THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:43

Người thương binh với nỗi đau thời hậu chiến

 

 

Một gia đình, ba thế hệ đóng góp xương máu cho chiến tranh

Sinh thời ông Đặng Bá Độ và vợ là bà Nguyễn Thị Tham quê ở xóm 9 xã Xuân Tường (huyện Thanh Chương , tỉnh Nghệ An) cũng khắc khổ như bao người dân khác dưới chế độ thực dân phong kiến. Sống ở một vùng quê "bắc niêu lên bếp, xách oi ra đồng" , ông làm thuê cuốc mướn, bà mò cua bắt ốc đắp đổi miếng ăn qua ngày. Nói là ăn cho oai nhưng ai đã sống ở vùng quê Tràng Các ngày xưa đều thấm thía cảnh "Sớm khoai, trưa khoai, tối khoai" với dàn đồng ca "Thịt cá là hương hoa, tương cà là chính vị ". Đói rét, cực khổ nhưng ông bà sống với nhau rất hạnh phúc, bù lại bà sinh hạ cho ông một lúc bốn người con gái. Các người con được đặt cho những cái tên rất đẹp: Đặng Thị Lan, Đặng Thị Hồng, Đặng Thị Trang, Đặng Thị Điểm.  Lan , Hồng, Trang , Điểm là những cái tên mang âm hưởng của cỏ cây, giản dị, mộc mạc dọc sông Lam nơi ông bà sinh sống.  "Tam nam bất phú, ngũ nữ bất bần" biết là thế nhưng ông bà vẫn động viên nhau cố gắng sinh thêm  lần nữa may ra có đứa con trai nối dõi tông đường và lần này ông trời đã mỉm cười với họ. Người con trai thứ năm được bà đặt tên là Đặng Bá Đồng. Cần mẫn làm ăn, nuôi dạy con ăn học thành người, đến năm 1968 các chị Lan, Hồng, Trang lần lượt lấy chồng, bà Điểm đi thanh niên xung phong, ở nhà chỉ còn lại ông bà và Đặng Bá Đồng rau cháo nuôi nhau.

Sẽ là sai lầm lớn nếu viết về gia đình bà Điểm mà không dành ít dòng nói về dòng tộc Đặng Bá ở quê tôi. Phải thừa nhận họ Đặng Bá ở làng Tràng Các chỉ có mấy hộ nhưng là dòng họ có truyền thống cách mạng. Trong chiến tranh chống Mỹ đã có người là chủ tịch xã, người Bí thư xã, người là thương binh chống Pháp, người đi bộ đội mang quân hàm đại tá, người là cán bộ Lão thành cách mạng, cán bộ hoạt động Tiền khởi nghĩa… Mang trong mình dòng máu cách mạng nên mặc dù là con trai một nhưng anh Đồng vẫn viết tâm thư xung phong lên đường nhập ngũ giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang trong giai đoạn ác liệt. Đồng vào bộ đội, bà Tham ở nhà trông ngóng từng đêm mong ngày kết thúc chiến tranh anh lại về cùng bà chăn trâu cắt cỏ ven sông Lam, thả diều dọc bờ đê vào những ngày lộng gió. Còn ông ngày nào cũng như ngày nào, tan buổi cày lại ghé vào nhà bác Đặng Bá Khươn chủ tịch xã xem báo Nhân Dân. Ông xem báo không phải để giải trí mà là xem thời sự hôm nay miền Nam giải phóng đến đâu từ đó ông đoán già, đoán non, đến bao giờ  kết thúc chiến tranh để thằng Đồng nhà ông được về bên ông. Ngồi bấm đốt ngón tay, tính từng ngày, ông nhớ Đồng vào bộ đội đã được 3 năm có lẻ, và giờ này không biết nó đang chiến đấu ở đâu. Đang miên man nghĩ ngợi, ông thấy đoàn người gồm chủ tịch xã, xã đội trưởng cùng các cán bộ đoàn thể đến nhà ông. Không phải như mọi lần họ đến thăm ông mà lần này, mặt người nào người ấy căng thẳng và buồn rượi. Linh tính như mách bảo ông có điều chẳng lành đến với con ông. Nhận tin Đồng hy sinh, ông, bà chết lặng giữa nhà…Bà nằm liệt giường hàng năm trời. Ông như điên, như dại, không nói nửa lời… Mấy năm sau ông bà lặng lẽ qua đời trong nỗi nhớ con da diết.

Ba chị gái đã lấy chồng, còn lại bà Điểm đang đi thanh niên xung phong, hàng ngày bà cùng anh em trong đơn vị TNXP thuộc đơn vị 306 Tổng đội TNXP Nghệ An san lấp hố bom, đảm bảo giao thông cho xe ta ra chiến trường tiếp viện. Trong một lần đảm bảo mạch máu giao thông tại cầu Phương Tích bà đã bị thương và phải nằm điều trị tại bệnh xá của đơn vị thì nhận được tin em trai hy sinh. Thương cha, nhớ mẹ, nhớ em, nhiều lúc bà muốn quyên sinh nhưng nhớ lời mẹ dặn trước lúc qua đời "Khó khăn đến đâu con cũng phải tìm được hài cốt em con về với mẹ nghe con". Đó là động lực giúp bà vượt qua khó khăn. Sau chiến tranh, bà xin chuyển ngành sang làm nhân viên nhà máy lương thực Nghệ An. Hàng ngày, một mình đơn chiếc, lẻ loi trong căn nhà tập thể. Ngày hai buổi làm việc, tối về bà lại viết thư hỏi các cấp về thông tin nơi quy tập mộ em trai.

Chiến tranh ác liệt, giấy báo tử cũng ghi vài dòng sơ sài quen thuộc như  "Hy sinh tại mặt trận phía Nam, Thi hài an táng tại khu vực riêng của đơn vị". Giữa thời bao cấp, "củi quế, gạo châu", lương công nhân ba cọc ba đồng thì lấy đâu tiền mà đi tìm mộ. Thôi thì đành lực bất tòng tâm vậy. Cuộc sống khó khăn cộng với sức khỏe giám sút do mỗi khi trái gió trở trời các vết thương hành hạ nên tuổi xuân của bà cũng qua đi nhanh chóng. Đến tuổi xế chiều, tuổi làm ông, làm bà, bà mới mới tìm được "nửa kia" của mình. "Nửa kia" của bà cũng "sứt mẻ" như chính bà. Chồng bà ông Nguyễn Khoa Á sinh năm 1950 quê ở thành phố Vinh tỉnh Nghệ An. Sinh thời ông to cao, đẹp trai, nhanh nhẹn. Năm 1970 ông nhập ngũ, sau ba tháng huấn luyện ông được biên chế vào C12 đại đội đặc công thuộc Trung đoàn 1 U Minh - Quân giải phóng Tây Nam Bộ. Đây là đơn vị đặc công chuyên đánh thọc sâu trong vùng địch hậu thuộc các tỉnh Cần Thơ, Long Mỹ, Trà Vinh..Trong một lần đánh tập kích vào đồn địch ông bị thương vào đỉnh đầu. Do bị ảnh hưởng thần kinh, trí nhớ giảm sút nên đến năm 1977 ông được phục viên về quê sinh sống.

Ra đi đẹp trai, thông minh là thế nhưng bây giờ trở về ông là một người ngơ ngơ ngẩn ngẩn, suốt ngày kể chuyện chiến đấu và lẩm bẩm một mình do bị ảnh hưởng thần kinh sọ não và di chứng chất độc da cam để lại.

 Nỗi đau một người mẹ

Ở cái tuổi xế chiều và thường xuyên đau ốm, ông Á, bà Điểm mới đến được với nhau. Năm 1987, sau khi cưới nhau, ông bà vẫn phải ở chung với nhau trong căn phòng tập thể dột nát, tạm bợ. Năm 1989 bà sinh con đầu lòng đặt tên Nguyễn Thị Anh, cháu sinh ra không được bình thường như bao trẻ em khác, lớn lên trí nhớ ngày càng kém, thỉnh thoảng lên cơn động kinh co dật. Từ năm 20 tuổi đến nay cháu có đỡ hơn trước và đã có chồng. Được biết mối tình của cháu cũng theo kiểu "Anh trưa chợ gặp chị lỡ đò ". Họ đến với nhau chủ yếu là giúp nhau khi trái gió trở trời. "Chạy trời không khỏi nắng", người con thứ hai của bà Điểm là Nguyễn Thị Bính lúc mới sinh ra đã thiểu năng trí tuệ nặng hơn người chị. Hằng ngày cháu chỉ biết khóc, đòi ăn, lên cơn động kinh và uống thuốc, một thời gian sau cháu mất. Nỗi buồn nguôi ngoai chưa dứt thì nỗi bất hạnh khác lại ập đến với gia đình bà. Khi sinh cháu thứ ba chân tay co quắp, đầu nhỏ, miệng méo… lòng bà như xát muối. Nhìn người con thân tàn ma dại vợ chồng bà không muốn sống nữa và cuộc đời bà coi như chấm dứt từ đây.

 

 

Chồng đau yếu, động kinh, suốt ngày lê la, cười nói một mình, con trai ngớ ngẩn, dị dạng dị tật, thiểu năng trí tuệ bẩm sinh nên bà quần quật suốt ngày chăm chồng chăm con. Cuộc đời bà như một cuốn phim quay chậm với mô tuýp quen thuộc diễn ra hết ngày này đến ngày khác. Buổi sáng ngủ dậy nấu nước, giặt giũ, vệ sinh cá nhân, chia khẩu phần ăn cho hai cha con xong bà mới lủi thủi ngồi ăn dưới bếp. Vui, buồn, khổ cực  bà chẳng biết tâm sự cùng ai. Hàng tháng với đồng phụ cấp chất độc da cam của ông Á, cháu Tư cũng không đủ tiền thuốc men cho hai người nên tranh thủ những lúc rảnh rỗi, bà nhặt nhạnh những mảnh bìa cát tông, chai lọ , ống bia…đem bán ve chai.

Dọc hai bên đường Văn Đức Giai - nơi gia đình bà Điểm sinh sống tất cả đều là nhà cao tầng, ngoại trừ nhà của bà. Nơi đây tập trung những gia đình khá giả, có điều kiện nên thấy hoàn cảnh khổ sở của bà ai cũng thương. Họ thường gom các loại ve chai vào một chỗ cho bà mang ra chợ bán. Đó chính là nguồn thu nhập đáng kể của bà gúp bà vượt qua khó khăn. Năm 2007 kỷ niệm 60 năm ngày Thương binh Liệt sỹ các đoàn thể ở Thành phố Vinh đã quyên góp ủng hộ được 20 triệu đồng xây cho bà căn nhà tình nghĩa cấp 4 lợp Prô xi măng trên mảnh đât hương hỏa của cha ông Á để lại.Tuy nhiên căn nhà không có người tu sửa thường xuyên nên nay cũng đã xuống cấp nghiêm trọng.

Khó khăn này cần được sẻ chia

Là cán bộ UBND xã trong đó có nhiều năm giữ cương vị cán bộ chính sách xã, tôi đã nhiều lần giải quyết những vấn đề liên quan đến bà và gia đình bà một cách thấu tình đạt lý. Tuy nhiên mọi chế độ chính sách của bà đều do UBND thành phố Vinh nơi bà cư trú chi trả từ năm 2000 đến nay nên tôi cũng không rõ về hoàn cảnh của bà hiện nay. Đầu Xuân Đinh Dậu 2017, có dịp xuống Vinh công tác, tôi tranh thủ ghé vào thăm bà. Tới nơi nhìn gia cảnh, tôi không ngờ đời bà lại khổ đến thế. Trong căn nhà cấp 4 dột nát không có một thứ gì đáng giá, thứ nhiều nhất có trong nhà là thuốc thần kinh được cấp hàng tháng theo sổ ngoại trú tâm thần cho ông Á và cháu Tư. Tài sản duy nhất và thường xuyên của bà là đống ve chai của bà con khối xóm cho dịp đầu xuân mà bà chưa kịp bán. Người hiểu bà  thì họ thương bà, giúp đỡ bà. Cũng có kẻ ghét bà bởi bà hay đi kiện. Bà đi kiện không phải để chống tiêu cực, để đòi hỏi chế độ gì cả... mà bà chỉ đi kiện người em họ vô tâm nhân lúc cha mẹ bà qua đời đã chiếm luôn ngôi nhà hương hỏa của cha mẹ bà để lại. Theo đơn bà khởi kiện thì sau khi cha mẹ bà mất, năm 1994 căn nhà gỗ của cha mẹ bà ở xóm 9 xã Xuân Tường không có ai trông coi đã bị người em họ dỡ về làm nhà riêng.

Năm 2002, nghĩa là sau tám năm bà mới biết và từ đó đến nay thương lượng không được bà đi kiện để tìm lại chân lý cho cha mẹ mình. Sự việc xảy ra đã lâu hơn 20 năm, cán bộ thời kỳ đó nay người còn,  người mất, tang chứng, vật chứng không còn, sự vụ, sự việc lại xảy ra giữa anh em chú bác với nhau nên việc giải quyết gặp nhiều khó khăn. Hiện vụ việc đang được tòa án huyện Thanh Chương giải quyết. Tuy nhiên trong khuôn khổ bài viết này vấn đề đúng sai tôi không đề cập đến. Chỉ biết rằng trong căn nhà nhỏ số 151 đường Văn Đức Giai - khối Trường Tiến, phường Hưng Bình, thành phố Vinh có một gia đình ba thế hệ tham gia kháng chiến: Em là liệt sỹ, chồng bị nhiễm chất độc da cam với tỷ lệ mất sức động 81%, vợ cựu TNXP, thương binh chống Mỹ sống với hai người con bị di chứng chứng chất độc da cam đang rất khó khăn. Nỗi đau này cần được sẻ chia!

NGUYỄN HỮU MAI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh