THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:53

Nơi lưu giữ hồn quê

 

Điểm nhấn kiến trúc xưa

Theo tài liệu ghi lại tại khu bảo tồn nhà xưa, vào những năm 1850, Suối Tiên còn là một vùng rừng núi hoang sơ, dân cư quanh năm sống trong cảnh đói khát vì thiếu nước, nhiều người phải bỏ đất ra đi. Đúng lúc đó, ông Nguyễn Đình Thái, hay còn gọi là Hai Thái, từ xã Vĩnh Trung khăn gói lên Suối Tiên để khai hoang lập ấp, ông đã nghĩ cách tìm ra nguồn nước cho dân làng rồi khai phá vùng đất này. Sau nhiều ngày miệt mài, ông Hai Thái đã thiết lập được hệ thống dẫn nước từ ngọn nguồn các con suối về tưới cho đồng ruộng, rồi ông lại nhường diện tích đất mình đã khai hoang được cho những người khác để tiếp tục khai hoang một quả đồi và xây quần thể nhà xưa như hiện nay. Ghi nhớ công ơn ông, ngày 17 tháng Chạp hàng năm, người dân xã Suối Tiến tổ chức đám giỗ và cúng tế ông.

Ấn tượng đồ dùng xưa

Điểm nhấn của khu bảo tồn này là ngôi nhà cổ, gồm 142 cột, được xây dựng từ những năm 1900, theo kiến trúc Gô-tích của Pháp. Ngôi nhà có 5 gian, gian chính giữa ngày xưa được ông Hai Thái dùng để họp dân, hiện được dùng tổ chức các buổi sinh hoạt cộng đồng. Nền nhà làm bằng một loại đá quý hiếm, hành lang được thiết kế theo kiểu nhà điền chủ xưa, mái ngói vảy cá, đòn tay, rui mè và trần đều được làm bằng gỗ gáo rất chắc chắn.

Đặc biệt, trong ngôi nhà này còn có 220 vật dụng cổ như điện thoại cổ của Pháp, gương, phản, giường, tủ, đồng hồ..., tất cả đều in đậm nét xưa. Ông Lê Xuân Thân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đánh giá: "Đây là kiểu kiến trúc độc đáo và hiếm hoi do chính người Việt xây dựng. Những khu bảo tồn như thế này sẽ góp phần tôn tạo, gìn giữ các công trình và giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời làm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của Khánh Hòa".

Lưu dấu nét quê

Lưu giữ bếp cổ

Đến khu bảo tồn nhà xưa ông Hai Thái, gần như tất cả phong tục sinh hoạt của vùng quê Việt Nam từ những năm đầu của thế kỷ trước đều được tái hiện một cách đầy đủ. Ngay sau tấm cổng chào bằng gỗ hóa thạch, đường dẫn vào ngôi nhà là hai hàng cau cao vút. Theo người dân địa phương, trước đây, hàng cau này được ông Hai Thái cho trai gái trong làng hái miễn phí để làm lễ vật cho các cuộc hôn lễ. Ngay bên cạnh ngôi nhà chính là các ngôi nhà sàn gỗ kiểu Tây Bắc có tuổi thọ hơn 100 năm; rồi chiếc giếng cổ được đào từ năm 1910,  nước trong vắt, trước đây được dùng cho cả làng sinh hoạt.

 

Giữ nguyên các nếp nhà cổ

Rải rác trong khu bảo tồn là các gian hàng lưu niệm, quán ăn được bày biện theo kiểu sạp hàng ở chợ quê ngày trước, do những người phụ nữ mặc áo bà ba, quần lụa đảm nhiệm. Đặc biệt, hai bên đường vào khu nhà xưa có hai hồ nước được xây bao xung quanh bằng đá cổ rất độc đáo, hiện được dùng làm hồ bơi. Nước trong hồ đều được dẫn từ núi xuống và thông qua hệ thống xử lý nên rất sạch sẽ, mát mẻ.

Theo ban quản lý khu bảo tồn, trong những ngày hè, du khách rất thích thú khi tìm đến đây để thưởng thức không gian mát mẻ, thôn dã và lưu trú lại ngay trong các gian nhà cổ được lợp bằng tranh phía sau nhà chính. Trong những gian nhà như thế, du khách thực sự được thả hồn vào không gian làng quê Việt Nam cách đây hàng trăm năm...

Hà Đạo/Báo Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh