THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 06:49

Thái Thụy, Thái Bình: Nỗi niềm nghề và làng nghề trên quê lúa

Hiệu quả từ khai thác tiềm năng…

 “Người làm nghề lúc “được”, lúc “suy”. Nghề và làng nghề ở Thái Thụy nhiều năm nay phải trải qua những biến động thăng trầm của nền kinh tế thị trường cũng là điều khó tránh khỏi. Những năm gần đây, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các đơn vị sản xuất”, đó là tâm sự và trăn trở của một cán bộ phòng dạy nghề (Sở LĐ-TB&XH Thái Bình) khi tâm sự với chúng tôi.

 Trước những khó khăn, ngay từ đầu năm, cán bộ cấp tỉnh đã chỉ đạo xuống cấp huyện để phân công cán bộ xuống các xã, thị trấn, phối hợp với cán bộ khuyến công rà soát lại tình hình, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các địa phương, doanh nghiệp. Được biết, những năm gần đây huyện Thái Thụy đã triển khai quy hoạch các cụm, điểm công nghiệp, làng nghề, tạo cơ chế thông thoáng về thủ tục hành chính, đất đai, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư tại huyện. Cùng với đó, 7 đơn vị sản xuất tiểu thủ công nghiệp (TTCN) tiêu biểu cũng được lựa chọn hỗ trợ 65 triệu đồng kinh phí đào tạo nghề cho người lao động từ nguồn vốn khuyến công của huyện. Nhiều doanh nghiệp, các tổ nghề cũng tích cực tiết kiệm chi phí đầu vào, đầu tư đổi mới công nghệ, tìm đầu mối tiêu thụ sản phẩm. Do đó, nghề và làng nghề trong huyện đi vào sản xuất ổn định. 

Hiện nay, toàn huyện hiện có gần 20 nghề TTCN với hơn 5.700 cơ sở, hộ sản xuất, phân bổ ở cả 48 xã, thị trấn, bao gồm: chế biến nông hải sản, thực phẩm, mây tre đan, móc sợi, thêu ren, may mặc, sản xuất mộc, cơ khí, vật liệu xây dựng, làm hương, làm men rượu, nhôm kính, sản xuất nấm... Năm 2008 thu nhập từ ngành nghề thủ công của Thái Thụy đạt doanh thu gần 360 tỷ đồng và tạo công ăn việc làm cho khoảng 37.000 lao động ở các vùng nông thôn, tăng 3.000 lao động so với năm 2007.Thái Thụy có nghề chế biến hải sản phát triển khá mạnh. Do gần biển, có nguồn nguyên liệu dồi dào, phong phú nên nghề này được địa phương quan tâm, đầu tư phát triển, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất, như Cty Chế biến Thủy sản Thụy Hải, Công ty CP Thương mại Thủy sản Diêm Điền, Công ty TNHH Biển Đông...

Bên cạnh sự phát triển đa dạng các nghề và làng nghề ở Thái Thụy đang đối diện với nhiều thách thức

Toàn huyện hiện có gần 150 cơ sở hộ chế biến thủy sản, được tổ chức ở các xã: Thụy Xuân, Thụy Trường, Thụy Hải, Thị trấn Diêm Điền… tập trung vào các nghề chế biến cá khô, cá đông lạnh, chế biến sứa, tôm, nước mắm. Các sản phẩm chế biến của Thái Thụy không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong dân, mà hiện nay có mặt ở hầu hết các tỉnh thành trên cả nước, một số sản phẩm được xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản, như: sứa muối, tôm- mực đông lạnh, cá mai tẩm gia vị.... Doanh số chế biến hải sản năm 2008 đạt 45 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 2.000 lao động.

Cùng với nghề chế biến hải sản thì nghề chế biến nông sản thực phẩm cũng phát triển khá mạnh với 2.530 cơ sở, hộ chế biến thực phẩm, rau quả, lương thực, bún bánh, nấu rượu, giết mổ ở hầu hết các xã, thị trấn. Toàn huyện hiện có 380 tổ, cơ sở gò, hàn, sửa chữa máy nông cụ giải quyết việc làm cho khoảng 900 lao động. Một số doanh nghiệp lớn đã đầu tư vào lĩnh vực đóng tàu, như Công ty Công nghiệp Tàu thủy Diêm Điền, Công ty CP Đại Dương, Công ty TNHH 27/7 Xuân Bắc cũng tạo việc làm cho gần 1.000 lao động trực tiếp, và hàng ngàn lao động gián tiếp làm các nghề dịch vụ liên quan. Các ngành nghề may mặc, mộc, vật liệu xây dựng... cũng được duy trì và phát triển khá ổn định, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng và tiêu thụ hàng hoá ở các vùng nông thôn. 

Đến thách thức cần tháo gỡ

     Chính sự phát triển mạnh mẽ của các nghề đã góp phần hình thành nên nhiều làng nghề và nhiều doanh nghiệp trong làng nghề. Đến nay, Thái Thụy đã có 26 làng nghề và 1 xã nghề là Thụy Hải được UBND tỉnh cấp bằng công nhận. Năm 2008, riêng giá trị sản xuất của các làng nghề đạt trên 190 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2007.  Tuy nhiên, Bên cạnh sự hình thành phát triển nghề và làng nghề trên đất biển cũng đang gặp nhiều khó khăn. Nhóm nghề thủ công mỹ nghệ như mây tre đan, móc sợi, thêu ren là những nghề những năm trước thu hút nhiều lao động nông nhàn nhất,  nhưng nay lại sản xuất cầm chừng do không xuất khẩu được hàng. Một số làng nghề đã được UBND tỉnh cấp bằng công nhận, như làng nghề làm lưỡi câu, nghề nón, làm vó lưới, nghề chiếu cói… sản xuất đình trệ do không tìm được đầu mối tiêu thụ sản phẩm.

Hoạt động sản xuất của hầu hết các làng nghề chủ yếu phát triển theo chiều rộng, chưa có chiều sâu, quy mô nhỏ lẻ manh mún, công nghệ sản xuất lạc hậu nên sức cạnh tranh của sản phẩm chưa cao, dẫn đến giá nhân công trả cho người lao động thấp, nhiều người bỏ nghề ra thành phố kiếm việc làm khác. Để vực dậy sản xuất, thúc đẩy nghề và làng nghề phát triển bền vững, ngoài sự quan tâm hỗ trợ của các cấp chính quyền cần có sự tính toán quy hoạch các nghề mũi nhọn, bên cạnh đó cần tính toán lâu dài đầu ra cho sản phẩm làng nghề./.

THANH NGỌC

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh