THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:21

Ở nơi cát tự nhiên nướng chín được gà

Huyền bí dòng suối nóng

Suối nước nóng Hội Vân được xếp vào một trong bảy suối nước nóng nổi tiếng nhất Việt Nam. Sử cũ ghi rằng: “Phường Đống Đa, huyện Phù Ly, phủ Quy Nhơn vào năm Minh Mệnh 13 (tức năm 1832, huyện Phù Ly chia thành hai huyện Phù Mỹ và Phù Cát) có một cái đầm tròn. Đầm ngày ngày thường sôi, nước trong suốt tới đáy, nóng không thể gần được. Lúc tạnh thì bốc khói, lúc mưa khói càng bốc lên nghi ngút. Trâu, dê ngã xuống như bị luộc. Trong đầm cũng có cá sống được. Tôm, cua đều có sắc đỏ”. Ấy là sử xưa. Còn nay, trong một số sách gần đây chép rằng: “Suối nước nóng Hội Vân phát nguyên từ vùng núi thấp phía bắc; đến thôn Hội Vân, nước chảy vào một hồ nhỏ rộng chừng 400m2, sâu hơn 1m. Đáy hồ là những tảng đá lởm chởm chen kẽ nhau. Từ đó, mạch nước nóng phun lên ùng ục; khói tỏa nghi ngút giống như một chảo nước đang sôi. Hồ nằm lọt giữa một thung lũng cát mênh mông, xung quanh có núi non vây bọc”.

Nghe bảo tỉnh Bình Định có nhiều dự kiến cho việc phát triển du lịch ở khu suối nước nóng Hội Vân. Nhưng, đó cũng chỉ mới là dự kiến. Còn lúc này, dòng suối nóng Hội Vân vẫn hoang vu như xưa, vẫn “khói tỏa nghi ngút như một chảo nước nóng đang sôi”.

 Có khác chăng chỉ là lúc này, ở đây đã mọc lên vài ba hàng quán đơn sơ để phục vụ du khách. Chị Lê Thị Dư, một trong những chủ quán ở đây bảo rằng: “Suối nóng Hội Vân xưa nay vẫn vậy, vẫn để luộc gà, luộc bò, luộc dê…; vẫn dành cho mọi người múc nước về tắm chữa bệnh ngoài da như ghẻ lở, hắc lào… Nhà ai đó ở gần đây có cưới hoặc có giỗ phải ngả bò hoặc thịt heo, thịt dê gì đó thì không phải nấu nước sôi, cứ cắt tiết xong là mang ra đây nhúng vào dòng nước sôi ùng ục rồi mang về nhà xẻ thịt, hoặc cũng có thể xẻ tại chỗ rồi mang về làm đám, tiện vô cùng!”. Khi chúng tôi hỏi: “Nghe nói ở đây có cái miếu thờ công chúa con vua Chàm, ở đâu?”.

 Chị Dư rành chuyện: “Ở phía mạn bắc kia kìa, xưa là khu rừng rậm (nay chỉ còn lèo tèo dăm khóm cây dại), có cái miếu thiêng lắm. Nhưng nay nó đã bị tụi trẻ chăn bò phá mất rồi…”. Chuyện xưa kể rằng vua Chăm thuở ấy có cô con gái cực xinh nhưng suốt ngày chỉ quẩn quanh trong loan phòng bởi khắp mình bị ghẻ lở. Anh chàng phò mã sau một chuyến săn bắn về tâu lại với triều đình: “Xứ Phù Ly có dòng suối tiên, nghe thần dân bảo rằng chữa được bệnh ghẻ ngứa, vậy nay xin được rước công chúa đến tắm!”. Quả là như thế, chỉ vài hôm trút bỏ xiêm y trên dòng suối, ghẻ ngứa trên người công chúa hết sạch. Bởi vậy, suối nước nóng Hội Vân cho đến ngày nay vẫn còn được gọi tên là suối Tiên.

 

Món gà có một không hai

Dòng suối Tiên có tác dụng chữa trị các bệnh ngoài da, nên người dân quanh vùng vẫn thường xuyên đến đây múc nước đem về. Nhưng, một giá trị khác mà chỉ ở riêng ngay tại dòng suối này chúng tôi mới mục sở thị được là món gà hấp cát! Chuyến về Hội Vân vừa rồi, chúng tôi đã không bỏ lỡ dịp thưởng thức món gà hấp cát suối nước nóng gần như là độc nhất vô nhị ấy!

Gà Hội Vân là gà nhà, thịt săn chắc và ngọt. Chị Lê Thị Dư bảo rằng: “Các loại gà khác mà đem vào đây hấp cát thì thịt nhão ra trông ghê lắm, khách chê liền tức khắc”. Bởi vậy, quán của chị (và cả mấy quán khác ở đây cũng vậy) phải hấp cát gà ta thả vườn mới hấp dẫn. Vòng ra phía sau nhà, người bà con cùng đi với chúng tôi chỉ tay vào một con gà mái nặng khoảng hơn kg: “Con này thịt chắc là ngon?”.

Nhoáng cái, con gà được cắt tiết rồi mang ra suối. Ở nơi bọng giếng giữa suối đang có mấy đứa trẻ luộc trứng. Nước trong bọng giếng sôi ùng ục. Khói bốc lên nghi ngút. Mùi lưu huỳnh xộc vào mũi hơi khó chịu nhưng lại rất thú vị. Trước tiên, con gà “đãi khách” được chủ quán trụng trong dòng nước nóng sặc mùi lưu huỳnh ấy.

 

Người bà con của tôi vốn không lạ gì món gà hấp cát ở suối nước nóng Hội Vân nên tỏ ra sành sỏi: “Điều hấp dẫn là con gà đem trụng vào suối nước nóng không bao giờ bị lột da. Lạ lắm, nước chỉ làm cho vừa đủ nóng để nhổ lông chứ không làm tróc da như trụng nước sôi bình thường. Có thể là nhờ ở chất lưu huỳnh có trong dòng suối khoáng!”. Sau khi nhổ lông, chị Dư đem mấy thứ gia vị ra ướp con gà rồi cuộn nó trong tấm giấy bạc kín bưng. Xong, con gà lại một lần nữa được đem nhúng vào dòng nước nóng. Lần này, chủ quán moi một cái hố nhỏ, bỏ con gà đã ướp gia vị và gói trong giấy bạc ấy vào cái hố rồi lấp đầy cát lên trên.

“Nước nóng, cát nóng, con gà hấp thụ những thứ có trong dòng suối trở nên hấp dẫn hơn nhiều so với hấp nước sôi theo kiểu thông thường. Du khách khắp nơi khi đến đây cũng thường đặt làm theo kiểu này để họ mang về” – chị Dư vừa lấp cát lên con gà vừa nói. Gần một tiếng đồng hồ sau, con gà hấp cát được moi lên.

Các món gà quay, gà rô ty, gà luộc, gà bọc đất sét… có ở nhiều nơi. Nhưng, chắc chắn một điều là “ở nhiều nơi” ấy không thể “chế biến” được món gà hấp cát trong “nước vô trùng, chứa khoảng 20 khoáng chất có ích…” (theo kết quả của các nhà khoa học nghiên cứu đưa ra) của Hội Vân. Quả thật là thú vị!

THI HOÀNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh