Hành trình lên với vùng đất Điện Biên lịch sử
- Người có công
- 17:38 - 01/05/2019
Thành phố Điên Biên.
Cung đường Tây Bắc như một dải lụa vắt ngang những cánh rừng, triền đồi, nương ngô, làng bản thấp thoáng của đồng bào dân tộc Thái. Tròn 15 năm, tôi mới mới trở lại vùng đất in dấu chân cha ông kéo pháo vào lòng chảo cánh đồng Mường Thanh năm nào, trút xuống đầu cứ điểm của quân đội viễn chinh Pháp, bắt sống tướng Đờ Cát tơ ri 65 năm về trước, buổi chiều ngày 7/5/1954.
Dù rất bận rộn với công việc, nhưng khi nghe tôi đặt vấn đề muốn lên Điện Biên để nghe, tìm hiểu công tác chăm sóc người có công trên địa bàn, Giám đốc Sở LĐ -TB&XH tỉnh Điện Biên Nguyễn Thanh Sơn sau một giây suy nghĩ, đồng ý ngay, ông bảo: “So với sự hy sinh lớn lao của cha ông trong chiến dịch Điện Biên Phủ 65 năm về trước, công việc đền ơn, đáp nghĩa của Đảng bộ, chính quyền các dân tộc tỉnh Điện Biên đã làm, tôi nghĩ không bao giờ là đủ. Chúng tôi còn phải nỗ lực phấn đấu rất nhiều với sự hy sinh to lớn đó….”
Các đoàn khách đến viếng Nghĩa trang liệt sỹ A1 nhân kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên .
Hiện nay tỉnh Điện Biên đang quản lý 15.518 hồ sơ người có công với cách mạng. Nhiều năm qua, cùng với việc phát triển kinh tế xã hội, Tỉnh ủy, HĐND-UBND tỉnh Điện Biên đã luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và Pháp lệnh quy định Danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Bên cạnh đó, là việc duy trì và đẩy mạnh phong trào Đền ơn đáp nghĩa, rồi phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, theo năm tháng, đã không ngừng phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu.
“Đó chính là việc huy động sức mạnh của toàn xã hội tự giác cùng chia sẻ với ngành LĐ-TB&XH cùng chăm lo, phấn đấu nâng cao đời sống của người có công trên địa bàn”- Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Điện Biên Nguyễn Thanh Sơn tâm sự. Theo ông Sơn, dù tỉnh Điện Biên vẫn còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, tuy nhiên từ cuộc vận động triển khai phong trào Đền ơn đáp nghĩa, nhà tình nghĩa, vườn cây tình nghĩa, áo lụa tặng quà, áo gấm tặng mẹ liệt sỹ, chăm nuôi phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, bố mẹ liệt sỹ già yếu cô đơn…rất nhiều hoạt động tình nghĩa thiết thực nẩy nở từ thôn, bản, làng, xã trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Các phong trào tri ân, chăm sóc người có công của tỉnh đã đi sâu vào tâm khảm mỗi người dân, qua đó phát huy sức mạnh tổng hợp của cộng đồng dân cư, góp phần ồn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng.
Trưởng phòng Chính sách thương binh liệt sỹ và Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB&XH Điện Biên), chị Lò Thị Kim Thoa cung cấp thông tin vào dịp cả nước kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947- 27/7/2017) và giai đoạn từ 2013-2017. Theo đó, toàn tỉnh Điện Biên góp vào Quỹ Đền ơn đáp nghĩa 10,7 tỷ đồng, hỗ trợ 154 hộ gia đình người có công làm nhà, sửa chữa nhà ở (xây mới 44 nhà; sửa chữa 110 nhà), với tổng kinh phí 4,7 tỷ đồng. Chỉ riêng Quỹ Thiện tâm của Tập đoàn Vingroup đã hỗ trợ 28 hộ gia đình người có công trên địa ban tỉnh xây mới 15 nhà; hỗ trợ sửa chữa 9 nhà với tổng kinh phí 740 triệu đồng.
Năm 2018, các hoạt động chăm lo người có công, ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tiếp tục đón nhận hàng tỷ đồng ủng hộ từ các công ty, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh, cũng như nhiều tỉnh, thành phố cả nước. Bên cạnh đó, ngành LĐ-TB&XH Điện Biên đã chú trọng triển khai, tuyên truyền phổ biến kịp thời các chế độ chính sách về người có công đến nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tiếp nhận và giải quyết hồ sơ người có công nhanh gọn, không gây phiền hà với người dân, tổ chức chi trả trợ cấp cho người có công đúng, đủ, tận tay đối tượng.
Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Chấp.
“Gia đình chúng tôi đều được các cấp chính quyền chăm lo đầy đủ, 5 người con đều được học hành, phát triển các ngành nghề, cuộc sống như vậy là mãn nguyện rồi….”- cựu chiến binh Nguyễn Hữu Chấp, quê Phú Thọ, từng là chiến sỹ Đại đoàn 312 của Đại tướng Lê Trọng Tấn đánh cứ điểm Điện Biên Phủ năm xưa, nay đã 88 tuổi, chậm rãi trò chuyện cùng chúng tôi. Sau những năm tháng tham gia quân đội, chiến đấu đánh thắng quân viễn chinh Pháp trên mảnh đất Điện Biên, hòa bình trở lại, ông Chấp chuyển ngành sang Công ty Vật liệu xây dựng Lai Châu và gắn bó với mảnh đất lịch sử này đã hơn 60 năm. “ Đây là quê hương thứ hai của tôi, vùng đất này đã đổi thay rất nhiều, tôi vẫn đang chứng kiến sự đổi thay, đó là niềm hạnh phúc của những người từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ như tôi…”, cựu chiến binh Nguyễn Hữu Chấp chia tay chúng tôi với niềm vui tuổi già.
Đó cũng chính là hạnh phúc của các cựu chiến binh Nguyễn Văn Khôi, Đỗ Quang Dư ở xã Thanh Xương, huyện Điện Biên. Hiện, cuộc sống gia đình các bác đều khá sung túc từ mô hình trồng cây ăn quả, chăn nuôi và sự quan tâm chăm lo của chính quyền các cấp….
Ngày 7/5/2018, để đáp ứng nhu cầu đón tiếp thân nhân gia đình những anh hùng liệt sỹ, các thế hệ cựu chiến binh trong nước, quốc tế đến thăm di tích lịch sử Điện Biên Phủ, viếng mộ phần tại các nghĩa trang liệt sỹ: A1, Độc lập, Him lam, Tông khao... giáo dục truyền thống, tri ân đồng đội cựu chiến binh cả nước. Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã đề ra chủ trương và cho phép Hội Cựu chiến binh tỉnh Điện Biên huy động các nguồn vốn để xây dựng Nhà khách Cựu chiến binh. Đến nay, Hội Cựu chiến binh tỉnh Điện Biên đã tiếp nhận được 150 tỷ đồng từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đóng góp để xây dựng Nhà khách tại phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ, với 9 tầng, bao gồm 80 phòng nghỉ, các nhà ăn, nhà hội thảo, nhà thi đấu thể thao, tổng diện tích xây dựng hơn 1.700m2. |