THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:30

Phát triển BHXH, BHYT vùng Tây Bắc: Cần nâng mức hỗ trợ hộ nghèo

 

Tỷ lệ tham gia BHYT chưa ổn định

Vùng Tây Bắc nước ta gồm 6 tỉnh, chiếm 1/3 diện tích cả nước với trên 10 triệu dân, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và  đối ngoại của Việt Nam và có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc bộ.

Đặc biệt, đây là vùng có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, gắn bó lâu đời. Do vậy, bảo đảm an sinh xã hội (ASXH) cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là giải pháp cơ bản để giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống của nhân dân và góp phần ổn định chính trị xã hội.

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến 30/9/2017, số  đối tượng tham gia BHYT của 6 tỉnh vùng Tây Bắc là hơn 4,4 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT hơn 96% so với dân số vùng, tăng gần 200.000 người (tương ứng tăng 4,56% so với năm 2016); chiếm tỷ trọng gần 5,6% so với tổng số người tham gia BHYT trên toàn quốc. Trong đó phần lớn các tỉnh Tây Bắc đạt và vượt chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ BHYT so với Quyết định 1167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trong 9 tháng năm 2017, số người tham gia BHXH tự nguyện là hơn 10.200 người, tăng 12% so với năm 2016. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế nổi lên như người tham gia BHXH tự nguyện chưa hiểu đầy đủ về chính sách, thiếu thông tin về chính sách pháp luật, tập trung ở các đối tượng người lao động tự do ở khu vực phi chính thức, có thu nhập thấp, việc làm không ổn định.

 

Tham gia BHXH tự nguyện, BHYT gia đình khu vực Tây Bắc còn thấp so với tiềm năng chung của toàn vùng.

 

Bên cạnh đó, người lao động chưa có thói quen tham gia BHXH khi còn trẻ để hưởng lương hưu khi tuổi già. Đặc biệt trong bối cảnh Tây Bắc đến nay vẫn còn là vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao (kết quả điều tra năm 2017 của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, số hộ nghèo thuộc khu vực miền núi Tây Bắc có tỷ lệ cao nhất, khoảng trên 31%).

Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của vùng Tây Bắc cao, dẫn đến tỷ lệ tham gia BHYT có tăng (do đối tượng hộ nghèo và cận nghèo đều được ngân sách Nhà nước hỗ trợ tham gia BHYT) nhưng không bền vững. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT tại khu vực này không bền vững do sau khi thoát nghèo, những người dân này không thuộc diện đối tượng được ngân sách Nhà nước hỗ trợ tham gia BHYT, họ lại không tiếp tục tham gia, do phải tự bỏ tiền túi để mua BHYT.

Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động

Theo bà Lan, những kết quả nêu trên đã ghi nhận những nỗ lực cố gắng phấn đấu của các địa phương khu vực Tây Bắc trong công tác thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, BHYT gia đình thời gian qua. “Tuy nhiên, trên thực tế, vùng Tây Bắc vẫn còn nhiều khó khăn, hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều yếu kém. Với đặc điểm địa bàn rộng, giao thông đi lại còn nhiều cách trở, cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn lại sinh sống ở vùng sâu, vùng xa nên việc tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện, BHYT gia đình không dễ dàng”, bà Lan nhận định.

Đặc biệt, người dân chủ yếu là người đồng bào DTTS nên nhận thức còn nhiều hạn chế. Hơn nữa, đồng bào dân tộc đa phần không có việc làm thường xuyên, kinh tế không ổn định, trông chờ vào mùa vụ, thiên tai lại thường xuyên xảy ra;… “Đây là những nguyên nhân dẫn tới số người lao động và người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT gia đình khu vực Tây Bắc còn thấp so với tiềm năng chung của toàn vùng”, bà Lan nói.

Bên cạnh đó, ngoài việc tập trung phát triển hệ thống mạng lưới đại lý đến từng thôn, bản, tổ dân phố thì chính quyền địa phương, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn cần phải đôn đốc, hướng dẫn người lao động, đặc biệt là các lao động hợp đồng dưới 3 tháng, người làm việc theo hợp đồng khoán việc, thuê việc… Chỉ khi đó các chính sách BHXH, BHYT mới phát huy tối đa hiệu quả giúp bảo vệ sức khỏe nhân dân vùng cao, đảm bảo cuộc sống, giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững.

Để chính sách BHXH tự nguyện, BHYT gia đình đi vào cuộc sống của đồng bào các dân tộc khu vực Tây Bắc, góp phần tăng tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT, thực hiện tốt mục tiêu ASXH thì cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến chính sách BHXH tự nguyện, BHYT gia đình đến đồng bào dân tộc, để bà con dân tộc thấy được quyền lợi khi chẳng may gặp phải những rủi ro về sức khỏe, có tiềm lực kinh tế để ổn định cuộc sống khi hết tuổi lao động. 

THÀNH CÔNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh