Phạm Khắc Tâm - thương binh "tàn nhưng không phế"
- Người có công
- 21:02 - 06/08/2019
Vào những ngày đầu của tháng 7 tri ân, chúng tôi đến thăm gia đình ông Phạm Khắc Tâm, thương binh 1/4 tại thôn Mỹ Danh, xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi.
Ông Phạm Khắc Tâm, thương binh hạng 1/4.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà rộng, khang trang nằm giữa khu vườn rộng hàng trăm mét vuông của gia đình, ông Tâm không tự hào kể: Ông sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông và giàu truyền thống yêu nước tại vùng giải phóng xã Tịnh Hiệp. 23 tuổi (năm 1977) theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ và tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia, thuộc Đoàn 5501, mặt trận 579.
Trong lần tham gia chiến dịch truy quét mùa khô năm 1985 tại huyện Mô Keo, tỉnh Ratanakiri, bị vướng mìn của địch, ông Tâm bị thương nặng và mất chân trái. Được đồng đội cứu chữa, đưa xuống tuyến sau rồi chuyển về điều trị tại Bệnh viện 17 Đà Nẵng.
Năm 1986 phục viên, ông Tâm trở về quê hương với thương tật hạng 1/4.
Với thương tật 81%, thường xuyên phải chống chọi những cơn đau do vết thương tái phát khi trái gió, trở trời và gặp nhiều khó khăn trong đi lại, nhưng với ý chí và nghị lực của người lính ông Phạm Khắc Tâm vẫn hăng hái tham gia công tác xã hội tại địa phương và tích cực phát triển kinh tế gia đình.
Thương binh Phạm Khắc Tâm vừa hoàn thành công tác xã hội, vừa tích cực phát triển kinh tế gia đình.
Ông Tâm cho biết, từ khi xuất ngũ đến nay, ông đã kinh qua nhiều công việc ở các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương như làm chủ nhiệm HTX mua bán xã Tịnh Hiệp, Bí thư Chi bộ thôn Mỹ Danh, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tịnh Hiệp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy xã Tịnh Hiệp và hiện là Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Tịnh Hiệp. Năm 1996 song song với việc trồng mía, nuôi lợn, gà, vợ chồng ông Tâm bắt tay vào khai hoang hơn 1 ha đất đồi để trồng cây bạch đàn tăng thêm thu nhập.
Do chưa nắm bắt được kỹ thuật trồng và chăm bón, nên vườn bạch đàn của ông đạt hiệu quả thấp, trồng được 10 cây thì 9 cây bị chết. Không nản chí, năm 2000 ông Tâm tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp, trồng trọt và chăn nuôi do địa phương tổ chức, đồng thời chịu khó tìm tòi, nghiên cứu về các loại cây, con giống có yếu tố sinh trưởng, phát triển phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương để đưa vào sản xuất, chăn nuôi.
Sau một thời gian tìm hiểu, cộng với kiến thức tiếp thu được từ các lớp tập huấn nông nghiệp, ông Tâm đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đầu tư mua trên 5.000 cây keo giống về trồng. Nhờ chăm sóc, tưới bón đúng theo quy trình kỹ thuật, vườn keo của gia đình ông sinh trưởng, phát triển tốt, sau mỗi vụ thu hoạch keo (5 năm/vụ) gia đình ông thu về từ 150 đến 160 triệu đồng.
Bên cạnh việc trồng keo, gia đình ông Tâm còn duy trì canh tác thêm 7 sào lúa nước, 2 sào đậu phụng, nuôi 3 cặp bò giống và đàn gà trên 100 con, từ các hoạt động sản xuất, chăn nuôi, hàng năm sau khi trừ chi phí giống, vật tư, phân bón, gia đình ông thu lãi trên 50 triệu đồng.
Ông Tâm chăm sóc đàn gà của gia đình.
Với những thành quả đạt được như hiện nay thương binh Phạm Khắc Tâm tự hào chia sẻ: “Sau khi từ chiến trường trở về, hoàn cảnh gia đình thật sự khó khăn, nhưng với bản lĩnh của “lính cụ Hồ” tôi luôn tự nhủ, mình phải nỗ lực vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế, chiến thắng đói nghèo.
Thời gian qua, những nỗ lực của tôi đã được đền đáp, các mô hình phát triển kinh tế được gia đình triển khai thực hiện đã mang lại hiệu quả tốt, giúp gia đình có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống và nuôi các con ăn học thành tài. Hiện trong 4 đứa con có 2 đứa làm bác sĩ, 1 giáo viên và một chủ một doanh nghiệp nhỏ ở Bình Dương”.
Có thể thấy, với sự cố gắng nỗ lực hết mình trong công tác xã hội tại địa phương cũng như trong lao động sản xuất, dù ở cương vị nào thương binh Phạm Khắc Tâm luôn xứng đáng là tấm gương sáng, đáng trân trọng cho con cháu noi theo.
Với những đóng góp to lớn ấy, thời gian qua ông Tâm đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen, huân huy chương của Đảng và Nhà Nước trao tặng. Đặc biệt, nhân kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7/1947 - 27/7/2019, ông Phạm Khắc Tâm vinh dự là 1 trong 6 thương binh tiêu biểu của tỉnh Quảng Ngãi được tham dự Hội nghị biểu dương Người có công toàn quốc tại Thủ đô Hà Nội.