THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:50

Bài thuốc nhuốm màu huyền bí

Thuốc làm rụng răng…

Người có công khai sáng làng Đựa giữa chốn linh thiêng đại ngàn là ông Lự Văn Đựa. Vậy nên mỗi khi về làng, khách nhất định phải qua chào bà Nguyễn Thị Nguyện, người già nhất làng, thuộc thế hệ thứ 2 và là vợ hai của ông Đựa.

Tôi biết đến làng Đựa cũng đã gần 20 năm, ngày biết đến ngôi làng này cũng là ngày tôi biết bà Nguyện. Tôi nghe nhiều người kể, cách đây 30 - 40 năm khi đến làng Đựa thấy một người phụ nữ nhanh nhẹn, vác khúc gỗ đi thoăn thoắt trong rừng. Nhìn phía sau, ai cũng đoán người phụ nữ ấy độ 30 tuổi, nhưng khi lại gần mới ngỡ ngàng: Miệng người phụ nữ ấy móm mém, răng không còn một cái nào, da mặt nhăn nheo. Có người độc miệng bảo, người phụ nữ này ăn ở không ra gì nên bị ai đó làm cho rụng răng, người lại hồ nghi bà này do ngoại tình nên bị chồng cho uống thuốc nên mới thế... Câu chuyện bà Nguyện rụng răng lan xuống xuôi, nhưng có lẽ vì miếng cơm manh áo, quần quật cả ngày đã khiến người ta nhanh quên chuyện này.

Bà Nguyễn Thị Nguyện trở nên móm mém sau khi uống thuốc lá cây rừng khi mới ngoài 30 tuổi.

Hôm tôi tìm về làng Đựa, bà Nguyện cũng đã gần 70 tuổi, tôi đến đúng lúc bà đang nướng củ khoai cho cháu. Bà giải thích: “Nhà không còn gì, phải nướng củ khoai rồi trộn với cơm nguội, làm như thế cơm sẽ có vị ngọt, thằng bé mới chịu ăn”. Đúng là khoai trộn với cơm nhưng thằng bé 15 tháng tuổi ăn một cách ngon lành. Ăn xong, nó chịu chơi, khi đó bà mới thảnh thơi tiếp chuyện khách.

“Bà là người dưới xuôi, khi lấy ông Đựa, bà kém ông 33 tuổi. Thuở đó, bà còn trẻ và xinh, sau khi lên rừng sống với ông thì sinh được 4 người con, đặt tên là Sáu (1982), Bảy (1984), Thắng (1986), Hương (1990). Đầu đông năm 1990, khi cái Hương được 4 tháng tuổi, ông Đựa bế con nằm ngủ và mơ về cái chết của mình”, bà Nguyện mở đầu câu chuyện.

Theo lời kể của bà Nguyện, sau khi mơ về ngày chết, ông Đựa đã gọi các con cháu, dặn dò cẩn thận, xong xuôi đâu đấy, ông cầm dao đi thẳng vào rừng. Chiều muộn, ông trở về, trong tay cầm ít lá cây. Ông đem sao vàng, đổ xuống đất, rồi cho vào nồi sắc còn lại một bát nước. Không nói năng gì, ông đưa cho vợ. Bà Nguyện đưa lên uống cạn theo ý chồng. “Đêm cái hôm uống thuốc, tôi thấy chân răng rỉ máu, lợi đau nhức, chạm tay vào thấy răng lung lay hết, tôi hoảng hốt nói với ông Đựa. Lúc này ông ấy mới nói thật cho tôi biết mục đích của bài thuốc trên. Sau một hai ngày, toàn bộ hàm răng của tôi đã không còn cái nào, da vòm miệng cũng nhăn nhúm. Hàm răng chắc khoẻ, rụng hết không còn cái nào. Việc ăn uống trở nên khó khăn hơn. Một thời gian sau tôi cũng quen dần. Thuở đó, mới ngoài 40 tuổi nhưng trông tôi như bà già ngoài 60 là bởi thế” – bà Nguyện nhớ lại.

Do ông Đựa biết trước ngày chết, nhưng nhìn mấy đứa con còn nhỏ, đặc biệt là con bé Hương mới 4 tháng tuổi, ông không yên tâm nhắm mắt khi vợ ở tuổi có thể tái giá được. Ông sợ khi mình chết đi, bà sẽ mủi lòng bỏ về dưới xuôi, lúc đó làng Đựa không ai trông nom, vậy nên ông đành nghĩ cách để bà ở lại với con cháu, với núi rừng.

Sau khi bà Nguyện rụng hết răng, ngày hôm sau ông Đựa dặn con cháu: “Chiều mai tao chết, chúng mày đừng vào rừng đi săn nữa”. Qua đêm, đến sáng, ông làm thịt con gà, bao nhiêu gạo nếp treo trên gác bếp ông lấy xuống nấu xôi, gọi cả làng quây quần ăn bữa cơm. Ăn xong, mọi người ngồi chơi, còn ông đi nằm, đến giữa chiều thì ông Đựa nhắm mắt xuôi tay y như lời tiên đoán trước đó. Chồng mất, bà Nguyện được người dân gọi bà là bà Cố, tất cả con của ông Đựa, kể cả những người con của ông với bà vợ cả, đều xem bà Nguyện là mẹ, người mẹ của dân làng Đựa.

Thuốc cho sản phụ, thuốc tránh thai

Câu chuyện của bà Nguyện đã được trưởng làng Đựa - Lê Đình Dân, cháu rể ông Đựa xác nhận là thực, quá trình diễn biến như thế nào, ông Dân nắm khá rõ.

Vợ chồng trưởng làng Lê Đình Dân, Lự Thị E - người từng uống thuốc lá cây dành cho sản phụ do bà Nguyện lấy trong rừng

Bà Nguyện cho biết, ngày còn sống, ông Đựa đưa bà vào rừng, trèo nhiều quả đồi khác nhau và dạy cho bà biết 16 cây thuốc, 16 cây này gộp lại thành một loại thuốc, ông giảng giải cho bà đặc tính 16 loại cây, về độ nồng, nóng, lạnh, phơi sấy. Loại thuốc bà Nguyện kể đến chính là thuốc dành cho sản phụ. Với người thiểu số ở miền thượng ngàn, phụ nữ đều tự sinh con ở nhà, ở làng Đựa cũng vậy. Toàn bộ dân ở làng Đựa đều là con cháu ông Đựa. Vậy nên khi con cháu sinh đẻ, ông Đựa hoặc bà Nguyện sẽ là người vào rừng lấy thuốc, đưa cho sản phụ uống. Thuốc này chỉ uống vào lúc giữa đêm, tức khoảng 1- 2 giờ sáng mới có hiệu nghiệm. Theo đó, ban ngày người phụ nữ sinh, nửa đêm được uống thuốc, sáng hôm sau có thể đi lại như người bình thường mà không cần kiêng cữ gì.

Giờ đây, bà Nguyện chân đã yếu, mắt đã kém, không thể leo nhiều ngọn đồi để lấy thuốc nên đã truyền lại cho con dâu là Dương Thị Diện. Trò chuyện với tôi, chị Diện tâm sự: “Tôi đẻ 2 thằng, lần nào đẻ xong cũng uống thuốc này. Dưới xuôi nhiều người biết thuốc này nên thi thoảng có người lên làng nhờ mẹ con tôi lấy, có người nói từ Hà Nội tìm về lấy cho con cái họ uống. Đây là thuốc sản, thuốc làm sạch máu, thuốc chống tắc sữa,... cũng vậy cả thôi. Uống một bát là có tác dụng rồi, uống nhiều cũng chẳng sao, kể ra sau khi sinh con, uống loại thuốc này rất tốt.

Tôi khá bất ngờ khi nghe đến loại thuốc này, nhưng toàn bộ phụ nữ ở làng Đựa như chị Thanh, chị Thắng, chị Vân,... đều đã uống loại thuốc kỳ diệu này sau khi sinh. Bà Lự Thị E, cháu gái ông Đựa, là vợ trưởng làng Lê Đình Dân, cũng từng uống loại thuốc này do bà Nguyện lên rừng lấy về. “Tôi nhớ khi sinh thằng con đầu máu ra nhiều, lại đau nữa, sau khi uống loại thuốc này thì sáng hôm sau tôi đã mang chậu quần áo ra suối giặt, tiện thể lội xuống tắm luôn một trận thoả thích”.…

... và những hệ lụy

Những năm trước về làng Đựa, người ta còn gặp người con thứ 5 của ông Đựa, chị Lự Thị Năm bị còng lưng. Chị Năm là người duy nhất không lấy chồng ở làng Đựa. Trước đây, làng Đựa chưa được tiếp cận nền y học. Chính quyền địa phương đã cử các cán bộ y tế lên giúp bà con những điều cơ bản nhất để tự chăm sóc sức khoẻ. Thấy chị Năm là người có kiến thức về lá thuốc, các y tá dưới xuôi đã mạnh dạn giao cho chị phụ trách về y tế trong làng. Việc của chị là trồng các cây thuốc, trong làng có người ốm nặng là phải khuyên họ đưa xuống xuôi để chữa trị.

Chị Năm (bên phải), người bị gù lưng do uống thuốc lá quá liều, nay đã mất

Bà Nguyện kể, khi xưa chị Năm rất xinh gái, lại hát hay, nhanh nhẹn, ngày ngày vào rừng lấy măng về nấu cho cả nhà ăn. Những năm xây dựng kinh tế mới, có một đoàn bộ đội về giúp bà con lấy gỗ, phát rừng làm nương. Khi đó chị Năm yêu một người, rồi họ trao thân cho nhau. Một lần, hai lần,... sau mỗi lần họ bên nhau, chị Năm lại vào rừng lấy thuốc lá uống để tránh thai. “Nó đã lạm dụng, uống quá nhiều thuốc nên lưng bị rút lại, đi đứng bất tiện, sống độc thân suốt đời, đến năm ngoái thì nó mất” - Bà Nguyện cho biết.

Kể từ khi chị Năm chết đi, ngoại trừ bài thuốc dành cho sản phụ, mọi bí quyết chữa bệnh bằng lá cây rừng ở làng Đựa đều không còn nữa, người ốm, người đau đều phải về dưới xuôi mua thuốc. Theo lời ông Trần Văn Khanh, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Phúc Đường, ngày trước giao thông đi lại giữa trung tâm xã với làng Đựa còn rất khó khăn nên người ốm không có điều kiện về xã thăm khám. Ốm đau họ tự vào rừng lấy thuốc. Loại thuốc mà bà con làng Đựa lấy chủ yếu dựa vào kinh nghiệm truyền đời của đồng bào mình. Với bài thuốc mà bà Nguyện nói, thực sự vẫn chưa được nghiên cứu kỹ, song thấy bà con vẫn uống. Ngoài một số bài thuốc chữa dạ dày, cảm cúm theo kinh nghiệm, ngày nay, dân làng Đựa cũng thường xuyên xuống trạm xá lấy thuốc chứ không mấy khi uống thuốc lá cây nữa.

VĂN NGHĨA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh