Nỗi đau của gia đình có 3 người con tâm thần
- Dược liệu
- 13:43 - 12/12/2017
Nỗi đau chồng chất
Ông tên Nguyễn Văn Hùng, 70 tuổi, vợ chồng ông có 4 người con (3 gái, 1 trai) nhưng chỉ con gái út tỉnh táo, còn lại các con từ nhỏ thần kinh không bình thường, ốm đau thường xuyên. Mặc dù không quậy phá làng xóm, không la hét hay nói nhảm nhưng các con ông sống co cụm ngoài đồng không mông quạnh, ngại tiếp xúc với mọi người.
Vợ chồng ông Hùng gánh vác mọi việc lớn nhỏ trong gia đình. Hằng ngày, ông Hùng lam lũ làm mấy công ruộng, rẫy. Còn bà Trần Thị Hen (vợ ông) chăm lo các con và quán xuyến nhà cửa... Cuộc sống cứ thế dần trôi, đến năm 2009, tai họa ập đến gia đình ông Hùng. Vợ ông bị bệnh bướu cổ và bác sĩ cho biết số tiền phẫu thuật khá lớn. Ông Hùng vay mượn khắp nơi nhưng không được nên đành điều trị thuốc nam cho vợ. Khoảng 2-3 năm nay, bệnh tình bà Hen ngày càng trở nặng. Bướu cổ to dần gây khó thở; thêm vào đó, bà còn bị tiểu đường, tim, phổi, sức khỏe suy yếu, không đi đứng được, nằm liệt một chỗ.
Ông tên Nguyễn Văn Hùng đang chăm sóc người vợ bệnh tật.
Ở tuổi thất thập, ông Hùng vừa phải lo lắng cho con, vừa chăm sóc vợ. Ai thuê gì ông cũng nhận làm để có tiền lo ăn uống hằng ngày cho 3 người con tâm thần và thuốc thang cho vợ. Ban đêm, ông Hùng tranh thủ giăng lưới, cắm câu. Được cá lớn, ông mang ra chợ bán kiếm tiền, cá nhỏ để lại nhà ăn. Ngoài ra, ông Hùng còn chịu khó trồng rau, củ lặt vặt quanh nhà. Làm được bao nhiêu tiền đều lo thuốc thang cho vợ. Có những hôm vợ bệnh nặng ông phải túc trực đút từng muỗng cơm, muỗng nước nên không còn đi làm thuê như trước, cuộc sống càng thêm khó khăn”.
Ông Hùng kể: Có những lúc tỉnh táo, hai người con gái có thể nấu nồi cơm hoặc đi lượm bọc ni lông, chai nhựa, giấy vụn mang về bán phế liệu, kiếm tiền phụ giúp cha.
Nói về ước muốn của mình, ông Hùng mong có điều kiện kinh tế và sức khỏe để chăm sóc vợ con chu đáo hơn. Đồng thời ông mong nhà nước, các nhà hảo tâm có nhiều chính sách hỗ trợ hơn nữa cho những gia đình có hoàn cảnh như ông để có thể vượt qua khó khăn.
Sống nhờ tiền bảo trợ xã hội
Theo ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng ban Công tác Mặt trận khu vực Thới Thạnh, gia cảnh ông Hùng rất khó khăn, vợ bệnh hiểm nghèo, trong khi 3 người con bệnh tâm thần, con gái út có chồng nhưng cuộc sống cũng chật vật nên chẳng giúp đỡ được nhiều cho cha mẹ. Nhiều năm qua, cả gia đình sống nhờ tiền bảo trợ xã hội hằng tháng.
Hiện địa phương xem xét gia đình ông hưởng 4 suất bảo trợ xã hội hằng tháng (khoảng 1,7 triệu đồng/tháng). Căn nhà gia đình ở hiện nay do Hội Nạn nhân chất độc da cam quận Bình Thủy xây tặng. Mặt trận phường và khu vực trợ cấp gia đình ông 10kg gạo/tháng. Mỗi khi nhà hảo tâm tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, tặng quà đột xuất hoặc dịp lễ, Tết, địa phương đều ưu tiên gia đình ông Hùng, giúp vơi bớt khó khăn...
100% đối tượng thuộc diện trợ cấp xã hội trên địa bàn thành phố Cần Thơ đều được trợ giúp xã hội
Thời gian qua từ nguồn trợ cấp bảo trợ xã hội nhiều gia đình có con em bị bệnh thần, hoàn cảnh khó khăn đã được hỗ trợ kịp thời, giúp họ vượt qua những khó khăn trước mắt. Hiện Sở LĐTB&XH Cần Thơ trợ cấp thường xuyên cho 38.162 đối tượng bảo trợ xã hội ở ngoài cộng đồng với tổng kinh phí trợ cấp hàng tháng trên 13.828 triệu đồng. Cấp 34.359 thẻ BHYT cho đối tượng bảo trợ xã hội ở ngoài cộng đồng, 38.504 thẻ BHYT cho người nghèo và 34.661 thẻ BHYT cho người cận nghèo, đảm bảo 100% đối tượng đều được cấp thẻ BHYT.
Bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở LĐTB&XH Cần Thơ, cho biết: Tùy theo tình hình thực tế của từng đối tượng mà ngành LĐTB&XH thành phố có những phương án, kế hoạch cụ thể tạo cầu nối để các đối tượng, hộ nghèo tiếp cận các chính sách, dự án trợ giúp của nhà nước, của cộng đồng xã hội. Từ đó giúp các đối tượng này thụ hưởng được các chính sách hỗ trợ kịp thời, đồng thời góp phần đảm bảo công tác an sinh xã hội tại địa phương.
Năm 2017, 100% đối tượng thuộc diện trợ cấp xã hội trên địa bàn thành phố Cần Thơ đều được trợ giúp xã hội. Thành phố đã giao cho Trung tâm Công tác Xã hội triển khai việc tiếp nhận đối tượng có nhu cầu dịch vụ tự nguyện gửi con em, người thân vào nuôi dưỡng tập trung, nhằm giảm tải áp lực và tiến tới xã hội hóa số đối tượng tâm thần