Ông Bùi Sỹ Lợi: Tăng tuổi nghỉ hưu là hợp lý, hoàn toàn yên tâm
- Bài thuốc hay
- 02:17 - 23/10/2019
Tăng tuổi nghỉ hưu là nội dung nổi bật nhất trong Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), được rất nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và đồng thuận với phương án tăng tuổi nghỉ hưu của Chính phủ.
Cùng với đó, giảm giờ làm việc tiêu chuẩn ở khu vực doanh nghiệp từ 48 giờ xuống 44 giờ/tuần và đề xuất thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa trong một số trường hợp đặc biệt từ 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm… cũng là những nội dung được rất nhiều đại biểu quan tâm và bày tỏ ý kiến thảo luận về Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này.
Đối với quy định tăng giờ làm thêm theo dự thảo Chính phủ đề xuất mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt sẽ tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành, từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa) giải thích, mong muốn của Chính phủ là những ngành nghề thực sự có yêu cầu cho xuất khẩu mà không làm cả năm thì cho tăng giờ.
Tuy nhiên, ông Lợi cho rằng việc này Chính phủ phải báo cáo thật cụ thể trước Quốc hội để các đại biểu thấy rằng, việc làm thêm này không phải là đại trà.
Theo ông Lợi, việc tăng giờ làm thêm chỉ tập trung ở một số ngành nghề lĩnh vực và không phải tăng cả năm mà chỉ tập trung ở 4 ngành trọng điểm: Da giày, dệt may, thủy sản và điện tử. Những người làm thêm họ phải đồng thuận, trên cơ sở chủ sử dụng lao động yêu cầu, nhưng nếu người lao động không có sức khỏe, không muốn thì không ai ép buộc được. Ai cần thì làm thêm, và khi làm thì phải được trả lương, được nghỉ bù…
Đối với việc khống chế giờ làm thêm theo cả tuần và tháng, ông Lợi nhấn mạnh, quy định này như một "tấm lưới" bảo vệ người lao động. Thực tế không chỉ chủ lao động mà cả người lao động cũng muốn làm thêm vì tiền lương không đủ sống, nhưng pháp luật phải quy định để bảo đảm sức khỏe cho người lao động.
Về đề xuất phương án giảm giờ làm việc bắt buộc từ 48 giờ xuống 44 giờ/tuần, theo đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn thành phố Hà Nội), đề xuất này vừa khuyến khích doanh nghiệp tăng năng suất lao động, vừa bảo đảm lợi ích cho người lao động.
"Trong xu thế phát triển như hiện nay, giảm giờ làm bắt buộc là một đề xuất khá phù hợp", ông Cường cho hay và nhấn mạnh thêm: "Khi giảm thời gian làm việc bắt buộc thì nên mở rộng làm việc thêm giờ, tạo sự lựa chọn cho các ngành, lĩnh vực để bảo đảm thời gian làm việc nhiều hơn".
Đến năm 2035 mới có phụ nữ đầu tiên nghỉ hưu ở tuổi 60
Đáng chú ý, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu được nhiều đại biểu Quốc hội cho là hoàn toàn hợp lý.
Với lộ trình tăng 3 tháng mỗi năm đối với nam và 4 tháng mỗi năm đối với nữ, có nghĩa là đến năm 2028 mới có nam giới đầu tiên về hưu ở tuổi 62 và 2035 mới có phụ nữ đầu tiên nghỉ hưu vào tuổi 60.
"Về vấn đề tuổi nghỉ hưu, tôi cho rằng hoàn toàn yên tâm, bởi chỉ tăng ở những người làm việc trong điều kiện lao động bình thường, rơi chủ yếu vào công chức viên chức. Lao động trực tiếp, lao động hầm lò, nặng nhọc không nâng. Cơ bản giữ nguyên. Trong nhóm sản xuất thì chỉ nâng những lao động gián tiếp, quản lý", Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh.
Đồng thời, ông Bùi Sỹ Lợi cũng lưu ý, đừng nghĩ rằng kéo dài tuổi nghỉ hưu là chiếm chỗ của lớp trẻ, vì lộ trình rất chậm. 3 tháng mỗi năm đối với nam và 4 tháng mỗi năm đối với nữ, có nghĩa là đến năm 2028 mới có nam giới đầu tiên về hưu ở tuổi 62 và 2035 mới có người phụ nữ đầu tiên nghỉ hưu vào tuổi 60.
Hiện nay chúng ta đã vào thời kỳ cung lao động thấp hơn cầu. Năm 2014, mỗi năm chúng ta có 1,2 triệu người bước vào độ tuổi lao động và tham gia vào thị trường lao động, nhưng đến nay chúng ta chỉ có khoảng 400.000, giảm xuống cực kỳ mạnh. Ông Lợi nhấn mạnh, đến nay sau 20 năm, chúng ta thiếu lực lượng lao động.
"Trong một bộ luật lớn như Bộ luật Lao động, để tạo sự đồng thuận cao là rất ít, cho nên cố gắng để tạo ra sự đồng thuận quá bán và có lợi chung nhất. Sau khi giải trình tiếp thu Bộ luật Lao động (sửa đổi), chúng tôi nhìn ra có 10 nội dung có lợi cho người lao động và 6 nội dung có lợi cho chủ sử dụng lao động, rất tương đồng về mặt lợi ích của các bên. Nên trường hợp nào bất khả kháng mà các bên chưa thỏa hiệp được trên tinh thần chia sẻ thì đưa ra hai phương án để lấy ý kiến", ông Bùi Sỹ Lợi nói.
Cũng theo ông Lợi, Bộ luật Lao động (sửa đổi) phải cố gắng thông qua ở kỳ họp này vì chúng ta đã tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới, trong đó có CPPP và Hiệp định EVFTA.
"Các Hiệp định này đòi hỏi phải sửa đổi Bộ luật Lao động để đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, đáp ứng yêu cầu quyền của người lao động trong Hiến pháp, khắc phục những tồn tại của Bộ luật cũ", ông Lợi cho biết thêm.
Ngày mai, 23/10, Quốc hội dành cả ngày thảo luận Bộ luật Lao động (sửa đổi)
Theo chương trình Kỳ họp, ngày mai (23/10), Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) (tối đa 15 phút).
Sau đó, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Dự kiến, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) vào ngày 20/11 tới.
Trước đó, sáng 21/10, phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: "Việc xem xét, thông qua dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) được nhân dân và xã hội rất quan tâm, các nội dung được sửa đổi, bổ sung sẽ góp phần giải quyết những vướng mắc, bất cập từ thực tiễn; tạo khung pháp lý thúc đẩy thị trường lao động phát triển phù hợp với bối cảnh mới về hội nhập; bảo đảm tốt hơn và hài hòa quyền, lợi ích chính đáng của người lao động và người sử dụng lao động…"