóa 2016 trở về trước được tiếp tục học chương trình cao đẳng hiện hành cho đến khi kết thúc khóa học, được cấp bằng cao đẳng theo quy chế của Bộ GDĐT. Những sinh viên tuyển sinh từ khóa 2017 trở đi sẽ học theo chương trình mới của Bộ LĐ-TB&XH, cấp bằng cao đẳng giáo dục nghề nghiệp.

Về liên thông trung cấp - cao đẳng - đại học, việc đào tạo liên thông đối với học sinh, sinh viên thuộc giáo dục nghề nghiệp tuyển từ năm 2017 trở đi sẽ thực hiện theo quyết định mới của Thủ tướng.

Thay đổi hay là chết?

Đồng tình với việc chuyển giao công tác dạy nghề về Bộ LĐ-TB&XH quản lý, ông Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề cơ điện Hà Nội - cho rằng, đây là thời điểm lý tưởng cho việc “xốc” lại lĩnh vực đào tạo nghề. Thứ nhất, chúng ta vừa thông qua khung giáo dục quốc gia, khung trình độ quốc gia; thứ hai, hiện số lượng các cơ sở giáo dục nói chung, cơ sở dạy nghề nói riêng đang quá nhiều. “Chúng ta hãy để những cơ sở đáp ứng đầy đủ tiêu chí, yêu cầu khung giáo dục, khung trình độ quốc gia và đáp ứng được yêu cầu thực tế của thị trường lao động tiếp tục tồn tại, phát triển; song song đó chấp nhận “khai tử” các cơ sở tồn tại trên giấy, nghĩa là chỉ có cái tên, có cơ sở vật chất èo uột mà không tuyển được học sinh, không thực sự có công tác đào tạo”, ông Ngọc bày tỏ.

Cũng theo ông Ngọc, giáo dục nghề nghiệp sẽ đứng trước cơ hội lớn và tạo sự đồng bộ cao khi kết hợp hài hoà khung giáo dục và khung trình độ quốc gia. Hơn 500 trường chuyển Bộ LĐ-TB&XH quản lý, chúng ta phải xác định giáo dục nghề nghiệp xây dựng trên nền tảng cơ bản: Chú trọng kỹ năng nghề và đảm bảo đầu ra.

Về việc nhiều năm nay đa số các trường nghề trong diện “chết lâm sàng” và rất khó tuyển sinh, khó thu hút học sinh, ông Cao Văn Sâm thừa nhận và cho rằng nếu không có chính sách cốt lõi để tạo bước đột phá, các trường nghề, cơ sở dạy nghề không thể bứt phá lên được. Riêng công tác tuyển sinh, ông Sâm cho hay sẽ dựa trên các nguyên tắc của Luật Giáo dục nghề nghiệp, trên tinh thần tạo quyền tự chủ cho các cơ sở và trường nghề với hình thức tuỳ theo quy mô, nhu cầu và điều kiện thực tế, các trường tổ chức thi tuyển hoặc xét tuyển.

Theo ông Sâm, riêng nỗ lực thu hút học sinh, ngoài giải pháp phân luồng, chúng ta phải đẩy mạnh 2 việc cốt lõi. Thứ nhất, thị trường đào tạo nhân lực phải tương ứng thị trường sử dụng. Thứ hai, tăng cường lộ trình quy định các nghề, lĩnh vực qua đào tạo có chứng chỉ kỹ năng nghề mới được tham gia thị trường lao động.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh