Bản anh hùng ca về vị Hoàng đế họ Mai
- Tây Y
- 04:27 - 02/01/2015
Trước đó, không nhiều kịch bản sân khấu và kịch bản phim truyền hình viết về ông, sử liệu về vị Hoàng đế họ Mai cũng không nhiều. Nhưng với những nghiên cứu mới nhất, tầm cỡ của cuộc khởi nghĩa Hoan Châu do Mai Thúc Loan lãnh đạo, đã đem đến 10 năm độc lập dưới thời Bắc thuộc. Vì thế, sức ép của một vở diễn tầm cỡ lại càng lớn, nhất là khi chỉ vừa mới khởi công, vở diễn đã nhận được sự quan tâm từ phía công chúng.
Tác giả kịch bản: PGS- TS Nguyễn Thế Kỷ; Chuyển thể Cải lương: Hoàng Song Việt; Đạo diễn: NSƯT Triệu Trung Kiên; Âm nhạc: NSƯT Trọng Đài; Thiết kế mỹ thuật: Họa sỹ Doãn Bằng. Biên đạo múa: Tuyết Minh. Diễn viên Quang Khải vai Mai Hắc Đế; Minh Lý vai Ngọc Tô - vợ Mai Hắc Đế… |
Quá ít thời gian dựng cho một vở diễn lớn
- Có quá ít thời gian để dàn dựng một vở diễn quy mô lớn, lại về nhân vật anh hùng dân tộc, anh có đảm bảo vở diễn sẽ không có sạn?
Tái hiện một cuộc khởi nghĩa lớn, trong sử nói có tới 40 vạn nghĩa binh, đoàn chỉ có thời gian 3 tháng (kể cả thời gian chuẩn bị và hoàn thiện các thủ tục hành chính) là quá ít. Thời gian cao điểm, chúng tôi phải lên sàn liên tục 3 buổi/ ngày. Thời gian gấp rút cũng khiến tôi
không dám quá cầu kỳ trong các ý đồ dàn dựng.
Vở diễn huy động tới hơn 100 diễn viên và gần 50 kỹ thuật viên. Đây là khó khăn của sân khấu, nếu cắt bỏ đi lượng người lớn, diễn cảnh chiến trận mang tính ước lệ, e rằng tác phẩm sẽ khó thuyết phục khán giả.
(Toàn bộ ảnh minh họa trong bài là quang cảnh vở diễn đang trong giai đoạn diễn tập. Vở diễn vẫn đang gấp rút hoàn thiện)
Vở diễn “Mai Hắc Đế” dự kiến sẽ biểu diễn tại lễ hội Đền thờ Vua Mai tại Nam Đàn, Nghệ An vào giữa tháng giêng âm lịch năm Ất Mùi. Bằng mọi giá trước tết chúng tôi phải dựng xong. Chỉ còn không quá 1 tháng nữa. Thời gian gấp lắm rồi.
- Đây là một trong những vở diễn có kinh phí lớn nhất của sân khấu cải lương phía Bắc, lỡ chẳng may không ra tấm ra món thì sao?
Đúng vậy, “Mai Hắc Đế” là vở diễn có kinh phí lớn nhất của Nhà hát từ xưa đến nay, với đa phần là nguồn kinh phí xã hội hóa. Đầu tư của Nhà hát cho vở diễn này là khoảng 600 triệu đồng, trong khi chi phí cho hệ thống phục trang của gần 150 nhân vật trên sân khấu đã ngốn đến 500 triệu đồng rồi.
Về thiết kế mỹ thuật, thay cho 4,5 tấm phông hậu vẽ trên vải như thường lệ, sẽ là một màn hình led lớn. Rất tốn kém, nhưng màn hình led diễn tả không gian sân khấu linh hoạt hơn, hùng vĩ hơn, tráng lệ hơn! Bên cạnh đó là sự hỗ trợ của nhiều trang thiết bị hiện đại khác. Rõ ràng khán giả thích hơn, nhưng rất tốn kém.
Dự tính với trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, chúng tôi phải chi khoảng 200 triệu đồng/đêm diễn. Với chúng tôi, vở diễn là một lễ hội.
Tôi đã bị kịch bản “Mai Hắc Đế”… quyến rũ!
- Như anh nói, triều đại Mai Hắc Đế là giai đoạn lịch sử đã lùi xa vào quá khứ. Trải qua các biến cố lịch sử, các tư liệu về ông hầu như rất ít. Điều gì ở kịch bản khiến anh “lao” vào dàn dựng?
Thực ra ban đầu tôi đã rất lo, nhưng khi có trong tay kịch bản văn học, tôi đã bị “Mai Hắc Đế” “quyến rũ”! Tư liệu về thời kỳ này tuy không nhiều, nhưng tác giả đã tái hiện một không gian văn hóa, lịch sử xã hội Việt Nam đầu thế kỷ VIII tương đối rõ nét. Đây là một kịch bản đầy đặn, với tầng tầng lớp lớp sự kiện. Vì tác giả ngoài việc là nhà quản lý, ông còn là một nhà thơ, một người am hiểu nghệ thuật, lịch sử.
Kịch bản được viết dưới dạng xen kẽ giữa văn xuôi và thơ. Lời thơ lại đẹp, chân thực mà không sáo rỗng; giầu ý nghĩa, hình ảnh mà không phô trương, nên đã góp phần làm cho “lung linh” thêm các ca từ của thể loại.
Giờ thì chỉ lo dựng không đến nơi, đến chốn thôi. Tác giả kịch bản Nguyễn Thế Kỷ cũng đã rất cầu toàn. Ông đã đưa tôi đến gặp gỡ các nhà sử học, các nhà ngôn ngữ học … để đảm bảo các dữ kiện lịch sử, phong tục tập quán cũng như ngôn từ sinh hoạt trong vở diễn sẽ được sử dụng chuẩn xác nhất.
Thật vui là các nhà sử học, ngôn ngữ học đã rất khen ngợi kịch bản. Với một kịch bản như thế, sợ dựng không tới. Vừa làm vừa lo. (Cười lớn)
- Lo lắng phải chăng vì anh không đủ tự tin khi đảm đương một vở diễn lịch sử mang tính anh hùng ca?
Ồ, không! Vở lịch sử tôi dựng cũng đã nhiều rồi! Nhưng đây là vở lớn nhất từ khi tôi làm nghề đến nay, cả về quy mô vở diễn, cả về kinh phí có được để đầu tư. Bao giờ tôi cũng mong muốn được làm vở diễn sau nhiều thách thức hơn vở diễn trước, tác phẩm sau phải thành công hơn tác phẩm trước.
NSƯT Triệu Trung Kiên, đạo diễn vở cải lương "Mai Hắc Đế"
Một nỗi lo khác là vì chuyện kịch xảy ra từ rất xa xưa, cách nay hơn 1.300 năm), phải phát huy tưởng tượng cũng như tận dụng tối đa tư liệu có được để đưa ra những giả định thuyết phục, nhằm “vá” vào những “khoảng trắng” của lịch sử. Làm được điều đó là cả những khó khăn, dựng không khéo sẽ khó thuyết phục.
Vở diễn có đến 8 cảnh, tái hiện lại cuộc đời Mai Hắc Đế từ khi chào đời, cho đến khi ông đập tan ách đô hộ của triều Đường, giành độc lập. Kịch bản tập trung vào khai thác giai đoạn từ tuổi 20 đến hơn 40 khi Mai Thúc Loan lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hoan Châu thành công. Đế quốc Đại Đường khi đó vô cùng hùng mạnh. Mai Hắc Đế chỉ là một hào trưởng bản địa, đã đứng lên liên kết được cả 32 châu ở An Nam, đồng thời kết giao được với 3 nước lân bang là Lâm Ấp, Chân Lạp, Kim Lân, với lực lượng liên quân thủy – bộ lên tới 40 vạn người, và khởi nghĩa thắng lợi vẻ vang. Được sự ủng hộ của nhân dân, Mai Thúc Loan xưng Đế, lấy hiệu là Mai Hắc Đế.
Diễn tả một giai đoạn lịch sử đặc biệt như vậy, chỉ trong hơn 2 tiếng đồng hồ, chắc sẽ không tránh khỏi khiếm khuyết. Chúng tôi chỉ biết cố gắng hết sức thôi.
Thách thức lớn, áp lực lớn!
- Phục trang về các triều đại của Việt Nam luôn vấp phải làn sóng phản đối của dư luận. Anh có mạo hiểm không, khi dựng vở với một bối cảnh hoàn toàn buộc đạo diễn phải “giả định”?
Mạo hiểm thì không, nhưng thách thức thì có. Áp lực cũng rất lớn. Áp lực từ hình tượng, đến ngôn ngữ, các dữ kiện lịch sử… Trang phục giai đoạn này cũng thế, là cả một thách thức. Ví như các phim truyền về đề tài lịch sử thời điểm gần đây thất bại nặng nề đa phần do trang phục không chuẩn, mang nhiều màu sắc của Trung Quốc, gây bức bối khi nhìn vào dàn phục trang ấy.
Nhưng tôi không cho phép mình ẩu. Ít ra thì tôi đã có bề dầy tương đối về dựng các vở đề tài lịch sử, là sở trường, nên tôi đủ bản lĩnh nhất định chăm chút về mặt phục trang. Ko để xảy ra phản cảm về trang phục. Nhà Đường thì rõ rồi, trang phục đời Đường quá rõ, nhưng phía VN, triều đại Mai Hắc Đế phải đưa ra một kiểu dáng giả định để cho mọi người có thể chấp nhận được, để khán giả tin đó là khoảng thời gian rất sâu trong lịch sử của dân tộc mình. Vẫn là những kiểu cách, cái vạt áo ấy thôi, vẫn cái tóc vấn đó… nhưng cách vấn tóc, cách may, độ chiết eo không bó sát, may liền... thì nó thành trang phục cổ, xa xưa.
Phục trang tôi làm kỹ lắm. Để diễn tả một nước đại Đường hùng mạnh, có khi chỉ cần 3 người lính nhà Đường xuất hiện trên sân khấu thôi, nhưng thiết kế phục trang phải khiên áo, giáp sắt- tốn kém vô cùng, chứ không thể “ẩu”, để anh lính mặc gì cũng được. Mặc bộ quần áo vải thường, sao thuyết phục được khán giả đấy là hình ảnh quân đội hùng cường của nhà Đường, và cũng không thể thấy hết được chiến thắng vĩ đại của khởi nghĩa Mai Hắc Đế trước binh lực không cân sức với đại Đường. Chỉ cần 3 bộ áo giáp đó thôi, cũng đã tốn kém vô cùng, nhưng nhất quyết phải đầu tư. Chỉ cần “ẩu” 1 chi tiết thôi, là vở diễn bị “đổ” ngay.
- Xây dựng một nhân vật Mai Hắc Đế sao cho thuyết phục không dễ. Mai Hắc Đế của anh là một hình ảnh như thế nào?
Tôi không thần thánh hóa nhân vật của mình. Tôi muốn đó là một Mai Hắc Đế thật bình dị, vì bản thân Thúc Loan là người anh hùng áo vải, từ một chàng trai mồ côi nghèo dần trưởng thành, rồi làm nên nghiệp lớn. Dù xưng Đế, nhưng tính nhân dân trong ông vẫn là căn bản!
Vở diễn còn có câu chuyện tình rất đẹp và xúc động của chàng trai họ Mai với Đinh Thị Ngọc Tô, con gái tài sắc của hào trưởng Đinh Thế - cha nuôi của Mai Thúc Loan. Bà là người vợ, người cộng sự tri kỷ của chồng cho đến khi qua đời. Sau đó, Mai Thúc Loan đã yêu và cưới vị nữ tướng ở một cánh quân tên là Phạm Thị Uyển. Bà là cháu ngoại của cụ Phùng Hạp Khanh, và gọi Phùng Hưng là cậu ruột.
Diễn viên Quang Khải là 1 trong 3 phương án lựa chọn của tôi, và cuối cùng tôi chọn Khải. Khải sẽ phải hóa thân vào nhân vật một người nông dân khỏe khoắn, giầu nghị lực; có lòng yêu nước nồng nàn và một ý chí quật cường. Quá trình dàn dựng, tôi đã yêu cầu nghệ sỹ Quang Khải phải tăng thể trọng lên 5kg, và Khải đã làm được sau quá trình tập luyện thể lực. Hiện nay anh ta trông đã vạm vỡ hơn trước, để có thể phù hợp với nhân vật Mai Hắc Đế.
Xin cảm ơn anh và chúc cho vở diễn thành công!
Mai Thúc Loan chính là người anh hùng đầu tiên trong lịch sử Việt Nam có chủ trương và thực hiện thành công việc liên minh với các nước láng giềng trong cuộc chiến chống xâm lược, bảo vệ chủ quyền đất nước. Điều này đã được các triều đại sau này kế thừa, học tập như trường hợp liên minh Đại Việt- Champa thời Trần trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông; hay liên minh giữa nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo với quân của nước Ai Lao (thuộc lãnh thổ Lào ngày nay). |