CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:02

Pháo cao xạ lập công trong chiến thắng 'chấn động năm châu'

Những cuộc hành quân bí mật

“Năm 1953, do yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng, gần 3.000 cán bộ chiến sĩ từ các quân, binh chủng; từ vùng hậu địch được huy động để xây dựng lực lượng binh chủng mới trong đội hình chiến đấu. Đó là Trung đoàn PCX 367 gồm 6 tiểu đoàn PCX 37mm. Phiên hiệu của Trung đoàn là 367 xuất phát từ những con số ý nghĩa này. Năm 1952, vừa tròn 16 tuổi, tôi tham gia thiếu sinh quân và chỉ một năm sau, tôi đã được gọi tham gia Trung đoàn 367 - Trung đoàn PCX chủ lực đầu tiên của quân đội ta. Là những người đầu tiên có mặt tại Trung đoàn, với tôi đó là niềm hạnh phúc và may mắn tột cùng”, ông Nguyễn Trấn, cựu chiến binh đại đội 815, Trung đoàn PCX 367 kể lại.

Cựu binh Nguyễn Trấn – chiến sỹ Điện Biên trân trọng lưu giữ kỷ vật, giấy tờ trong chiến dịch Điện Biên Phủ suốt 65 năm qua

 

Nhận nhiệm vụ mới, ông Nguyễn Trấn cùng các đồng đội đi bộ, hành quân bí mật sang Tân Dương, Trung Quốc để học chiến thuật, kỹ thuật sử dụng PCX. Cuối năm 1953, sau một thời gian huấn luyện tốt, 2 tiểu đoàn đầu tiên của Trung đoàn là 383 và 394 được lệnh về nước tham gia chiến dịch Trần Đình (mật danh của chiến dịch Điện Biên Phủ). “Trong thời gian học tập ở nước bạn, chiến sĩ trẻ như chúng tôi nào cũng chỉ có mong muốn về nước chiến đấu với “giặc trời””. Theo ông Nguyễn Trấn, trước năm 1954, quân đội ta chưa có lực lượng không quân, xe tăng và PCX cũng không có; máy bay Pháp gần như làm chủ bầu trời, đánh phá ác liệt nên quân đội Pháp xem không quân là lực lượng “con cưng”. Để bảo vệ và chi viện cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thực dân Pháp đã lấy không quân là lực lượng duy nhất làm nhiệm vụ tiếp tế quân lực, lương thực từ Hải Phòng lên Điện Biên; đồng thời ngăn chặn sự tiến công của ta. Vì thế, sự có mặt của PCX – pháo phòng không không quân có ý nghĩa quan trọng, góp phần tăng thêm sức mạnh cho quân đội của ta, là chỗ dựa cho bộ binh làm hầm tấn công và triệt phá đường tiếp tế bằng hàng không của địch.

Đi cùng 2 tiểu đoàn là 24 khẩu pháo. Từ nước bạn, các chiến sĩ ăn mặc như người Trung Quốc, đi tàu hỏa về biên giới. Các khẩu pháo được bí mật bố trí ở các toa, phủ bạt kín. Về Đồng Đăng (Lạng Sơn), pháo tiếp tục được vận chuyển qua các tỉnh miền núi phía Bắc rồi tập trung ở ngã ba Tuần Giáo (cửa ngõ phía Đông huyện Điện Biên). Từ Tuần Giáo đến Điện Biên khoảng 80km - đoạn đường thực sự khó khăn và thử thách với quân, dân ta vì phải kéo pháo vượt qua những núi, đèo hiểm trở; xung quanh gián điệp, biệt kích quấy phá, máy bay địch săn lùng trên không. Với quyết tâm cao và khí thế ra trận hừng hực, ròng rã suốt 9 đêm liền, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ dùng sức người kéo từng khẩu pháo, nhích từng cm đưa pháo vào trận địa an toàn, đảm bảo tuyệt đối bí mật và sẵn sàng tâm thế chiến đấu. Tuy nhiên, do thực tế tình hình chiến sự, Bộ Tư lệnh quyết định thay đổi chiến thuật “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, thắng chắc”, buộc các chiến sĩ kéo pháo ra và lại kéo vào. “Kéo pháo ra gian khổ gấp nhiều lần kéo vào, nguy cơ mất pháo khi tụt dốc rất lớn. Địch đã phát hiện ra đường kéo pháo của ta nên đánh phá suốt ngày đêm, nhất là những nơi hiểm trở. Những gương anh hùng cứu pháo như Tô Vĩnh Diện, Nguyễn Quang Thuận, Nguyễn Thế Vinh được nhắc đến chính là trên đường kéo phá ra.

Chiến thắng của trí tuệ quân sự Việt Nam

Sau khi kéo pháo ra thành công, ăn Tết Giáp Ngọ 1954 xong, 24 khẩu pháo tiếp tục tiến vào trận địa. Tại Nà Lời, đông bắc cứ điểm Him Lam, cách Mường Thanh hơn 3.000m, trận địa pháo được ngụy trang như những ụ rơm nằm giữa cánh đồng. Bí mật này được giữ đến phút chót. Khi giờ G được điểm – tức là ngày 13/3/1954, tiểu đoàn PCX 383 yểm trợ Đại đoàn 312 tiêu diệt căn cứ Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Chỉ một ngày sau đó, ngày 14/3/1954, đại đội PCX 815 của ông Nguyễn Trấn đã lần đầu nổ súng bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay trinh sát của giặc Pháp. Đây là chiếc máy bay đầu tiên của địch bị bắn rơi tại Điện Biên Phủ.

Du khách tham quan di tích chiến trường Đồi A1. 

 

Đến cuối tháng 3 năm 1954, toàn bộ 6 tiểu đoàn của Trung đoàn 367 đã có mặt tại “lòng chảo” Điện Biên Phủ. Sự xuất hiện của lực lượng PCX đã làm tăng thêm niềm phấn khởi, tin tưởng cho bộ đội, cổ vũ cán bộ, chiến sĩ thi đua lập công trên khắp mặt trận, đồng thời gây cho quân Pháp nỗi bàng hoàng khiếp sợ. Chúng tăng cường chống phá và mở chiến dịch “tiêu diệt PCX Việt Minh”. Trong mưa bom bão đạn của quân thù, các chiến sĩ Trung đoàn 367 hiên ngang, bất khuất nêu cao khẩu hiệu “Còn một người, còn một khẩu pháo, còn một viên đạn còn chiến đấu”, “Thà chết chứ nhất định không chịu rời mâm pháo”. Với ý chí quyết tâm đó, qua 55 ngày đêm chiến đấu ngoan cường, bộ đội PCX đã cùng các binh chủng hợp thành trên mặt trận, chiến đấu anh dũng, đập tan ưu thế tuyệt đối của không quân Pháp, chặt đứt cầu hàng không chi viện cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bám sát và bảo vệ đội hình tiến đấu của bộ binh, pháo binh, đồng thời hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ giao thông chiến dịch.

Sau 55 ngày đêm “khoét núi ngủ hầm”, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng. Cựu binh Nguyễn Trấn chia sẻ: Trong chiến thắng “lừng lẫy năm châu, trấn động địa cầu” tràn đầy tự hào, dù số lượng PCX được trang bị rất khiêm tốn so với sức mạnh không quân của quân đội Pháp nhưng Trung đoàn 367 đã bắn rơi 52 trong tổng số 62 máy bay địch bị phá hủy ở Điện Biên Phủ, trong đó có cả loại B.24 cải tiến mà Pháp thường rêu rao là “Pháo đài bay”, “không súng phòng không nào có thể bắn hạ”. Có thể nói, cùng với xe thồ, xe đẩy thô sơ, chiến thắng của chúng ta ở Điện Biên Phủ là chiến thắng của trí tuệ quân sự, lấy ít thắng nhiều… “Một tuần sau chiến thắng lừng lẫy, đại đội 815 thay mặt Trung đoàn 367 tham gia lễ mừng chiến thắng tại Mường Phăng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, Tổng tư lệnh của chiến dịch đã thăm hỏi, động viên chiến sĩ. Chúng tôi cảm động, hạnh phúc và được tiếp thêm sức mạnh” – ông Nguyễn Trấn nhớ lại.

THANH MẠNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh