THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 07:43

Nỗi buồn thăm thẳm ở nơi họ hàng... lấy nhau

 

Tự trói buộc mình trong hủ tục

Đã mấy mùa rẫy đi qua rồi, không nhớ nữa, cứ chiều đến già làng Y Hun ở xã Đắc Liêng (huyện Lắc, Đắc Lắc) lại ra hồ Lắc với cái nhìn chất chứa nỗi buồn vô hạn. Ông bảo: "Mình chưa cắt nghĩa được. Nghe tuyên truyền nhiều nhưng còn mông lung lắm nên tình trạng anh em trong họ lấy nhau ở xã này là việc nghiễm nhiên thôi. Tôi đã láng máng nhận ra đó là hủ tục nhưng hàng ngàn người khác thì không đâu, thói quen thành lệ rồi, sao bỏ được". Tiếp lời già Y Hun, “vua” nuôi voi Đàn Năng Long buồn rầu nói: "Hủ tục đã trói buộc hàng vạn người dân vùng sâu Đắc Lắc trong u mê. Thế nên con chú, con bác vô tư lấy nhau, nhiều lắm, nhất là ở Đắc Liêng đang tiếp diễn mạnh. Cần phải róng riết xem đây là hủ tục, ngăn chặn ngay. Phải xem việc cởi chói hủ tục là việc cấp bách nếu không sẽ tạo nên rất nhiều gánh nặng".

 

  Quanh năm ruộng rẫy và anh, em họ lấy nhau ở Đắc Liêng

 

Theo cái chỉ tay của Đàn Năng Long, lách qua những rẫy bắp, tôi đặt chân lên căn nhà gỗ của bà H’Pao. Ngày nông nhàn, bà Pao chỉ quanh quẩn xoa bóp chân tay cho đứa cháu ngoại đã lên 3 nhưng không tài nào đứng dậy được. Cứ nằm bất động, khóc ngằn ngặt. Nghe mọi người lý giải đó là hậu họa của kết hôn cùng huyết thống, bà cãi: "Tục lệ nó thế, sao mà bỏ được, mình cứ phải theo, chắc do ma ám". Bà Pao bảo, có vài khoảnh khắc, sự minh mẫn vụt sáng, muốn bỏ luật lệ nhưng bà lại sợ bị người trong buôn chê trách, lại thôi. Không dám cởi trói hủ tục nên mỗi khi đứa cháu ngoại thiếp đi vì mệt, bà Pao chỉ biết tạc bóng mình trầm mặc bên khung cửa nhỏ, trong cái nắng chiều cuối hạ loang lổ trên những tấm ván sậm màu cũ kỹ và bắt đầu mục nát.

Theo thống kê của Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình Đắc Lắc, chỉ tính riêng từ năm 2009 đến nay có gần 50 cặp kết hôn cận, cùng huyết thống, tập trung chủ yếu ở xã Đắc Liêng, Ea Kênh, Ea Phê. Đáng nói không chỉ cùng, cận huyết thống mà các cặp đội này còn kết hôn khi còn là trẻ con. Dẫu Luật Hôn nhân và Gia đình quy định rõ: “Cấm tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ, giữa những người có họ trong phạm vi ba đời”. Thế nhưng, nhiều người dân ở xã Ea Phê, Ea Kênh (huyện KRông Pắc, Đắc Lắc) vẫn níu bám vào những tư tưởng lạc hậu, rằng cứ cho họ hàng lấy nhau vừa tiện lợi, của cải có mất cũng không vào tay người lạ. Ngay cả gia đình của phó buôn Ea Đun xã Ea Kênh cùng thông gia với em gái mình. Bà H’Mí có con trai lấy con gái em ruột mình ở Ea Kênh phân trần: "Mình thật bụng lắm nên chỉ sợ người ngoài lừa lấy của cải. Có tài liệu phát miễn phí về việc kết hôn cùng huyết thống nhưng còn lạ lẫm, chưa nhờ người đọc được. Nhìn các thế hệ sau bệnh tật liên miên cũng thấy nhột trong bụng rồi. Nhưng tục lệ không bỏ liền được đâu".

Nỗi đau truyền đời

Được sự quan tâm của Nhà nước, những buôn làng ở Đắc Liêng, Ea Kênh, Ea Phê mà tôi đã đặt chân đến cái đói không còn, nhất là những mùa giáp hạt. Nhưng nỗi đau không ngừng nhân lên từ chính tư tưởng mê muội cho người cùng họ hàng lấy nhau. Bước sang tuổi 17, còn ngỡ ngàng với nhiều chuyện trong cuộc sống, Y Lương ở buôn Ranh B, xã Đác Liêng ngỡ ngàng luôn với việc mình có đứa con trai với H’Ninh. Lương hồn nhiên bảo: "Mình chơi với em gái họ từ khi còn đi tắm hồ chung. Lớn chút, cha mẹ, dòng tộc kêu cho anh em mình lấy nhau. Thế là từ anh em họ biến thành vợ chồng. Nó (H’Ninh) sinh con xong cứ ủ dột, ngồi trong xó nhà sàn mãi thôi, kêu đau khắp người. Con trai mình 2 tuổi mà không chịu nói, không chịu đi, chỉ nằm ngó nghiêng. Mình đau trong cái bụng lắm. Cha mẹ mời thầy cúng mãi cũng không khỏi. Các bác sỹ và cán bộ kêu do kết hôn cùng huyết thống".

Cách nhà H’Ninh mấy nóc nhà, Y Lâm ở Buôn Dap và H’An ở buôn Bàng là con cô con cậu ruột với nhau cũng thành vợ chồng. Ngày vui với họ thưa vắng dần kể từ khi có con với nhau. Y Lâm tâm sự: "Chẳng biết đâu, vợ mình đẻ liên tục mong kiếm đứa con lành lặn. Nhưng cả ba đứa ra đời là cứ khóc mãi miết thôi, uống thuốc gì cũng không khỏi được, bác sỹ bảo nó bị bệnh từ lúc trong bụng ấy. Tới giờ tóc cũng không chịu mọc nữa. Chúng chỉ biết nhìn mình trân trân vậy thôi. Thương nó xót ruột luôn vì là con mình mà. Cha mẹ mình cũng buồn lắm. Nhưng biết làm sao được. Cán bộ dân số bảo, nếu đẻ nữa cũng sẽ ra đứa trẻ nhiều di chứng thôi nên cũng đang hoang mang lắm”. Đứa con đầu của Y Lâm là Y Tí, đã lên 6 nhưng nặng chừng hơn 10kg, hai chân tóp lại, đã được bác sỹ kết luận bị bại não.

 Nhiều đứa trẻ làm mẹ trong nỗi buồn tủi

 

Ngược về xã Ea Kênh (huyện K’Rông Pắc), gặp lại H’Mai khi em đã sinh được 2 đứa con. Dáng dấp Mai không như những thiếu nữ khác mà gầy sọp, hốc mắt trũng sâu. H’Mai kể: "Em được gia đình sắp xếp cho lấy anh con nhà ông bác. Lúc đầu vui lắm nhưng giờ mất ngủ liên miên vì hai đứa con, đứa nào cũng nhỏ thó, hai tay lúc nào cũng run lẩy bẩy, đêm quấy không chịu ngủ, nó cứ thế cũng làm mình buồn cái bụng không đi làm rẫy được. Ở nhiều buôn làng trong huyện mình cảnh tượng này diễn ra nhiều lắm”.

Cuộc chiến cần sáng tạo

Theo Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình Đắc Lắc, trước tình trạng kết hôn cận, cùng huyết thống đang diễn ra mạnh mẽ, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hành động trong giai đoạn 2016-2020 là biên soạn, cung cấp tài liệu, sản phẩm truyền thông, tư vấn pháp luật liên quan về hôn nhân và gia đình trong vùng dân tộc thiểu số, tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, giao lưu văn hóa. Cùng với đó là tăng cường các hoạt động tư vấn, can thiệp, nghiên cứu, ứng dụng, triển khai nhân rộng các mô hình. Trong thời gian vừa qua, Chi cục cũng đã phối hợp với nhiều cấp chính quyền mở hàng loạt buổi tuyên truyền, vận động tại cộng đồng về tác hại của tảo hôn và kết hôn cận huyết thống, phát nhiều tờ rơi về Luật Hôn nhân và gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản. Tuy nhiên theo bà H’Lê, Trưởng phòng Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình) hiệu quả vẫn chưa cao. Vì nhận thức của những người dân ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. Có đợt tuyên truyền hàng tháng nhưng người đồng bào đôi khi nghe trước quên sau nên đâu lại vào đó.

Theo nhiều già làng ở những nơi có tình trạng kết hôn cùng huyết thống: Muốn thay đổi nhận thức, các cán bộ dân số cần phải hòa nhập, ăn cùng, ở cùng để hiểu cặn kẽ và liên tục tuyên truyền, vận động thì may ra mới có hiệu quả. Còn cứ căng pa-nô, áp phích ra đường quốc lộ thì dân có đọc đâu vì suốt ngày trên nương, trên rẫy rồi. Với lại người đồng bào dân tộc thiểu số, khi thân mật rồi họ mới hoàn toàn tin tưởng.

Ông Bùi Phụng, Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Krông Pắc cũng nhận định: Tình trạng kết hôn cùng huyết thống đã trở nên báo động. Thế nhưng không thể xóa bỏ ngay được. Cần phải có các giải pháp lồng ghép sáng tạo. Quan trọng nhất, người dân cần nhanh chóng thức tỉnh trước những hậu quả đã diễn ra.

ĐÔNG HƯNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh