THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:03

Hướng đi bền vững để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

 

Phải xây dựng thương hiệu cho làng nghề

Để các làng nghề phát triển theo hướng bền vững, hiện Sở Công Thương Hà Nội đang xây dựng Dự thảo Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển nghề và làng nghề. Theo đó, ưu tiên hỗ trợ các làng nghề gắn với du lịch và xuất khẩu, ngành nghề sử dụng nhiều lao động, ngành nghề sử dụng lao động trong nước. Tuy Hà Nội là địa phương có số làng nghề nhiều nhất cả nước, nhưng không nhiều làng nghề đăng ký thương hiệu. Việc không có thương hiệu đã làm giảm đáng kể sức tiêu thụ sản phẩm của các làng nghề này.

Nếu được quan tâm đầu tư nghề truyền thống góp phần vào giải quyết việc làm đáng kể cho lao động nông thôn

Ông Nguyễn Văn Trung, một nghệ nhân của làng nghề mây tre đan Phú Vinh (Phú Xuyên, Hà Nội) Cho biết: “Trong thời kỳ hội nhập đòi hỏi các làng nghề phải thay đổi cách nghĩ, cách làm sao cho phù hợp với kinh tế thị trường. Vì vậy, trong những năm qua, chúng tôi đang tích cực xây dựng được thương hiệu làng nghề, thương hiệu là mong mỏi bấy lâu nay của người dân Phú Vinh. Hiện các cơ quan chức năng đang tiến hành hoàn thiện cơ chế chính sách để làng nghề vươn xa”.

Ông Trung cho biết thêm: Xây dựng thương hiệu hoàn toàn không chỉ là đặt tên cho hàng hóa, dịch vụ, rồi đăng kí bảo hộ mà là cả một quá trình tự khẳng định mình, với sự đầu tư hợp lý và để tạo được thương hiệu làng nghề phải lấy chính khách hàng làm thước đo trong quá trình tạo dựng thương hiệu.

Ông Nguyễn Văn Quyết, chủ cơ sở sản xuất khảm trai ở làng nghề Chuyên Mỹ (Thường Tín, Hà Nội) khẳng định: “Sau khi cơ sở xây dựng được thương hiệu khảm trai Chuyên Mỹ, công việc làm ăn ngày càng thuận lợi, thị trường mở rộng khắp trong Nam ngoài Bắc…”.

Được biết, hiện nay một số làng nghề như làng gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, làng nghề Phú Vinh… cũng đã quan tâm đến khâu quảng cáo và giới thiệu sản phẩm mình, đồng thời xây dựng website, nghiên cứu đa dạng mẫu mã, đào tạo thợ giỏi để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường, đồng thời chú trọng phát triển và mở rộng sức tiêu thụ thị trường nội địa và vươn ra quốc tế.

Có nghề có việc làm ổn định

Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có gần 100 làng nghề đạt doanh thu 10-20 tỷ đồng/năm; 70 làng nghề đạt 20-50 tỷ đồng/năm. Một số làng có doanh thu cao là dệt La Phù 800 tỷ đồng/năm, gốm sứ Bát Tràng 350 tỷ đồng/năm, mộc Vạn Điểm 240 tỷ đồng/năm. 

Hà Nội có nhiều làng nghề nổi tiếng từ lâu đời như Gốm Bát Tràng, Lụa Vạn Phúc, Mây tre đan Phú Vinh, Đúc đồng Ngũ Xã, miến Cự Khê, dát vàng bạc quỳ Kiêu Kỵ, dệt Triều Khúc, dệt La Phù, thêu Đại Đồng … Làng nghề Hà Nội tập trung nhiều ở huyện Chương Mỹ (174 làng), Phú Xuyên (124 làng), ThườngTín (125 làng), Ứng Hòa (113 làng), Thanh Oai (101 làng), Ba Vì (91 làng). 


Sản phẩm đồ đồng truyền thống 

Sở KH&CN Hà Nội cho biết, chỉ riêng năm 2012, làng nghề Hà Nội đã thu hút được 739.630 lao động với 172.000 hộ sản xuất. Hoạt động trong lĩnh vực này có 2.063 công ty cổ phần, 4.562 công ty TNHH, 1.466 doanh nghiệp tư nhân, 164 hợp tác xã tham gia sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Năm 2011, thu nhập bình quân của 1 lao động sản xuất tại các làng nghề đạt 24 triệu đồng/người/năm.

Trong Quy hoạch phát triển nghề, làng nghề đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Hà Nội phấn đấu tạo việc làm cho khoảng 800.000 đến 1 triệu lao động nông thôn, thu nhập bình quân đầu người đạt 20 đến 30 triệu đồng/năm vào năm 2015, đạt 35 đến 40 triệu đồng/năm vào năm 2020 và 50-60 triệu đồng/năm vào năm 2030.

Anh Nguyễn Văn Trúc, chủ cơ sở tạc tượng ở làng nghề Nhân Hiền (Thường Tín, Hà Nội) tâm sự: “Nhờ sự quan tâm từ các cơ quan chức năng, đặc biệt chính sách hỗ trợ giúp đỡ các làng nghề xây dựng thương hiệu, hiện cơ sở tạc tượng của tôi làm ăn ngày càng phát đạt. Cơ sở từ 10 lao động năm (2008), hiện nay mở rộng sản xuất, giải quyết việc làm tại chỗ gần 50 lao động nông thôn”.

Gắn kết với du lịch hướng đi bền vững

Một trong những hướng đi của du lịch Hà Nội là mở rộng các tour du lịch làng nghề. Đây là những tour du lịch hấp dẫn bởi khách du lịch có cơ hội khám phá, tìm hiểu quy trình kỹ thuật của nghề truyền thống, thâm nhập cuộc sống cộng đồng với những phong tục, tập quán và các nghi thức phường, hội riêng của các làng nghề truyền thống.

Tại làng gốm Bát Tràng, khoảng gần 10 năm trở lại đây dịch vụ cho khách tự trải nghiệm cảm giác được nặn những sản phẩm từ đất đã xuất hiện và hiện trở thành nguồn thu nhập của một số hộ gia đình. Với vốn ban đầu không lớn nhưng thu hút được khá đông lượng khách nên các hộ kinh doanh Bát Tràng tạo được thu nhập tương đối ổn định mỗi tháng từ dịch vụ này.

 Sở VH-TT&DL Hà Nội cho biết: Nhiều tour du lịch các làng nghề truyền thống đã được xây dựng để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch như mây tre đan Phú Vinh, lụa Vạn Phúc, may da, dát vàng bạc quỳ Kiêu Kỵ, khảm trai Chuôn Ngọ, thêu Thắng Lợi, sơn mài Hạ Thái, nón Làng Chuông…
Phát triển du lịch làng nghề cũng góp phần kích thích tiêu dùng hàng thủ công mỹ nghệ, tìm đầu ra cho sản phẩm và giới thiệu tiềm năng lợi thế phát triển của làng nghề.

Sau khi mở rộng địa giới hành chính (năm 2008), Hà Nội đứng đầu danh sách số làng nghề của cả nước với 1.350 làng nghề, trong đó thành phố đã công nhận 277 làng nghề (chiếm khoảng 12% tổng số làng có nghề) và 224 làng nghề truyền thống (chiếm 67%).

PHẠM TUẤN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh