THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:48

Bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh – Nỗi đau thời hậu chiến

 

Nỗi đau thời bình

Mới đây, vào ngày 18/8 tại thôn Tà Lương (thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa) đã bất ngờ xảy ra một vụ nổ kinh hoàng. Hậu quả, 6 nạn nhân đã tử vong tại chỗ, 1 người bị thương nặng. Nguyên nhân do một người đàn ông nhặt được quả đạn cối trên rẫy nhà mình đã mang về cưa lấy sắt vụn bán. Trước đó, vào ngày 8/7, tại thôn Lệ Sơn (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) cũng đã xảy ra một vụ nổ lớn do cưa bom khiến 2 người thương, vong….

 

 

Đó là một trong số những vụ tai nạn thương tâm do bom, mìn vật nổ sau chiến tranh. Theo số liệu thống kê, từ năm 1975 đến nay, cả nước có hơn 104 nghìn người chết, bị thương do tai nạn bom, mìn, vật nổ. Trong đó, tai nạn do đùa nghịch và không hiểu biết của trẻ em, gây nổ chiếm 38%. Số vụ do người dân phát hiện bom mìn, vật nổ rồi đem cưa, đục để lấy phế liệu, thuốc nổ chiếm 30%. Số vụ do cuốc, đập, dẫm… phải vật nổ gây ra chiếm 18%. Số còn lại do nguyên nhân ngẫu nhiên chiếm 10%. Những nơi phải hứng chịu nhiều bom đạn, vật nổ trong chiến tranh như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định…, có tới 22.800 người dân vô tội tiếp tục chịu hậu quả từ bom, mìn, trong đó hơn 10 nghìn người chết và 12 nghìn người bị thương tật suốt đời.

Ngay sau khi kết thúc chiến tranh, cho dù điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành và toàn xã hội chung tay khắc phục hậu quả bom, mìn (KPHQBM) sau chiến tranh. Hằng năm, Nhà nước chi hàng nghìn tỷ đồng triển khai các chiến dịch thu gom, rà phá bom, mìn, nhằm giải phóng đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ nạn nhân và tái định cư ở vùng ô nhiễm bom, mìn, vật nổ.

Số liệu cho thấy đã có gần 10 tấn bom các loại, 4 triệu quả mìn, 8 triệu vật nổ khác được rà phá, hàng trăm nghìn héc ta đất canh tác được làm sạch. Riêng trong năm 2016, cả nước đã có hơn 1.500ha đất ô nhiễm bom mìn được cải tạo; hàng trăm nghìn bom, mìn, vật nổ được vô hiệu hóa. Để có được những kết quả này, không thể không kể đến công lao thầm lặng của lực lượng rà phá bom, mìn, những chiến sĩ công binh dũng cảm thời hậu chiến.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình hành động quốc gia KPHQBM giai đoạn 2010-2025, cho biết: “Từ khi chiến tranh kết thúc đến nay, để mang lại sự an toàn cho nhân dân, cả nước đã có hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ hy sinh và bị thương khi làm nhiệm vụ rà phá bom, mìn. Khó có thể bù đắp hết những mất mát của các gia đình bị bom, mìn cướp đi người thân hay vì bom mìn mà tàn phế”.

Nỗ lực đem lại cuộc sống bình yên cho người dân

Tuy nhiên, hiện nay, ở Việt Nam, số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh là khoảng 800 nghìn tấn, nằm rải rác ở 63 tỉnh, thành phố; hơn 6 triệu héc ta đất bị ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm. Riêng số bom đạn mà quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam là hơn 15 triệu tấn, khoảng 5% trong số đó chưa phát nổ. Mục tiêu đã đề ra: Phấn đấu đến năm 2025 sẽ làm sạch khoảng 800 nghìn héc ta đất bị ô nhiễm do bom, mìn; thực hiện tái định cư cho người dân ở vùng bị ô nhiễm bom mìn nặng, đưa các dự án khắc phục hậu quả bom, mìn vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương…

Báo cáo của Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 504 mới đây cho biết, việc triển khai thực hiện Chương trình 504 còn nhiều khó khăn, trong đó tiến độ thực hiện công tác KPHQBM sau chiến tranh chưa đáp ứng yêu cầu. Diện tích đất đai còn bị ô nhiễm bom, mìn hiện vẫn chiếm 18,81% diện tích đất nước (với 6,13 triệu ha), cần nguồn kinh phí rất lớn (tới hàng chục tỷ USD) để làm sạch.

 

 

Song nguồn lực bảo đảm cho thực hiện KPHQBM sau chiến tranh còn hạn chế, chủ yếu vẫn là nguồn vốn của Chính phủ cấp. 5 năm qua, tổng vốn thực tế huy động cho Chương trình 504 chỉ chiếm 20% nhu cầu (với 1.552 tỷ trong số 7.750 tỷ đồng); trong đó vốn trong nước đạt 33%, vốn nước ngoài chỉ đạt 4,6%...

Để đẩy nhanh tiến độ cuộc chiến với “ô nhiễm bom, mìn, vật nổ”, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 504 cần phối hợp tập trung nghiên cứu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Nhóm đối tác KPHQBM sau chiến tranh tại Việt Nam (MAPG), đẩy mạnh công tác vận động, xúc tiến ký kết, triển khai tài trợ quốc tế từ Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ và cá nhân người nước ngoài; các tổ chức, cá nhân trong nước.

Coi trọng phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương các cấp, các lực lượng trong tuyên truyền, giáo dục về phòng, tránh tai nạn bom, mìn, vật nổ, nhất là trẻ em ở các địa bàn thường xuyên xảy ra tai nạn bom, mìn, vật nổ. Tích cực triển khai công tác rà phá bom, mìn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên các địa phương có mật độ ô nhiễm bom, mìn, vật nổ cao tại miền trung, Tây Nguyên và các khu vực biên giới phía bắc, tây nam. Đồng thời, hỗ trợ dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng hỗ trợ học nghề, tạo sinh kế, tái hòa nhập cộng đồng cho các nạn nhân bom, mìn. Mua sắm bổ sung trang, thiết bị nâng cấp trung tâm chỉnh hình, phục hồi chức năng, các trạm y tế cấp xã phục vụ cứu chữa kịp thời nạn nhân bom, mìn tại các tỉnh bị ô nhiễm nặng, hay xảy ra tai nạn bom, mìn…

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh