THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 07:58

Ngân hàng Chính sách Xã hội giúp vùng Tây Bắc giảm nghèo

 

Hơn 32 nghìn tỷ đồng giúp người dân Tây Bắc thoát nghèo

Theo số liệu từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH), thông qua 2.528 điểm giao dịch đặt tại các trụ sở UBND cấp xã, NHCSXH đã triển khai gần 20 chương trình tín dụng chính sách và một số chương trình, dự án nhận ủy thác cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách.

Từ năm 2011 đến nay, đã có trên 2,2 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn từ NHCSXH, trong đó có trên 1,5 triệu hộ là đồng bào dân tộc được vay vốn; với doanh số cho vay đạt 44.917 tỷ đồng.

Trưởng Ban kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Đến ngày 31/8/2016, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 32.194 tỷ đồng, hiện có trên 1,2 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang vay vốn. Tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân giai đoạn 2011 - 2015 của vùng Tây Bắc là 12,6%, cao hơn bình quân chung toàn quốc là 2,8%. Đặc biệt nợ quá hạn của vùng chỉ chiếm 0,25% trên tổng dư nợ, thấp hơn bình quân chung của toàn hệ thống.

Vốn tín dụng chính sách thực hiện tại vùng trong giai đoạn 2011 - 2015 đã góp phần giúp trên 318.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm mới cho gần 114.000 lao động, trong đó gần 6.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp trên 121.000 HSSV hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 681.000 công trình cung cấp nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; hỗ trợ xây dựng gần 61.000 căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại vùng Tây Bắc, trong đó, có gần 360 căn nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung (Thanh Hóa và Nghệ An)…; góp phần đáng kể đưa tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn giai đoạn 2011 - 2015 tại vùng giảm từ 34,58% (cuối năm 2010) xuống còn 14,97% (năm 2015), trong đó, 45 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a giảm từ 57,52% (năm 2010) xuống còn 26% (năm 2015).

Thông qua việc tổ chức hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, hoạt động của NHCSXH đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, phát triển nguồn nhân lực, giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu; tập hợp lực lượng, phát triển hội viên của các tổ chức chính trị, xã hội; Thực hiện nhiệm vụ ổn định chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn.

Đặc biệt ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, việc cho vay ưu đãi, kề vai sát cánh với hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn có tác động quan trọng đối với việc giữ đất, giữ biên cương Tổ quốc; thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội theo định hướng của Đảng và Nhà nước.

Đặt chính sách đối với hộ đồng bào dân tộc làm trọng tâm

Ngân hàng chính sách xã hội góp phần tích cực giảm nghèo vùng Tây Bắc.


Các tỉnh miền núi khu vực Tây Bắc như: Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hoà Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang và 21 huyện phía tây của 2 tỉnh Thanh Hoá và Nghệ An có chung đặc điểm là đất đai rộng, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, giao thông khó khăn, hạ tầng còn nhiều hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo cao. Vì vậy, nguồn vốn của Nhà nước thông qua NHCSXH, với các ưu đãi về lãi suất, thời hạn vay vốn, thủ tục giải ngân, đã tạo động lực quan trọng, giúp người dân phát triển sản xuất, kinh doanh nhằm đẩy nhanh xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu ở địa bàn miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa.

Phát biểu tại hội nghị, Trưởng Ban kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của hệ thống NHCSXH. Đây là điểm sáng trong thực hiện chính sách giảm nghèo và các chính sách xã hội khác, không chỉ góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển mặt kinh tế - xã hội mà còn giúp ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cụ thể, NHCSXH đã huy động các nguồn lực, đáp ứng cơ bản các nhu cầu của người vay, nâng cao chất lượng tín dụng. Đã hình thành mô hình tổ chức quản trị đặc thù và hiệu quả, từ Hội sở chính xuống tới các Tổ tiết kiệm và vay vốn ở các thôn, bản. Hội đồng quản trị được tổ chức đến cấp huyện, có sự tham gia của các chủ tịch xã. Bộ máy điều hành được xây dựng gọn nhẹ; công tác quản lý tín dụng chính sách có nhiều đổi mới. Xây dựng và thực hiện thành công phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách đặc thù, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn ở địa phương.

Tuy nhiên, việc vay vốn ở nhiều địa phương các tỉnh miền núi, vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, hạn chế. Chất lượng và hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội chưa cao; chưa đáp ứng được mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững (tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vùng Tây Bắc còn cao gấp ba lần cả nước). Nguồn vốn địa phương của các tỉnh trong vùng Tây Bắc dành để cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn còn hạn chế; việc phối hợp với hoạt động khuyến nông và tiêu thụ sản phẩm chưa tốt…

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội, NHCSXH cần nghiên cứu, rà soát các cơ chế, chính sách tín dụng còn tồn tại bất cập để sửa đổi, bổ sung, bảo đảm phù hợp với thực tế. Đặc biệt là các chính sách đối với hộ đồng bào dân tộc cần đi vào trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào địa bàn cụ thể (huyện, xã), bám sát thực tiễn, gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Tập trung và tăng cường cho vay các chương trình về giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, cho vay hộ nghèo, cho vay theo dự án, tăng cường liên kết thông qua mô hình trang trại, nông trại, hợp tác xã, nhóm hộ gia đình để có tác dụng lan tỏa về kinh tế, tạo việc làm, phát triển kinh tế địa phương. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm toán, chấp hành đúng các chế độ, chính sách, quy định của Nhà nước, tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu thấp, góp phần nâng cao hiệu quả của các chính sách tín dụng ưu đãi hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách vươn lên, thoát nghèo, giảm tệ nạn tín dụng đen ở khu vực nông thôn.

Vân Khánh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh