CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:00

Phật hoàng Trần Nhân Tông trên sân khấu cải lương

 

“Vua Phật” là tác phẩm sân khấu ca ngợi công đức vị “Vua đời- Vua đạo” Trần Nhân Tông. Ngài là con trưởng của đức vua Trần Thánh Tông và Nguyên Thánh Hoàng Thái hậu, từ nhỏ đã thông minh, hiếu học, thông tỏ đạo Phật. Năm 16 tuổi, Trần Nhân Tông được lập làm Thái tử, 21 tuổi lên ngôi Hoàng đế. Mặc dù bận việc nước, nhưng Hoàng đế Trần Nhân Tông luôn quan tâm đến đạo Phật và học thiền.

Sau 2 lần đánh tan quân xâm lược, giữ yên bờ cõi đất nước, năm 1293, Hoàng đế trao ngôi lại cho con trai là Trần Anh Tông. Tháng 10 âm lịch năm 1299, Hoàng đế xuất gia, tìm con đường giúp dân giúp nước qua tu đạo theo phương châm “Dựng đạo, tạo đời”. Hoàng đế đã lên núi Yên Tử tu hành, rồi lập ra Thiền phái Trúc Lâm để phù hợp điều kiện tu hành của người Việt. Từ năm 1304, Hoàng đế đi khắp nơi dạy dân tu hành thập thiện, mở rộng bang giao với các nước lân cận. Ngày 1/11 âm lịch năm 1308, Ngài viên tịch, thọ 51 tuổi, tôn hiệu là Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu đà Tĩnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Tổ Phật. Trần Nhân Tông được người đời tôn là vị “Vua đời- Vua đạo”, một nhân cách sáng ngời, trí đức siêu quần đã để lại sự nghiệp vĩ đại trong cả đời và đạo.

Cảnh trong ở cải lương “Vua Phật”.

NSƯT Triệu Trung Kiên, đạo diễn tác phẩm cho biết, vở cải lương như nhắc lại những giá trị lịch sử của đất nước, lịch sử Phật giáo của Việt Nam để người dân có thể hiểu thêm và tự hào, qua đó góp phần hun đúc ý chí độc lập tự cường của mỗi người dân Việt Nam. “Những câu chuyện kể về Phật Hoàng phải là những câu chuyện giản dị nhất, chân thực và nhiều xúc cảm nhất. Nhóm sáng tạo chỉ biết kể về Ngài bằng một câu chuyện thực, bằng một cái tâm trong sáng nhất trong lòng ngưỡng mộ đối với Ngài. Chúng tôi không dùng thủ pháp, cố gắng đem rất nhiều ngôn ngữ nghệ thuật vào để cho khán giả thấy rằng ngoài một câu chuyện giản dị về Vua Phật, thì họ đang được thưởng thức một bữa tiệc chay thông qua ngôn ngữ mỹ thuật, múa, âm nhạc và đặc biệt là cách kể chuyện”, NSƯT Triệu Trung Kiên nói

Cũng theo NSƯT Triệu Trung Kiên, vở “Vua Phật” ra đời là một “duyên may trong duyên đời”, khi tình cờ ông gặp gỡ với TS Bùi Hữu Dược, là tác giả của tác phẩm cùng tên. Trước đó, TS Bùi Hữu Dược đã xem và đánh giá rất cao vở cải lương “Mai Hắc Đế”, từ đó, ông mong muốn đưa được tác phẩm tâm huyết của mình lên sân khấu cải lương. Có thể nói “Vua Phật” là một sự “thử sức” mới của Nhà hát Cải lương Việt Nam khi giao cho một ê kíp rất trẻ thực hiện, gồm: Nghệ sĩ Minh Hải (vai Trần Nhân Tông hồi I), Quang Khải (vai Trần Nhân Tông hồi II), Văn Đáng (vai Trần Anh Tông), Hoàng Tùng (vai Trần Thánh Tông)... cùng sự tham gia của các sinh viên trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, các nhà sư đến từ Học viện Phật giáo Việt Nam... Đặc biệt, khi xây dựng hình tượng nhân vật Phật Hoàng Trần Nhân Tông, ê kíp đã tôn trọng tất cả những dữ kiện lịch sử mà tác phẩm “Vua Phật” đã thể hiện, chỉ một vài chi tiết rất nhỏ  được hư cấu để hấp dẫn người xem, giúp họ cảm nhận được đây là một tác phẩm nghệ thuật.

Được biết, sau khi ra mắt tại Hà Nội, vở cải lương “Vua Phật” sẽ được biểu diễn phục vụ công chúng tại các Trung tâm văn hóa Phật giáo, các đình, chùa trên cả nước.

NGUYỄN LÂM/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh