THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 11:00

Tiếng “thở dài” ở làng nghề lụa lâu đời nhất Việt Nam

Nỗi lo thất truyền nghề cổ

Với mục đích tìm hiểu việc giữ gìn và phát huy nghề lụa cổ xưa và nay, chúng tôi đã tìm đến nhà nghệ nhân Phạm Khắc Hà, đồng thời là một trong những người sáng lập Hiệp hội làng nghề lụa Vạn Phúc . 

Chứng kiến những thăng trầm của làng nghề, nghệ nhân Hà luôn trăn trở về câu hỏi: Làm sao gìn giữ và phát huy được nghề cổ của ông cha để lại. Ông Phạm Khắc Hà nhẩm tính: “Nghệ nhân nghề dệt lụa ở Vạn Phúc ngày càng ít đi, hiện chỉ có 6 nghệ nhân được nhà nước công nhận, các nghệ nhân đều là những người tuổi cao, sức yếu; Nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh (gần 80 tuổi), nghệ nhân Đỗ Thị Tâm (70 tuổi)…”.

Ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Vạn Phúc giới thiệu sản phẩm lụa. 

Nếu như cách đây chỉ vài chục năm, làng lụa Vạn Phúc, có khoảng 1.500 khung cửi thì hiện tại, số hộ còn dệt lụa và số khung cửi ở làng chỉ còn đếm trên đầu ngón tay,số khung cửi có chăng cũng chỉ hoạt động cầm chừng.

Ông Đỗ Văn Hiển, nghệ nhân làng nghề cho biết: “Sản phẩm lụa, the của làng mặc dù vẫn được thị trường yêu thích, giá trị ngày công vẫn rất cao (đạt 200-300 nghìn/ngày công) nhưng số hộ bỏ nghề ngày một nhiều”. Nguyên nhân là do nghề này cần phải có đất rộng để đặt khung dệt, nhưng hiện tại các hộ làm nghề vẫn chủ yếu tại nhà, diện tích đất ở ngày càng thu hẹp, bởi đô thị hóa, trong khi dệt lại tạo ra tiếng ồn lớn.

Nhiều nghệ nhân làng lụa đã cao tuổi nhưng đội ngũ kế cận lại không mặn mà với nghề

Có một thực tế đáng buồn nữa là giới trẻ hiện nay không mấy người thích học nghề dệt này bởi thời gian, không gian cả ngày bó hẹp bên khung cửi, ít có cơ hội giao tiếp với bên ngoài. Một thực trạng buồn tại Vạn Phúc, nhiều thợ dệt, thợ nhuộm lâu năm đã bỏ làm lụa truyền thống để theo nghề khác, vì “không thể sống được với nghề”. Nguyên nhân thì có nhiều song lý do khách quan vẫn là sức tiêu thụ vải lụa tơ tằm thấp khiến thu nhập của người thợ rất bấp bênh.

Còn đó nỗi lo…

Hiện tại, Vạn Phúc còn gần 200 gia đình đang làm nghề, trong đó gần một nửa làm theo thời vụ. “Tình hình nguyên vật liệu, giá cả vật tư nâng cao đã có ảnh hưởng đến sản lượng của người dân Vạn Phúc. Cho nên, có một số gia đình không đảm bảo được thu nhập cũng đã phải chuyển sang một số nghề khác, để giải quyết tình hình kinh tế của gia đình”,  ông Hà cho biết.

Khó khăn mà người dệt lụa Vạn Phúc đều biết nhưng “lực bất tòng tâm”, đó là nguồn nguyên liệu và đầu ra cho sản phẩm. Người dệt lụa Vạn Phúc phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung nguyên liệu, trong khi tốc độ đô thị hóa ở các địa phương ngày càng cao, người dân bỏ trồng dâu nuôi tằm và diện thích trồng dâu càng giảm, sự trà trộn của lụa Trung Quốc cũng là một mối lo thường trực.

Không ít máy dệt phủ bụi vì hoạt động cầm chừng

Được biết, năm 2009, giá 1kg tơ tằm nguyên liệu khoảng 450.000 đồng, nay là 1,1-1,2 triệu đồng. Một chiếc áo lụa cần tới 2,3 - 2,5m lụa, tương ứng với giá 500.000 - 1 triệu đồng. Trong khi các sản phẩm lụa khác kém chất lượng, chẳng hạn như lụa Trung Quốc chỉ có giá 60.000 - 150.000 đồng/sản phẩm.

Các vùng trồng dâu nuôi tằm giờ chỉ còn một vài địa phương như ở Thái Bình, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng... Tuy nhiên nguồn cung này cũng không ổn định. Bà Nguyễn Thị Liên, người có hơn 40 năm làm nghề dệt lụa ở Vạn Phúc cho biết: “Nguyên liệu nhập bây giờ chủ yếu có 2 nơi là Bảo Lộc và Vĩnh Phúc, nhưng cũng không ổn định lắm. Địa phương bây giờ cũng không còn đất nữa để trồng dâu nuôi tằm.”

Trên cương vị Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề lụa Vạn Phúc, ông Phạm Khắc Hà luôn trăn trở nhất chính là truyền nghề và mấu chốt là truyền cho ai. Bởi lao động thủ công trong làng nghề truyền thống chủ yếu dựa vào sự khéo léo, óc sáng tạo và đức tính nhẫn nại, cần cù. Nhưng hiện tại việc đào tạo nghề ở các làng nghề vẫn theo lối truyền nghề đơn lẻ trong các hộ gia đình, chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho làng nghề để phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

Khách thăm quan làng lụa

 Các nghệ nhân cao tuổi có tay nghề cao muốn truyền nghề cho lớp con cháu nhưng không có người học. “Nếu không vào được đại học thì các cháu cũng chọn học các nghề khác như: Nấu ăn, điện tử, kế toán… rất ít người học nghề truyền thống”, ông Hà cho biết. Theo ông Hà, từ năm 2012-1203 Hiệp hội làng nghề đã phối hợp với Trung tâm khuyến công, Phòng  LĐ-TB&XH quận Hà Đông tổ chức hai lớp dạy nghề cho lao động địa phương, nhưng con số theo học rất nhỏ giọt, mỗi lớp có 30 học viên, hầu hết học viên đều học nghề sửa chữa máy dệt chứ không học nghề dệt.

Không ít lao động đã đắn đo khi học nghề truyền thống ở các làng nghề, bởi phải mất một thời gian dài mới thành thục, trong khi nhiều nghề khác đem lại thu nhập ngay cũng là nguyên nhân khiến nhiều lớp dạy nghề ở nông thôn mở ra không thu hút được cả học viên chứ chưa nói đến giữ chân lao động ở lại với nghề.

Nhiều nghệ nhân tuổi cao sức yếu lo thất truyền nghề cổ

Làng lụa Vạn Phúc giờ không còn ồn ào tiếng thoi đưa. Bên bờ sông Nhuệ cũng vắng những dải lụa màu phấp phới trong nắng mà thay vào đó là tiếng ồn ào của xe cộ và những dãy nhà trọ đang dần thế chỗ. “Tiếng thoi đưa” của Vạn Phúc chỉ còn trong câu câu hát. Trước những thăng trầm của kinh tế thị trường, sự cạnh tranh của hàng kém chất lượng, hơn ai hết, chính người Vạn Phúc sẽ quyết định sự hưng thịnh của làng nghề mà ông cha đã truyền lại.

Tối 13/3 /2014, lễ đón nhận quyết định công nhận kỷ lục Việt Nam “Làng nghề dệt lụa tơ tằm lâu đời nhất còn duy trì hoạt động đến ngày nay" đã diễn ra tại đình làng Vạn Phúc, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông. Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam trao quyết định này theo giấy xác lập kỷ lục chính thức từ ngày 14/2/2014. Lụa Vạn Phúc nổi tiếng với tuổi nghề hơn 1.000 năm, sự mượt mà, hoa văn, mẫu mã phong phú. Thuở trước, loại lụa này được chọn để may quốc phục. Trong hội chợ tại Paris (năm 1932), lụa Vạn Phúc được người Pháp đánh giá là Đệ nhất tinh xảo của vùng Đông Dương.

PHẠM TUẤN

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh