THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 01:43

Đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững vùng Tây Bắc

 

Ông Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Đại học Quốc gia Hà Nội là mô hình đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao đầu tiên ở Việt Nam, được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu, đúc kết, học tập kinh nghiệm có sàng lọc mô hình các đại học danh tiếng trên thế giới.

 

Ông Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội báo cáo tại buổi làm việc với Trưởng ban Kinh tế T.Ư.


Cơ chế quản trị đại học tiên tiến đặt dưới sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ tạo điều kiện cho Đại học Quốc gia Hà Nội phát huy được quyền tự chủ cao trong mọi hoạt động, vừa thực hiện được sự liên thông, liên kết vừa phát huy tính sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của từng đơn vị thành viên và trực thuộc, đáp ứng nhanh yêu cầu đào tạo chất lượng cao, trình độ cao.

Từ năm 2013, Đại học Quốc gia Hà Nội đã triển khai “Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” với mục tiêu: Xác định luận cứ khoa học cho các mô hình phát triển kinh tế - xã hội phù hợp đặc thù các tiểu vùng, liên vùng, góp phần cải thiện và từng bước nâng cao mức sống của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc; Đề xuất, chuyển giao các giải pháp khoa học và công nghệ phù hợp nhằm sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; Xác định nhu cầu đào tạo nhân lực và đề xuất giải pháp đào tạo phù hợp cho phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững vùng Tây Bắc…

Sau một thời gian triển khai thực hiện, các kết quả nghiên cứu ban đầu của Chương trình đã bám sát mục tiêu; được tách chiết để chuyển giao các tỉnh thông qua việc góp ý Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ 14 tỉnh thuộc vùng Tây Bắc; báo cáo trong các hội nghị, hội thảo khoa học và trong các buổi làm việc với lãnh đạo các địa phương.

Các hoạt động của Chương trình đã góp phần giúp địa phương dần thay đổi nhận thức, coi việc lựa chọn ứng dụng khoa học và công nghệ là khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương… Trong quá trình thực hiện, việc phối hợp giữa Đại học Quốc gia Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban Chỉ đạo Tây Bắc và Ban Chủ nhiệm Chương trình rất hiệu quả.

KH-CN và GD-ĐT là quốc sách hàng đầu 

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc nhấn mạnh, hoạt động nghiên cứu khoa học đã có nhiều thành tựu nổi bật với nhiều sản phẩm khoa học và công nghệ hoàn chỉnh được chuyển giao, phục vụ thực tiễn. Đặc biệt, Đại học Quốc gia Hà Nội đã và đang được triển khai hiệu quả “Chương trình khoa học và công nghệ cấp Nhà nước phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” với nhiều sản phẩm cụ thể được hoàn thành và chuyển giao, được các đơn vị ứng dụng đánh giá tốt.

 

Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình trao quà lưu niệm cho Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn.

 

Ban Kinh tế T.Ư và Ban Chỉ đạo Tây Bắc ủng hộ về chủ trương các đề xuất của Đại học Quốc gia Hà Nội liên quan tới: ưu tiên nguồn lực và chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ Dự án xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hoà Lạc; cơ chế, chính sách thu hút nhân tài; cơ chế, chính sách phát triển Đào tạo và Khoa học công nghệ; tiếp tục triển khai “Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” giai đoạn sau năm 2018. 

Ông Bình đề nghị có báo cáo đánh giá toàn diện về kết quả Chương trình giai đoạn 2013 - 2018 và đề xuất tiếp tục triển khai sau năm 2018, tập trung vào các nội dung như: xây dựng cơ ở dữ liệu vùng; các đề tài nghiên cứu về vấn đề trồng rừng, phát triển du lịch, nghiên cứu giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của Tây Bắc.

Ông Bình yêu cầu Ban kinh tế T.Ư và Ban Chỉ đạo Tây Bắc tiếp tục phối hợp với Đại học Quốc gia để có các cơ chế phù hợp tạo đột phá để tiếp tục phát triển trong thời gian tới, thực sự trở thành trung tâm đào tạo hàng đầu, đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

THANH NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh